Thừa phát lại: Rất ít việc tổ chức thi hành án
Do tồn tại nhiều vướng mắc nên số việc xác minh điều kiện thi hành án (THA) và trực tiếp tổ chức THA mà các văn phòng Thừa phát lại (TPL) hiện nay nhận được còn rất ít, thậm chí có nơi còn chưa thực hiện được vụ việc nào, thực tế này chưa thực sự tương xứng với tiềm năng mà đội ngũ này có thể đem lại.
Khi muốn truy tìm, điều tra, xác minh tài sản của người phải THA, thậm chí, trong trường hợp tổ chức THA, người dân có thể lựa chọn TPL với mức chi phí dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa hai bên. Có thể nói, việc tổ chức THA của Văn phòng TPL đã tạo một bước tiến mới trong hoạt động pháp lý khi giúp người dân có thêm chọn lựa, điều này rất phù hợp với sự phát triển của xã hội, góp phần tăng tính dân chủ, chủ động trong nhân dân.
Tuy nhiên, do các văn bản pháp luật về TPL chưa đồng bộ, hiệu lực pháp luật chưa ngang bằng với các luật chuyên ngành nên đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác xác minh điều kiện THA của TPL. Mặc dù Nghị định số 61/2009/NĐ-CP có quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin của các tổ chức, cá nhân có liên quan nhưng trong nhiều trường hợp, TPL vẫn bị từ chối cung cấp thông tin. Đó là do các cơ quan, tổ chức có cách hiểu quá máy móc về luật chuyên ngành mà không quan tâm đến chức năng, nhiệm vụ của TPL cũng đã được quy định cụ thể trong Nghị định 61.
Ngoài các ngân hàng thường viện dẫn các văn bản dưới luật để bảo vệ thông tin khách hàng và từ chối hợp tác với TPL thì ở một số UBND, Công an cấp xã, phường, TPL cũng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác phối hợp để tiến hành xác minh điều kiện THA và trực tiếp tổ chức THA.
TPL Chu Xuân Bình (Văn phòng TPL Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, TPL chưa nhận được sự phối hợp tích cực, kịp thời từ nhiều cơ quan, ví dụ như cơ quan quản lý đất đai trả lời xác minh rất chậm, gây khó khăn cho việc xác minh trả lời kết quả cho đương sự, ảnh hưởng tới tiến độ THA. Ngoài ra, nhiều cán bộ cấp xã, phường từ chối, không cung cấp yêu cầu xác minh của TPL, do đó phải gửi lại tài liệu, hẹn thời gian đến làm việc sau, nhiều vụ cán bộ phải đi lại nhiều lần mà chưa chắc đã có kết quả.
Hiện nay, số việc tổ chức THA của các văn phòng TPL còn rất ít, nhiều nơi còn chưa thực hiện được vụ việc nào. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng này là do Luật về TPL chưa được xây dựng, ban hành nên người dân không biết TPL được thi hành bản án dân sự và công việc này của TPL cũng chưa được ghi nhận trong Luật THADS. Cùng với đó, TAND cũng chưa có hướng dẫn để thẩm phán sau khi xét xử có thể thông báo cho đương sự nội dung ngoài cơ quan THA được ghi trong quyết định của bản án, người dân có thể lựa chọn dịch vụ TPL để thi hành bản án đối với những địa phương có Văn phòng TPL.
Trưởng Văn phòng TPL Ba Đình (Hà Nội) Nguyễn Văn Lạng cho rằng do người dân còn xa lạ đối với thẩm quyền tổ chức THA của TPL cùng với tâm lý tin tưởng cơ quan nhà nước hơn nên họ có xu hướng lựa chọn cơ quan THADS. Do đó, lượng việc THA mà các văn phòng nhận được còn rất ít, hầu hết lại là các việc khó khăn, phức tạp, việc mà người dân thấy chấp hành viên làm thiếu nhiệt tình, tốn thời gian thì mới mời TPL.
Một khó khăn khác xuất phát từ nguyên nhân chủ quan đó là do kinh nghiệm, kỹ năng của đội ngũ TPL còn hạn chế. Họ chủ yếu là công chứng viên, luật sư, điều tra viên sau đó được bồi dưỡng một lớp ngắn hạn để làm TPL do đó còn e ngại, thiếu tự tin làm các công việc chuyên môn của chấp hành viên – những người được đào tạo bài bản, kỹ càng.
Vì vậy, để nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động, đặc biệt trong việc xác minh điều kiện và tổ chức THA, các văn phòng TPL đều mong muốn Quốc hội sớm ban hành Luật về TPL, trước mắt là sửa đổi Nghị định số 61/2009/NĐ-CP, số 135/2013/NĐ-CP cho phù hợp, để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho Chế định TPL khi đã được chính thức đi vào hoạt động từ 1/1/2016.
Cùng với đó, cần tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo, tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên tới các tầng lớp về TPL như tổ chức các buổi phổ biến giáo dục pháp luật chuyên sâu về TPL cho cán bộ làm công tác pháp luật, cán bộ thuộc cơ quan công quyền, quản lý nhà nước, lực lượng công an, cán bộ tư pháp, Tòa án, Viện kiểm sát, THADS… Song, cần thiết nhất vẫn là sự vào cuộc một cách đồng bộ của hệ thống chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên môn để đưa các hoạt động của TPL tiếp cận với người dân một cách dễ dàng và giúp TPL thực hiện thuận lợi các chức năng của mình.
(Nguồn: http://www.baomoi.com/)