Video

Văn phòng Thừa phát lại

Thống kê
Vistited  
Online  

Vụ VPBank xiết nợ: "Không phải cứ thông báo là được phép thu hồi"

Monday, 23/03/2015, 11:36 GMT+7

Vụ VPBank xiết nợ: "Không phải cứ thông báo là được phép thu hồi"

“Đây là “lỗ hổng khó chịu” của Nghị định 163/2006/NĐ-CP. Nên dù có thông báo hay chưa thông báo mà tiến hành "cưỡng chế" để thu hồi tài sản đều có thể sai…”- Cựu thẩm phán Phạm Công Út.

Trước những tranh cãi quanh chuyện “ngân hàng có quyền xiết nợ” hay không, PV Infonet đã có những cuộc trao đổi với Cựu thẩm phán Phạm Công Út - người có nhiều năm làm thẩm phán tại Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh.

 

Ngân hàng VPBank niêm phong thu giữ nhà của khách hàng (ảnh Lao động)

Thưa ông, là thẩm phán nhiều năm, có bao giờ ông xét xử những vụ tranh chấp liên quan đến thu hồi nợ của ngân hàng chưa?

 

Cũng có nhưng không nhiều. Thực tế, trước đây, đa số các tranh chấp hợp đồng tín dụng đều phải qua trình tự thủ tục tố tụng và thi hành án dân sự.

Ông có nhận định gì về cuộc tranh cãi quanh việc “thu hồi tài sản đảm bảo” của VPBank?

Nếu chỉ dựa vào thông tin từ báo chí mà không có bản Hợp đồng tín dụng giữa VPBank với khách hàng thì tôi e rằng câu trả lời sẽ không chính xác, vì các thỏa thuận giữa hai bên đã được ký kết trong đó. 

Cũng có thể có điều khoản "Bên nhận bảo đảm (Ngân hàng) nhận chính tài sản bảo đảm (của bên vay) để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm". Trong trường hợp này thì bên ngân hàng VPBank sẽ nhận tài sản là căn hộ của bên vay khi bên vay vi phạm thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng.

Nếu phải phân xử chuyện ngân hàng "xiết nợ", ông sẽ xét xử nghiêng về bên nào?

Nếu phía Ngân hàng và người vay có ký kết hợp đồng thế chấp kèm theo hợp đồng tín dụng mà có thỏa thuận là "Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm", và phía Ngân hàng có đăng ký giao dịch bảo đảm tại cơ quan có thẩm quyền thì trong trường hợp này phía Ngân hàng mới được xử lý tài sản bảo đảm, nhưng cũng phải qua một trình tự thủ tục bắt buộc theo quy định tại Nghị định 11/2012/NĐ-CP ngày 22/2/2012 sửa đổi, bổ sung Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm". 

Nếu không thuộc trường hợp này thì có thể phía Ngân hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hành vi "Cưỡng đoạt tài sản" theo điều 135 Bộ luật Hình sự.

Do đó, việc nghiêng về bên nào thì còn phải tùy thuộc vào sự thỏa thuận giữa hai bên căn cứ theo bản hợp đồng thế chấp mà hai bên đã ký kết.

Vậy theo ông, ngân hàng có quyền xiết nợ không? Và trong chừng mực nào thì pháp luật cho phép, có dấu hiệu nào thì vi phạm pháp luật?

"Quyền xiết nợ" chỉ là cách nói dân gian, nhưng căn cứ vào "Nghị định 11/2012/NĐ-CP ngày 22/2/2012 sửa đổi, bổ sung Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm" và Thông tư liên tịch số 16/2014 ngày 06/6/2014, thì nếu có thỏa thuận như tôi đã nói ở trên thì phía Ngân hàng vẫn có quyền xử lý tài sản bảo đảm là căn hộ thế chấp của khách hàng, nhưng phải "Thông báo trước cho người giữ tài sản về việc áp dụng biện pháp thu giữ tài sản bảo đảm trong một thời hạn hợp lý. 

Văn bản thông báo phải ghi rõ lý do, thời gian thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm, quyền và nghĩa vụ của các bên", nhưng không được áp dụng các biện pháp vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm. 

Do đó, theo thông tin trên báo chí thì chúng ta chưa thể xác định phía Ngân hàng đã thông báo cho bên thế chấp "thời gian hợp lý" chưa, và thời gian đó bao lâu thì được xem là hợp lý? Đây là “lỗ hổng khó chịu” của Nghị định 11/2012/NĐ-CP ngày 22/2/2012 nói trên. 

Nên dù có thông báo hay chưa thông báo mà tiến hành "cưỡng chế" để thu hồi tài sản đều có thể sai, mà cái sai trong giao dịch dân sự đôi khi dẫn đến cái sai về hình sự, là hành vi vi phạm pháp luật hình sự.

Cựu thẩm phán Phạm Công Út

 

Ông có nhận thấy pháp luật Việt Nam cần quy định rõ và thu về một đầu mối chỉ có tòa án mới có quyền quyết định "thu giữ tài sản" không?

 

Trước đây ngân hàng thường không tự mình áp dụng biện pháp xử lý tài sản bảo đảm mà hầu như đều chờ phán quyết từ tòa án và thi hành thông qua cơ quan thi hành án dân sự hoặc văn phòng thừa phát lại. Nhưng hiện nay có thể do các ngân hàng trong nước đang đứng trước những món nợ xấu là rất lớn nên có thể từ đó họ nôn nóng thu hồi chứ không chọn cách đưa nhau ra tòa.

Do đó, theo tôi thì các biện pháp thu hồi nợ nhất thiết phải thông qua cơ quan tài phán là tòa án, sau khi có bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật thì sẽ nhờ đến cơ quan thi hành án dân sự hoặc văn phòng thừa phát lại thi hành, cưỡng chế, bán đấu giá tài sản...

Phải chăng, ý ông cần hoàn thiện cơ chế của tòa án, để các bên sẽ lựa chọn Tòa án làm cơ quan tài phán thay vì tự "thu nợ" gây ra những lùm xùm không đáng có?

Không hẳn là như thế. Vì hoạt động cho vay tín dụng của một số ngân hàng trong thời gian qua có thể vì lợi ích cá nhân hoặc vì động cơ nào đó đã tung tiền cho vay khá dễ dãi, tất toán nhanh, có khi giá trị thật của tài sản thế chấp thấp hơn khoản vay tín dụng nên khi kiện ra tòa, rồi qua cơ quan thi hành án, sau đó đưa đi bán đấu giá thì giá trị thu về là khá nhỏ so với số tiền đã cho vay. 

Do đó, một số ngân hàng đưa ra điều khoản thỏa thuận về biện pháp xử lý tài sản bảo đảm nhằm tự mình thu hồi tài sản bảo đảm về và bán lại với hình thức hổ trợ vốn thì họ vừa bán được giá cao hơn giá bán đấu giá, đồng thời cũng giải quyết được đầu ra của nguồn vốn tín dụng của họ.

Xin cảm ơn ông!

(Nguồn: Infonet)


Written : Ping

Search date :    

Go Top
Đăng ký tư vấn
Công ty luật FUJILAW