Thừa phát lại: Gỡ vướng để phát triển
(TPLTĐ) Những con số đáng chú ý
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm TPL, tính đến hết ngày 31-7-2014, các văn phòng TPL trên cả nước đã lập 21.187 vi bằng, tống đạt 324.155 văn bản, xác minh điều kiện thi hành án 467 việc, trực tiếp tổ chức thi hành án 96 việc.
Riêng ở TP.HCM, theo Sở Tư pháp TP.HCM, tính đến nay các văn phòng TPL tại TP đã tống đạt 319.391 văn bản, lập 20.448 vi bằng, thực hiện 348 vụ xác minh điều kiện THA, tổ chức THA 75 vụ việc. Mỗi năm TPL tiếp nhận khoảng 80.000 vụ việc THA, giảm bớt cho Cục Thi hành án dân sự khoảng 10% số việc.
Sau bốn năm triển khai thí điểm, dù đã thu được thành công bước đầu nhưng hoạt động của các văn phòng thừa phát lại cũng đã phát sinh nhiều khó khăn, rất cần sự chung tay tháo gỡ của các cơ quan, ban ngành liên quan.
Khó khăn đầu tiên mà nhiều văn phòng thừa phát lại (TPL) đối mặt là tống đạt lỗ. Trong rất nhiều trường hợp, chi phí cho việc tống đạt văn bản theo quy định hiện hành không đủ bù chi phí đi lại.
Không đủ tiền tàu xe
Theo quy định mới, mức phí tống đạt tăng từ 65.000 đồng đến 130.000 đồng/văn bản nhưng hơn nửa năm qua, một số tòa và cơ quan thi hành án dân sự vẫn áp dụng mức phí cũ (từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng/văn bản). Có khi TPL còn bị thương lượng ký hợp đồng “ép” phí tống đạt xuống chỉ còn 30.000 đồng/văn bản. Đã vậy, vẫn còn có tình trạng nợ TPL phí tống đạt (theo thống kê, ở TP.HCM hiện có 16 tòa, 15 cơ quan thi hành án nợ phí tống đạt).
Tại hội nghị về TPL do Bộ Tư pháp tổ chức hồi tháng 10 vừa qua, ông Nguyễn Ngọc Tàu (Trưởng Văn phòng TPL Vĩnh Long) kể có khi phải đi tống đạt văn bản cho đương sự với khoảng cách vài chục cây số, quay ra gặp lúc nước ròng, không có tàu ghe chạy, nhân viên tống đạt bị kẹt hôm sau mới về được. Có khi đương sự ở sâu trong ruộng, qua mấy cây cầu khỉ, để xe ngoài lội vào mà lo ngay ngáy sợ mất. Phí tống đạt cho một văn bản 50.000 đồng trong khi tiền xăng, tiền vé tàu ghe có khi còn nhiều hơn.
Đó cũng là tình cảnh chung của các văn phòng TPL trên cả nước. Ông Trần Ngọc Toàn (Trưởng Văn phòng TPL Cẩm Phả, Quảng Ninh) cũng than: “Chúng tôi ra tận huyện đảo Cô Tô hay đến huyện miền núi Bình Liêu để tống đạt văn bản, có chuyến đi tổng chi phí khoảng 1,3 triệu đồng nhưng chỉ được thu phí 130.000 đồng”.
Bị yêu cầu khó
Cạnh đó, hoạt động tống đạt văn bản của TPL cũng đang gặp những khó khăn khác. Chẳng hạn, có tòa yêu cầu TPL khi tống đạt giấy tờ cho cá nhân phải có dấu xác nhận của UBND xã, phường (nơi người được tống đạt cư trú) trên các văn bản tống đạt thành hay không thành... Trong khi đó, UBND các xã, phường thường không đồng ý đóng dấu lên văn bản do họ không chứng kiến việc tống đạt và cán bộ của họ cũng không có thời gian đi cùng TPL thực hiện tống đạt. Thậm chí có khi cán bộ địa phương còn đòi phải có… tiền thù lao mới chịu ký xác nhận.
