Ủy quyền nhà: Dễ rủi ro nếu không công chứng
Bên ủy quyền và bên được ủy quyền được đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền.
Vì nhiều lý do, chủ sở hữu nhà có thể ủy quyền cho người khác quản lý, sử dụng nhà hay thay mặt mình cho thuê, bán, tặng cho… nhà. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng phòng Công chứng số 4 TP.HCM, cho biết: “Việc ủy quyền quản lý nhà ở được Luật Nhà ở quy định khá chi tiết từ Điều 155 đến Điều 158. Theo đó, ủy quyền quản lý nhà ở là việc chủ sở hữu nhà ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà trong việc quản lý, sử dụng nhà trong thời hạn được ủy quyền”.
Thời hạn theo thỏa thuận
Phải lưu ý những điều gì khi làm hợp đồng ủy quyền nhà ở, thưa ông?
Ông Nguyễn Mạnh Cường: Đó phải là nhà ở có sẵn. Ngoài ra, nội dung ủy quyền nhà do các bên thỏa thuận và được ghi trong hợp đồng ủy quyền. Như vậy, tùy trường hợp mà các bên có thể thỏa thuận nội dung ủy quyền như quản lý, sử dụng, thế chấp, cho thuê, bán, tặng cho…
Các bên cũng có thể thỏa thuận thời hạn ủy quyền cụ thể. Nếu không có thỏa thuận về thời hạn này thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực một năm kể từ ngày ký hợp đồng. Bên ủy quyền quản lý nhà ở cũng phải trả chi phí quản lý, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Hợp đồng ủy quyền nhà ở có bắt buộc phải công chứng hay không, thưa ông?
Không. Bộ luật Dân sự và Luật Nhà ở đều không yêu cầu hợp đồng ủy quyền về nhà ở phải được công chứng. Tuy nhiên, đa số trường hợp ủy quyền đều đi công chứng hợp đồng ủy quyền. Do nhà ở có trị giá cao nên các bên có nhu cầu được các công chứng viên chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng.
Điều kiện chấm dứt hợp đồng
Trong trường hợp nào thì hợp đồng ủy quyền nhà ở chấm dứt?
Có bảy trường hợp chấm dứt hợp đồng ủy quyền nhà ở. Đó là: Hợp đồng ủy quyền hết hạn; nội dung ủy quyền đã được thực hiện; nhà ở được ủy quyền quản lý không còn; bên ủy quyền hoặc bên được ủy quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền quản lý nhà ở theo quy định. Bên cạnh đó là các trường hợp như bên ủy quyền hoặc bên được ủy quyền quản lý nhà ở chết; bên được ủy quyền quản lý nhà ở mất tích hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự theo quyết định của tòa án; theo thỏa thuận của các bên.
Thêm một lưu ý nữa là bên ủy quyền và được ủy quyền đều có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền. Điều kiện kèm theo là họ phải thông báo cho bên kia biết trước trong thời gian quy định và cả hai bên còn phải thông báo cho bên thứ ba có liên quan biết việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng.
. Xin cám ơn ông.
Vợ chồng cùng ủy quyền nhà sở hữu chung
Với nhà ở thuộc sở hữu chung của vợ chồng hay của nhiều người (thuộc sở hữu chung hợp nhất) thì việc ủy quyền quản lý nhà ở phải được các chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu chung đồng ý. Trường hợp chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu chung theo phần thì có quyền ủy quyền cho người khác quản lý phần quyền sở hữu của mình nhưng không được làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các chủ sở hữu chung khác.
Chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu chung có trách nhiệm thông báo cho chủ sở hữu khác biết việc ủy quyền quản lý nhà ở, trừ trường hợp người được ủy quyền quản lý nhà ở đồng thời là chủ sở hữu chung của nhà ở đó.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng phòng Công chứng số 4 TP.HCM
_________________________________
30 ngày là thời gian bên ủy quyền (bên được ủy quyền) phải thông báo cho bên được ủy quyền (bên ủy quyền) về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền nhà ở nếu việc ủy quyền không có chi phí quản lý (trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác).
(Theo khoản 2, 3 Điều 158 Luật Nhà ở)
Nguồn: http://www.baomoi.com/)