Xúc phạm trên Facebook thì xin lỗi thế nào?
Bị đơn xúc phạm nguyên đơn trên Facebook thì tòa buộc bị đơn phải xin lỗi ở đâu - tại tòa hay trên báo, hay xin lỗi chính trên mạng xã hội Facebook?
Theo dự kiến, hôm nay (5.1), TAND quận 2 (TP.HCM) sẽ xử vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm. Nguyên đơn là bà N.T (ngụ quận 4, TP.HCM) kiện ông T.G.N (ngụ quận 2).
Ông N đã nói xấu bà T trên mạng xã hội Facebook và đã bị công an xử phạt hành chính. Sau đó, bà T kiện yêu cầu ông N phải xin lỗi công khai.
Chia tay, trả quà vẫn không yên thân
Bà T trình bày tháng 6.2012, bà gặp và quen với ông N. Nửa năm sau, bà chấp nhận ông N là bạn trai. Ông N có đến thăm gia đình bà và ngược lại bà cũng được ông đưa về giới thiệu với gia đình. Sau, nhận thấy cả hai có nhiều khác biệt trong quan điểm sống và có mâu thuẫn gay gắt nên bà nói lời chia tay với ông N. Ngày 18.6.2013, bà gửi trả những quà tặng của ông N trong thời gian còn yêu nhau.
“Bẵng đi một thời gian, ngày 2.5.2014, ông N đã đăng trên Facebook của ông với những nội dung vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm tôi cực kỳ nghiêm trọng. Hôm sau, ông N tự ý đưa lên Facebook của ông (ở chế độ mọi người, tức ai cũng xem được) bốn hình nhạy cảm của tôi và đính kèm nhiều thông tin bịa đặt, nội dung rất thô tục. Tôi xin lỗi không thể nêu cụ thể, chi tiết nội dung này, vì mỗi khi nhắc lại là tôi buồn nôn, uất nghẹn, tức giận tăng huyết áp ngất xỉu. Tôi đã nhờ một văn phòng thừa phát lại lập vi bằng và phụ lục vi bằng ngày 20.5.2014” - bà T kể.
Vẫn theo bà T, ngay sau đó bà đã nhắn tin cho ông N yêu cầu xóa hết mọi thông tin liên quan đến bà trên Facebook và không đưa bất kỳ thông tin nào liên quan đến bà lên Facebook. “Nhưng ông N không đồng ý mà còn tiếp tục đưa nhiều thông tin vu khống tôi lên Facebook, ông còn nhắn tin cho tôi bằng lời lẽ thô tục, nhục mạ...”.
Đã bị phạt 7,5 triệu còn bị kiện đòi bồi thường
Bà T tố cáo sự việc đến Công an quận 2. Đầu năm 2015, công an cho rằng hành vi của ông N không cấu thành tội vu khống, tội đe dọa giết người hay tội làm nhục người khác. Do vậy, công an đã xử phạt hành chính ông N 7,5 triệu đồng về hành vi “truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, xúc phạm nhân phẩm, uy tín của người khác” theo Nghị định 174/2013.
Sau đó, bà T nộp đơn khởi kiện đến tòa yêu cầu ông N chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm (gồm khoản chi phí lập vi bằng, phụ lục vi bằng và khoản tổn thất tinh thần, tất cả 35,2 triệu đồng).
Trong quá trình giải quyết vụ án, bên bị đơn đồng ý với một phần yêu cầu của nguyên đơn nhưng đôi bên vẫn không thể hòa giải thành. Về bồi thường, bị đơn cho rằng việc đòi chi phí lập vi bằng là không căn cứ và mức bồi thường tổn thất tinh thần cao, không phù hợp. Về xin lỗi, bà T yêu cầu ông N phải xin lỗi công khai trên ba tờ báo trên ba ngày liên tiếp nhưng ông N chỉ đồng ý xin lỗi bà tại tòa.
Xin lỗi thế nào mới phù hợp?
Như vậy, ở đây có sự tranh chấp về việc xin lỗi công khai khi xúc phạm nhau trên mạng Facebook. Đây là vấn đề pháp luật chưa dự liệu được.
Luật sư Lê Thành Kính (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng đây là vụ việc dân sự, khi giải quyết tòa đề cao tinh thần hai bên tự thỏa thuận trước khi đưa ra phán quyết. Xin lỗi tại tòa cũng được xem là xin lỗi công khai.
Luật gia Đặng Đình Thịnh (Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật - Hội Luật gia Việt Nam) bày tỏ sự băn khoăn khi mạng xã hội phát triển quá mạnh, sức lan tỏa quá lớn thì việc xúc phạm nhau trên cộng đồng này gây hậu quả khôn lường. Ông Thịnh cho rằng nếu khởi kiện ra tòa để chỉ được xin lỗi công khai tại tòa thì e rằng những người đi kiện như bà T sẽ không còn thiết tha đi đòi công lý cho mình.
“Việc xin lỗi công khai ở tòa chỉ có đôi bên đương sự, HĐXX và một số người tham dự phiên tòa biết. Cùng lắm thì bị đơn sẽ thôi không dám xúc phạm nữa. Nhưng tâm lý của nguyên đơn sẽ là buồn, ấm ức bởi việc xin lỗi như thế chưa tương xứng. Vì thế, theo tôi việc xin lỗi công khai trên công luận, trên phương tiện truyền thông đại chúng mới thỏa đáng” - ông Thịnh bày tỏ.
Nhiều thẩm phán cho biết những án này áp theo nguyên tắc bị xúc phạm ở đâu thì tổ chức xin lỗi ở nơi đó. Như xúc phạm, chửi bới hàng xóm thì buộc xin lỗi tại cuộc họp tổ dân phố, xảy ra ở công ty thì tổ chức xin lỗi tại nơi làm. “Trong trường hợp mới này, bị đơn xúc phạm trên mạng Facebook phải chăng là buộc họ phải đăng lời xin lỗi trên Facebook? Nếu bị đơn không tự nguyện thi hành xin lỗi thì sao, bởi hiện chưa có cơ chế buộc thi hành án trên không gian công cộng này” - một thẩm phán băn khoăn.
Ý kiến của bạn ra sao về việc này?
Nguồn: http://danviet.vn/