Thừa phát lại Bắc Cực đi tống đạt
Xã hội hóa công tác thi hành án (THA) và một phần việc của tòa án để người dân được sử dụng dịch vụ nhanh hơn, hiện đại hơn là mục tiêu không thể thiếu trong quá trình cải cách tư pháp. Để đạt mục tiêu này, cần có luật về thừa phát lại (TPL), giao thêm việc để TPL chủ động khẳng định vị thế là vấn đề được đặt ra.
Chủ động giao việc khó
Một câu hỏi lớn đặt ra từ việc xã hội hóa công tác THA và một phần việc của tòa án là, làm thế nào để kết quả thí điểm về TPL báo cáo vào năm 2015 sẽ đủ sức thuyết phục Quốc hội cho tiếp tục triển khai, nhân rộng? Đại diện địa phương tiên phong thí điểm đầu tiên trước khi Quốc hội quyết định từ mô hình này, nhân rộng ra cả nước, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Tất Thành Cang chỉ ra thực tế: "Dù TPL làm được nhiều việc, nhưng chính quyền địa phương một số nơi coi TPL là doanh nghiệp, nên việc TPL đi xác minh hoặc tổ chức cưỡng chế THA rất khó khăn". Từ đó, ông Cang đề nghị: "Mạnh dạn cho thí điểm TPL cưỡng chế thi hành án một số vụ khó".
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Toàn Thắng (Trưởng Văn phòng TPL Hoàn Kiếm, Hà Nội) nêu thực tế, ở Hà Nội đang tồn tại loại hình dịch vụ vay vốn giữa các cá nhân với nhau, thế chấp bằng nhà cửa hoặc giấy tờ nhà, đất. Vì vậy, nên chăng quy định cho phép TPL lập vi bằng xác nhận sự kiện cho vay, sự kiện lấy nhà làm bảo đảm cho việc trả nợ để TPL có thêm việc làm. Khi tòa án giải quyết cũng có đủ căn cứ qua việc lập vi bằng để phân xử đúng với quy định của pháp luật và bản chất của vụ việc.
Qua tiếp xúc, khảo sát với một số người dân trên địa bàn hai quận Hoàn Kiếm, Hà Đông - nơi các văn phòng TPL đặt trụ sở, bà Dương Thanh Mai, chuyên gia cao cấp của Bộ Tư pháp khẳng định, 89% số người dân được hỏi cho biết họ sẵn sàng sử dụng dịch vụ lập vi bằng của TPL vì hiện nay chưa có cơ quan nào giúp họ làm việc này. Theo bà Dương Thanh Mai, đối với các hoạt động khác của TPL như xác minh điều kiện THA, tổ chức THA, đa số người dân thể hiện sự băn khoăn, e ngại, chưa thực sự tin tưởng tổ chức này có đủ khả năng làm được những công việc mà hiện nay các cơ quan nhà nước đang thực hiện. Tuy nhiên, khoảng 30% số người dân được hỏi cho biết họ sẵn sàng sử dụng các dịch vụ này nếu thấy cần thiết. Một kết quả đáng quan tâm khác là có khoảng 80% trong số cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước đã từng hợp tác với TPL đánh giá thái độ của TPL trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình là tốt. Đây là những dấu hiệu rất tích cực cho thấy khả năng thành công của việc thực hiện thí điểm chế định này trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành khác. Vì vậy, theo bà Dương Thanh Mai, ngoài nghiên cứu các cơ chế khẳng định địa vị pháp lý của TPL, phải đẩy mạnh tuyên truyền tới các cơ quan phối hợp thực hiện chế định mới mẻ này.
Không dễ khẳng định vị thế nếu thiếu luật
Thế nhưng, có điều đáng lưu ý là, một trong những khó khăn lớn đối với TPL khiến TPL tỏ ra "yếu thế" xuất phát ngay từ hệ thống pháp luật hiện hành. Trước hết, hoạt động của TPL mang tính chất tố tụng nhưng chỉ được ghi nhận ở cấp nghị định của Chính phủ và các thông tư liên ngành. Khi có xung đột, mâu thuẫn giữa nội dung nghị định với các luật về tố tụng, thi hành án dân sự, bảo hiểm, ngân hàng… các cơ quan liên quan, đặc biệt là ngân hàng thường vin vào luật làm hạn chế hiệu lực hoạt động của TPL. Cùng với đó, một nghề mới hình thành mà lại phải mang danh "thí điểm" đã vô tình tạo ra tâm lý không coi trọng TPL trong xã hội. Thế nên mấu chốt là cần có luật về TPL.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nêu quan điểm đồng tình. Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiên cứu, đánh giá tác động của chế định này cũng như các nội dung khác để phục vụ cho việc tổng kết, trong đó có việc chuẩn bị các điều kiện để xây dựng luật về TPL ngay khi Quốc hội cho phép. Dự án luật về TPL dự kiến sẽ được trình Quốc hội vào năm 2016. Về các khó khăn của TPL, ông Hà Hùng Cường đề nghị, trước mắt những bộ phận liên quan có thể làm đơn gửi đích danh ông để đẩy nhanh tiến độ giải quyết.
