Bài 1: Giảm tải cho cơ quan chức năng
Việc thí điểm thừa phát lại (TPL) đang trong giai đoạn nước rút. Thực hiện chủ trương này, một phần việc của lực lượng tòa án, thi hành án được TPL chia lửa. Cánh cửa cho người dân hưởng dịch vụ xã hội hóa trong lĩnh vực tư pháp được mở rộng hơn.
"Lịch sử" thăng - trầm
TPL chính thức được ghi nhận ở nước ta vào năm 1910 qua Bộ Dân sự tố tụng Việt Nam ở Nam kỳ, sau đó là Bộ Dân sự tố tụng Bắc 1917 (Bắc kỳ) và Bộ Dân luật Trung năm 1936 (Trung kỳ). Bởi vậy, TPL cũng được gọi bằng các tên khác nhau như chưởng tòa, mõ tòa hay TPL. Mặc dù vậy, họ đều có nhiệm vụ chung là: Thông báo khai mạc, bế mạc phiên tòa, gọi đương sự, nhân chứng, thi hành lệnh giữ trật tự phiên tòa (tại các phiên tòa) và tống đạt giấy tờ theo yêu cầu của tòa án, thi hành án văn có hiệu lực pháp luật, triệu tập đương sự, lập các văn bằng theo quy định của pháp luật (ngoài phiên tòa).
|
Hoạt động tại Văn phòng Thừa phát lại Cẩm Phả. |
Sau ngày Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh ngày 10-10-1945 cho phép những quy định pháp luật không trái với nguyên tắc độc lập của Nhà nước dân chủ cộng hòa Việt Nam thì tạm thời giữ nguyên các luật lệ hiện hành ở Bắc, Trung, Nam cho đến khi có những bộ luật chung thống nhất toàn quốc. Và đến ngày 2-2-1950, tại Nghị định 111/BTP, Bộ trưởng Tư pháp nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa xác định: TPL là những công lại được pháp luật giao cho việc làm các truyền phiếu, các việc về tư pháp, thi hành các bản án, công văn trong tòa án. Chế định này tiếp tục được phổ biến trong đời sống miền Trung và miền Nam nước ta cho đến trước năm 1975 với "quyền lực" rất cao, khi nhiều tỉnh trưởng chính là TPL tại địa phương đó.
Khái niệm TPL chính thức trở lại đời sống người Việt khi được đề cập đến trong Nghị quyết 49/NQTƯ ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Và sau đó được nêu tại dự thảo Luật Thi hành án dân sự (THADS) năm 2008, khi bối cảnh nước ta còn tồn đọng hàng trăm nghìn vụ án dân sự mỗi năm chưa được thi hành. Ngày 14-11-2008, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2008/QH12 về thi hành Luật THADS, trong đó "giao Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện thí điểm chế định TPL (thừa hành viên) tại một số địa phương".
Sau đó, Chính phủ quyết định thực hiện đề án "Thực hiện thí điểm chế định TPL tại TP Hồ Chí Minh". Đồng thời, ban hành Nghị định số 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của TPL thực hiện thí điểm tại TP Hồ Chí Minh. Sau thành công bước đầu tại TP Hồ Chí Minh, Quốc hội thông qua Nghị quyết 36/2012/QH13 về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định TPL. Từ đó, Chính phủ quyết định mở rộng thí điểm mô hình TPL tại 12 địa phương mới gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long. Và sửa đổi Nghị định 61 thành Nghị định 135/2013/NĐ-CP, ngày 18-10-2013 để các văn phòng TPL làm căn cứ thành lập và hoạt động. Theo đó, TPL là người có các tiêu chuẩn, được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để làm các công việc theo quy định của pháp luật: Tống đạt theo yêu cầu của TAND hoặc THADS; lập vi bằng (bằng chứng về sự kiện, hành vi); xác minh điều kiện THA; trực tiếp tổ chức THADS (trừ các bản án, quyết định thuộc diện thủ trưởng cơ quan THADS chủ động ra quyết định thi hành án).
Ích nước, lợi dân
Theo Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp), đến nay, tại 13 địa phương thực hiện thí điểm TPL đã thành lập được 51 văn phòng TPL. Tại địa phương thí điểm đầu tiên là TP Hồ Chí Minh, các văn phòng TPL đã lập được 22.940 vi bằng, tống đạt 351.897 văn bản, xác minh điều kiện THADS 361 vụ và tổ chức THADS 75 vụ. Đối với 12 địa phương áp dụng thí điểm mở rộng đã lập được 1.729 vi bằng, tống đạt 25.787 văn bản, xác minh điều kiện THADS 234 vụ và tổ chức THADS 48 vụ. Trong đó, Hà Nội thành lập được 8 văn phòng TPL, có 12 TPL, lập 720 vi bằng, tống đạt gần 4 nghìn văn bản, xác minh điều kiện THADS 39 vụ và tổ chức THADS 7 vụ; Hải Phòng đã thành lập được 3 văn phòng TPL, được bổ nhiệm 5 TPL, lập được 35 vi bằng, tống đạt 466 văn bản, xác minh điều kiện THADS 5 vụ và tổ chức THADS 1 vụ; Quảng Ninh thành lập 4 văn phòng TPL, được bổ nhiệm 6 TPL, lập 153 vi bằng, tống đạt 1.659 văn bản, xác minh điều kiện THADS 11 vụ và tổ chức THADS 3 vụ...
