Theo hồ sơ, tài sản tranh chấp là căn nhà có nguồn gốc của vợ chồng ông B. mua từ người khác, đã được cấp giấy xác nhận đăng ký sang tên sở hữu nhà vào tháng 3-1994. Trên thực tế chị của ông B. đã bỏ tiền mua căn nhà này và nhờ vợ chồng ông B. đứng tên giùm.
Tháng 1-2000, vợ chồng ông B. lập hợp đồng tặng cho căn nhà cho bà H. Việc tặng cho nhà này không được sự đồng ý của chị ông B. Hiện căn nhà đã bị Nhà nước quy hoạch, giải tỏa và bồi thường hơn 400 triệu đồng. Vợ chồng ông B. bèn khởi kiện yêu cầu tòa hủy hợp đồng tặng nhà cho bà H. và xin được nhận lại hơn 400 triệu đồng tiền bồi thường để trả cho chị của ông.
Xử sơ thẩm hồi tháng 12-2015, TAND TP Cần Thơ đã bác yêu cầu của vợ chồng ông B. vì cho rằng hợp đồng tặng cho nhà đã có hiệu lực. Vợ chồng ông B. cùng người chị kháng cáo.
Tại phiên xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP.HCM nhận định cấp sơ thẩm bác yêu cầu của vợ chồng ông B. là không đúng. Bởi lẽ vợ chồng ông B. chỉ là người đứng tên giùm căn nhà này, khi tặng cho nhà cho bà H. thì không có ý kiến của chị ông B. Hơn nữa, việc tặng cho bất động sản chỉ có giá trị khi tài sản đó đã được đăng ký trước bạ, sang tên. Ở đây, hợp đồng tặng cho nhà chỉ mới được công chứng nên cấp sơ thẩm cho rằng hợp đồng đã có hiệu lực và công nhận là không đúng.
Theo tòa phúc thẩm, lẽ ra tòa sửa án sơ thẩm, hủy hợp đồng tặng cho nhưng nếu hủy hợp đồng thì phải buộc bà H. trả lại trị giá nhà. Trong khi đó, bà H. đã có quá trình ở tại đây và bỏ tiền ra sửa chữa nhà. Cấp sơ thẩm chưa làm rõ việc sửa chữa nhà hết bao nhiêu tiền nên tòa phúc thẩm không đủ thông tin để giải quyết. Vì vậy, cần thiết phải hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ về cho cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục chung.
(Nguồn: http://plo.vn/)