Dù vậy, điều này cũng có nghĩa, hiện tại TPL thiếu chế tài tác nghiệp, trong tương lai gần không hết khó nếu thiếu đi sự hỗ trợ tích cực từ phía Bộ Tư pháp, đặc biệt là người đứng đầu. Có lẽ, trong quá trình chờ đợi Quốc hội thống nhất xây dựng, thông qua luật về TPL, ít nhất chức năng, nhiệm vụ, hoạt động của TPL cần phải được cụ thể hóa bằng một pháp lệnh. Chỉ bằng cách này, TPL mới đứng vững trên đôi chân của mình. Song, nhìn từ phía các cơ quan phối hợp có thể thấy, kể cả khi có cả luật thì cũng chẳng có ý nghĩa gì nếu cơ quan chịu trách nhiệm thi hành không có tinh thần thượng tôn pháp luật và thiếu cơ chế giám sát. Về mặt tư tưởng, cũng cần hiểu giá trị của việc giao TPL thực hiện việc tống đạt các văn bản tố tụng không chỉ đơn thuần ở việc giảm tải cho ngành tòa án, THA mà cao hơn nó còn có tác động tôn vinh vị trí, vai trò của tòa án, THA. Bởi rõ ràng, việc văn bản của tòa án nếu được phát đi bằng nhân viên bưu điện hoặc chính cán bộ của tòa án thì vừa không trang trọng, không chặt chẽ về trình tự tố tụng vừa làm tăng biên chế. Trong khi đó nếu giao cho TPL là đội ngũ những người chuyên nghiệp có trình độ pháp luật, được tập huấn, đào tạo chuyên về lĩnh vực tống đạt, được bổ nhiệm trực tiếp đi tống đạt thì không những suy tôn vai trò của tòa án, mà còn giúp "tách" cán bộ tòa án khỏi các bên đương sự, bảo đảm được sự khách quan khi xét xử.
TPL mới được triển khai đi vào hoạt động, đương nhiên độ thông thuộc địa bàn, kỹ năng tống đạt của cán bộ chưa thể so với chấp hành viên THA. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn yêu cầu, đội ngũ cán bộ THA phải xác định mình là thầy để dạy cho trò - lực lượng TPL và san sẻ công việc cho trò. "Thầy không mặn mà dạy, ngại giao việc thì trò cũng khó giỏi"- Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nhận định. Song song đó, UBND TP Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo tòa án, THA dân sự, UBND các quận, huyện, phường, xã phối hợp để văn phòng TPL thực hiện công việc đúng pháp luật, hiệu quả, kịp thời. Về phía Sở Tư pháp - cơ quan chịu trách nhiệm tuyên truyền, giúp UBND TP Hà Nội quản lý hoạt động TPL, Giám đốc Sở Tư pháp Phan Hồng Sơn cũng khẳng định: "Nếu khó khăn, các văn phòng TPL nên điện thoại cho Sở Tư pháp để trực tiếp xử lý".
Trong khi đó, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đăng Vĩnh cho biết, vì điều kiện địa lý cách trở nên khi lập vi bằng, TPL được quyền chủ động gửi qua email để Sở Tư pháp thẩm định về nội dung trước, sau đó đăng ký cho kịp thời. Tỉnh cũng đã tạo điều kiện cho TPL ngồi tại trung tâm hành chính công để tiếp nhận và hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ của TPL. Đây cũng là một hình thức nâng cao vị trí của TPL, giúp TPL đến gần dân hơn.
Bao giờ sẽ chính danh?
"Thực hiện thí điểm" là băn khoăn lớn nhất không chỉ của các nhà đầu tư, văn phòng TPL, các TPL mà còn của cả các nhà quản lý. Theo quy định, năm 2015 sẽ kết thúc thí điểm mở rộng. Khi đó, các TPL, thư ký nghiệp vụ, nhân viên và văn phòng TPL sẽ đi về đâu, số phận những vi bằng đã được lập, những án dân sự đang thi hành dở dang sẽ như thế nào? Với những nhà đầu tư đã bỏ ra vài chục tỷ đồng để mua trụ sở, sắm phương tiện, đầu tư trang thiết bị thì sẽ ra sao? Mặc dù tinh thần của đề án này là thí điểm để rút kinh nghiệm trước khi triển khai đại trà nhưng vẫn không thể "là thật", chỉ có nỗi lo là có thật. Giám đốc Sở Tư pháp Quảng Ninh Dương Thái Sơn kiến nghị: "Trong điều kiện THA dân sự hiện đang rất bức xúc thì chủ trương xã hội hóa công tác tư pháp qua mô hình TPL là hết sức đúng đắn. Chế định này đã được chứng minh hiệu quả trên đất Quảng Ninh và được người dân hưởng ứng. Các nhà đầu tư, lực lượng cán bộ tư pháp đã nghỉ hưu, sinh viên mới ra trường đã coi TPL là một nghề, bắt đầu say nghề. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là chế định này chính thức được đưa vào cuộc sống, sớm bỏ thí điểm để "làm thật".
Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Xuân Bình đánh giá: TPL có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống xã hội và hoạt động của các cơ quan tư pháp. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tư pháp tiếp tục xem xét hoàn thiện thể chế về TPL; tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về TPL để xã hội, cơ quan, tổ chức, người dân thực sự nhận thức đúng và đầy đủ về vai trò, ý nghĩa, tác dụng của TPL; tạo sự thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự phối hợp của các cơ quan hữu quan.
(Nguồn: Báo Hà Nội mới)