Video

Văn phòng Thừa phát lại

Thống kê
Vistited  
Online  

Vi bằng có giá trị chứng cứ, không phải để mua bán nhà đất

Monday, 03/06/2019, 09:45 GMT+7

Vi bằng có giá trị chứng cứ, không phải để mua bán nhà đất

Hiện nay trong dư luận có nhiều bài viết đề cập đến vi bằng của thừa phát lại như là một hình thức mua bán nhà đất. Những bài viết này nói chung tập trung phân tích các hệ lụy từ việc mua bán nhà đất giấy tay, mua bán nhà ba chung (chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chung giấy phép xây dựng và chung số nhà), những khuyến cáo của chính quyền… và quy kết lỗi là do mua bán nhà đất bằng vi bằng.

Vậy vi bằng là gì? Vi bằng khác gì với văn bản công chứng? Khi nào cần lập vi bằng? Vi bằng có vai trò như thế nào trong giao dịch bất động sản mà lại bị lợi dụng trở thành công cụ để lừa đảo như hiện nay mà một số tổ chức, cá nhân nhầm tưởng?

Khái niệm vi bằng

Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 61 được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 135 thì Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác". Điều 28 Nghị định số 61 quy định về giá trị pháp lý của vi bằng như sau: Vi bằng có giá trị chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án. Vi bằng là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.”

Vi bằng được Thừa phát lại lập chỉ với một mục đích duy nhất là tạo lập chứng cứ để tổ chức, cá nhân tùy nghi sử dụng trong xét xử hoặc các quan hệ pháp lý khác. Thừa phát lại phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của những gì mình đã ghi nhận trong vi bằng, do đó, vi bằng của Thừa phát lại đảm bảo tính khách quan của sự kiện, hành vi mà Thừa phát lại ghi nhận.

Trong hoạt động lập vi bằng để ghi nhận việc giao tiền, tài sản liên quan đến giao dịch nhà, đất cần lưu ý một số vấn đề như sau:

  • Một là, vi bằng là văn bản có giá trị chứng cứ, không phải là hợp đồng, giao dịch. Do đó, không thể mua bán nhà, đất bằng vi bằng mà phải mua bán qua công chứng. Khi thực hiện hợp đồng công chứng, các bên có thể yêu cầu thừa phát lại lập vi bằng để ghi nhận việc bàn giao tiền, tài sản, ghi nhận hiện trạng tài sản để làm chứng cứ.
  • Hai là, không nên mua bán nhà, đất chưa đủ điều kiện giao dịch theo quy định của pháp luật, mua bán bằng giấy tay. Trong trường hợp này, vi bằng của thừa phát lại chỉ có giá trị chứng cứ chứng minh các bên có thực hiện giao dịch, làm cơ sở để Tòa án giải quyết, xam xét công nhận hợp đồng, giao dịch hoặc giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu. Vi bằng không phải là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cho người mua.
  • Ba là, người mua cần yêu cầu Thừa phát lại giải thích rõ giá trị pháp lý của vi bằng, phải đảm bảo mình đã hiểu rõ trước khi giao tiền, tài sản để thực hiện hợp đồng, giao dịch. Vì khác với hợp đồng công chứng, chỉ có giá trị pháp lý khi đã được công chứng viên ký tên, đóng dấu phát hành, vi bằng ghi nhận lại sự kiện, hành vi diễn ra trước mặt Thừa phát lại. Do vậy, nếu như các bên đã giao tiền, tài sản, mà sau đó phát sinh tranh chấp, hoặc đổi ý, thì cho dù các bên chưa ký tên vào vi bằng, hoặc thừa phát lại chưa phát hành vi bằng, hoặc vi bằng chưa đăng ký tại Sở tư pháp hoặc thậm chí vi bằng bị từ chối đăng ký thì rõ ràng người mua cũng đã giao tiền, tài sản trên thực tế. Lúc đó, việc đòi lại tiền, tài sản đã giao sẽ rất phức tạp.
  • Bốn là, nên hiểu đúng về vi bằng của Thừa phát lại. Vi bằng của Thừa phát lại là chứng cứ trong tố tụng, không phải là hình thức mua bán nhà đất. Việc hiểu sai giá trị chứng cứ của vi bằng làm chệch hướng hoạt động quản lý về đất đai cũng như quản lý về thừa phát lại.

Tuy nhiên, cũng có tình trạng Thừa phát lại chưa giải thích rõ giá trị pháp lý của vi bằng, làm một số đối tượng lợi dụng, lừa gạt người dân nhầm tưởng giá trị của vi bằng. Vì vậy, việc giải thích giá trị của vi bằng là yêu cầu bắt buộc đối với thừa phát lại trước khi lập vi bằng.

Mỗi cơ quan đều có chức năng, nhiệm vụ riêng. Việc lập vi bằng của Thừa phát lại là để tạo lập chứng cứ mang lại lợi ích cho người dân, phòng ngừa tranh chấp, giảm tải hoạt động của Tòa án khi giải quyết vụ án. Cần tuyên truyền sâu rộng cho cán bộ công chức, người dân về vi bằng của thừa phát lại, để hiểu đúng về giá trị của vi bằng, và biết sử dụng vi bằng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

-----------

Bài viết đã trích đăng trên báo Pháp Luật: https://plo.vn/phap-luat/canh-bao-mua-nha-dat-qua-vi-bang-la-mat-trang-836786.html


vi bằng có giá trị chứng cứ, không phải để mua bán nhà đất
Written : Phap Nguyen

Search date :    

Go Top
Đăng ký tư vấn
Công ty luật FUJILAW