Chưa hết, khi tống đạt giấy tờ cho cơ quan, tổ chức, một số tòa đòi hỏi giấy tờ phải do chính người đại diện cơ quan, tổ chức nhận, không chấp nhận bất kỳ một bộ phận nào khác. Điều này đã gây không ít khó khăn cho TPL.
Phía tòa án thì lập luận nếu không tống đạt cẩn thận thì rất dễ bị hủy án oan vì “không có dấu xác nhận của UBND địa phương thì lấy gì chứng minh đã tống đạt”.
Không được hợp tác
Một khó khăn khác mà các văn phòng TPL đang gặp phải là một số tòa chưa triển khai việc chuyển giao văn bản tống đạt. Thậm chí đến nay khi đã có hướng dẫn của TAND Tối cao về mức phí và cách tính phí tống đạt thì vẫn có tòa chưa ký hợp đồng chuyển giao văn bản tống đạt với TPL.
Tương tự, một số chấp hành viên rất ít chuyển giao văn bản cho TPL đi tống đạt, có khi chuyển giao thì lại giao lẻ tẻ khiến việc tống đạt mất nhiều thời gian, công sức.
Nhiều văn phòng TPL ở TP.HCM cho biết khi xác minh về điều kiện thi hành án tại các cơ quan công an, thuế, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, ngân hàng… thì thường xuyên bị từ chối cung cấp thông tin bởi các cơ quan này cho rằng TPL không phải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Quy định chưa rõ
Bên cạnh hoạt động tống đạt văn bản, công việc mang lại nguồn thu nhập ổn định thứ hai của TPL là lập vi bằng. Tuy nhiên, các văn phòng TPL cũng đang gặp khá nhiều khó khăn do các quy định còn chung chung, bất cập.
Chẳng hạn, Nghị định 61/2009 của Chính phủ quy định TPL không được lập vi bằng trong trường hợp “những sự kiện, hành vi có tính chất nhạy cảm ảnh hưởng đến đời sống xã hội, đến thuần phong, mỹ tục của dân tộc”. Nhưng chưa có văn bản nào hướng dẫn thế nào là những sự kiện, hành vi nào ảnh hưởng đến đời sống xã hội, đến thuần phong mỹ tục. Hay theo quy định, vi bằng do TPL lập chỉ ghi nhận sự kiện, hành vi, không được ghi nhận mục đích nên khi người dân yêu cầu thì TPL không thể đáp ứng.
Theo Điều 28 Nghị định 61/2009, vi bằng do TPL lập có giá trị chứng cứ để tòa xem xét, giải quyết vụ án và là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác. Khoản 9 Điều 2 Nghị định 135/2013 (sửa đổi, bổ sung Nghị định 61/2009) quy định vi bằng được coi là hợp lệ khi đăng ký tại Sở Tư pháp. Nhưng lại chưa có quy định rõ là Sở Tư pháp xác nhận đăng ký như thế nào, chịu trách nhiệm như thế nào, Sở sẽ ký, đóng dấu lên vi bằng hay xác nhận, chứng nhận vi bằng, nếu ký tên lên vi bằng thì cấp nào ký…
Các văn phòng TPL còn gặp khó do có “độ vênh” giữa nghị định của Chính phủ về TPL với các luật liên quan trong việc xác minh điều kiện thi hành án, áp dụng các biện pháp cưỡng chế tại cơ quan thuế, cảnh sát giao thông... Khi cưỡng chế thi hành án, TPL phải xin ý kiến ban chỉ đạo thi hành án dân sự cấp huyện, nơi đặt văn phòng và kế hoạch cưỡng chế phải được cục trưởng Cục Thi hành án dân sự phê duyệt. Quy định này đã làm mất đi tính chủ động của TPL. Pháp luật hiện hành cũng chưa quy định thẩm quyền của TPL, văn phòng TPL ngang bằng với chấp hành viên và cơ quan thi hành án dù chức năng, nhiệm vụ như nhau. TPL phải tự chủ về tài chính, trong khi hoạt động lại bị giới hạn về địa hạt...
(Theo THANH TÙNG - PLO)