Thừa phát lại
Trong đánh giá tổng kết việc triển khai thí điểm chế định thừa phát lại (sẽ được thảo luận tại Quốc hội trong chiều nay, 9.11), Chính phủ và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đều cho rằng, đây là một hướng đi trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động hỗ trợ tư pháp.
Sau hơn 6 năm với 2 lần gia hạn thí điểm, thừa phát lại được thí điểm tại 13 tỉnh, thành phố, với 53 văn phòng được thành lập. Thừa phát lại đã tống đạt được 834.734 văn bản, lập 39.027 vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án 781 việc, trực tiếp tổ chức thi hành án 322 vụ việc, đạt tổng doanh thu là gần 108 tỉ đồng.
Tuy nhiên, không may mắn như người anh em song sinh khác của hoạt động xã hội hóa dịch vụ tư pháp là các văn phòng công chứng, thừa phát lại còn xa lạ với người dân ngay từ tên gọi, khiến nó không thành công như vốn phải thế. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng từng phát biểu thẳng thắn: “Vấn đề là vì các anh sử dụng từ thừa phát lại, khiến ngay cả tôi cũng không hiểu là gì. Đáng lẽ, ngay từ ban đầu phải dùng từ Việt hóa để người dân dễ hiểu”.
Và có lẽ, việc đầu tiên Quốc hội cần làm khi xem xét thông qua Nghị quyết về thực hiện chế định thừa phát lại vào chiều nay, là phải yêu cầu Việt hóa từ này, giúp nó trở nên gần gũi hơn trong hiểu biết của người dân về đặc tính dân chủ trong hoạt động tư pháp.
"Thừa phát lại" là một thuật ngữ có gốc Hán - Việt, chỉ một người không phải nhân viên nhà nước nhưng lại mang trong mình quyền lực nhà nước vì được Bộ trưởng Tư pháp bổ nhiệm, để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và một số công việc khác. Để Việt hóa, nhiều người đề nghị gọi là thừa hành viên.
Các văn phòng tư, làm nhiệm vụ như thi hành án, nhưng thừa phát lại có chức năng rộng hơn, trong đó có chức năng lập vi bằng (một tài liệu bằng văn bản có hình ảnh, video, âm thanh kèm theo và được đăng ký tại sở tư pháp), giúp người dân sử dụng làm chứng cứ bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Với chức năng này, thừa phát lại đã xác lập được một kênh mới hoàn toàn trong việc tạo lập chứng cứ, nó vừa giúp cho người dân có nguồn chứng cứ cho tòa án, cho cơ quan nhà nước khi xem xét các vụ việc dân sự có tranh chấp. Điều này cũng làm tăng sự chủ động, giúp cho người dân chủ động bảo vệ quyền lợi của mình.
Thừa phát lại là chế định thể hiện rất thành công quan điểm: Nhà nước không nên làm những việc mà tư nhân có thể làm. Nó có ý nghĩa giảm tải gánh nặng các công việc và tài chính cho cơ quan nhà nước mà vẫn đạt hiệu quả mong muốn.
Với những hiệu quả rõ rệt như vậy, thì việc Quốc hội chính thức hóa chế định thừa phát lại là điều không cần bàn cãi, nhưng để nó thực sự phát huy hiệu quả trong thực tế, giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ tư pháp cũng cần có những sửa đổi luật pháp cần thiết. Chẳng hạn, người dân phải bỏ ra một số tiền lớn để yêu cầu thừa phát lại lập vi bằng đề phòng tranh chấp, nhưng luật lại quy định, vi bằng có thể là chứng cứ hay không thì phải do tòa xem xét; Như vậy chẳng phí sức, phí tiền của đương sự yêu cầu hay sao.
Nguồn: thanhnien.com.vn