Đây là những con số đáng mừng đối với một chế định thí điểm. TPL đã góp phần giảm tải công việc của TAND và THADS, hỗ trợ cho cơ quan quản lý nhà nước, bước đầu khẳng định chỗ đứng trong xã hội và giải quyết không ít bức xúc, khiếu kiện trong dân... Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Phạm Hùng Tiến cho biết: "Là "cầu nối" vô tư, khách quan giữa chính quyền và dân cùng với chức trách "làm chứng" của mình, TPL đã giúp chúng tôi thực hiện thành công một số vụ việc liên quan đến công tác cưỡng chế, thu hồi, giải phóng mặt bằng. Mong rằng với những dự án thuộc ngân sách, Nhà nước sẽ bố trí một khoản kinh phí chi cho việc tống đạt, lập vi bằng để tạo điều kiện triển khai dự án tốt hơn". Ông Nguyễn Thành Phố, Bí thư Thành ủy Uông Bí (Quảng Ninh) đánh giá: "TPL vừa giúp cho công tác quản lý, điều hành của chúng tôi, vừa đưa đến lợi ích cho người dân và DN. Bởi vậy, chúng tôi đã bố trí cho TPL vào làm việc trong trung tâm hành chính công của thành phố, để giúp người dân giải quyết những vấn đề mà công chứng, chứng thực không làm. Chúng tôi hy vọng sẽ đưa Văn phòng TPL Uông Bí trở thành mô hình điểm của cả nước".
Với doanh thu đạt 63,326 tỷ đồng, chế định này đã tạo việc làm, thu nhập cho một bộ phận người dân. Qua hơn 4 năm triển khai thí điểm, hầu hết các văn phòng TPL ở TP Hồ Chí Minh hiện đã "sống khỏe", các văn phòng mở rộng thí điểm được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp cũng đã bước đầu lấy thu bù chi. Bản thân người dân được tiếp cận với một dịch vụ hỗ trợ tư pháp mới. Những bức xúc dân sinh như: Xây dựng gây nứt nhà hàng xóm, xúc phạm nhân phẩm, thỏa thuận phân chia tài sản sau ly hôn, thừa kế, giao nhận tiền, tài sản, thậm chí với cả nhà, đất chưa có sổ đỏ, xác nhận nợ, đưa tin sai sự thật, vi phạm bản quyền, sách nhiễu người dân... đều có thể nhờ đến TPL lập vi bằng làm căn cứ pháp lý để giải quyết.
Chị D.T.T ở phố Nguyễn Lương Bằng (Đống Đa) cho biết: "Hôm trước, tôi mua một ngôi nhà, khi tiếp xúc tôi hơi nghi ngờ thái độ của chủ nhà, nên khi giao nhận tiền, tôi quyết định chưa công chứng vội mà mời TPL lập vi bằng. Sau đó, chủ nhà "lật kèo" vì tưởng vi bằng là công chứng, kiện tôi là dùng xã hội đen để ép họ bán nhà, khi tôi đưa vi bằng đã lập với những bằng chứng xác thực về giao dịch mua bán thì họ chịu cứng". Bà V.T.Y ở phố Vũ Hữu Lợi (Hai Bà Trưng) có con trai đang thụ án, trước đó anh ta có sống như vợ chồng với một phụ nữ, chị này sinh con có chứng sinh nhưng không khai sinh. Cháu bé giờ 6 tuổi nhưng không có giấy khai sinh, không thể đi học, tương lai mờ mịt. TPL Văn phòng Hai Bà Trưng phải lặn lội vào trại giam gặp con trai bà Y, lập vi bằng để làm căn cứ xin giấy khai sinh mà giờ cháu bé đã được đi học. Bà P.T.H.Y (Tây Hồ) thì cứ rối rít cảm ơn TPL đã giúp bà lập vi bằng để phân chia công bằng, minh bạch khối tài sản khá lớn của chồng để lại cho 4 người con (trong đó có 2 người con bị dị tật)...
Đánh giá kết quả, Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS Hoàng Sỹ Thành khẳng định, chủ trương của Đảng và Nhà nước đã từng bước đi vào cuộc sống, được người dân đón nhận. Song thực tế cũng cho thấy, một số bất cập đã phát sinh trong lĩnh vực TPL, do cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.
(Nguồn: Báo Hà Nội Mới)