Thứ trưởng Đinh Trung Tụng dẫn đầu Đoàn công tác liên ngành làm việc tại CH Pháp về thừa phát lại
(Thừa Phát Lại Thủ Đức) Trong khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Hội đồng thừa phát lại quốc gia Pháp được ký ngày 41/4/2015, đoàn cán bộ liên ngành do Thứ trưởng Đinh Trung Tụng làm Trưởng đoàn đã có chyến thăm và làm việc tại CH Pháp từ ngày 06 đến ngày 10/7/2015 với mục đích khảo sát, tìm hiểu kinh nghiệm của Pháp về tổ chức và hoạt động thừa phát lại nhằm phục vụ việc xây dựng Luật Thừa phát lại của Việt Nam.
Trong những ngày làm việc đầu tiên, Đoàn công tác đã thăm và làm việc với Bộ Tư pháp, Hội đồng Thừa phát lại quốc gia Pháp, Trường Đào tạo thủ tục tố tụng quốc gia, Bảo tàng Thừa phát lại. Thứ trưởng Đinh Trung Tụng bày tỏ vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Pháp, trong đó có lĩnh vực pháp luật và tư pháp. Đặc biệt, Thứ trưởng đánh giá cao sự tham gia và hỗ trợ của các cơ quan hữu quan của Pháp, trong đó có Bộ Tư pháp, Hội đồng Thừa phát lại quốc gia Pháp trong việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại Việt Nam những năm vừa qua và mong muốn các cơ quan này đẩy mạnh hơn nữa hoạt động hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới. Đại diện các cơ quan, tổ chức mà Đoàn đến thăm đều bày tỏ sự ủng hộ đối với Việt Nam, khẳng định sẵn sàng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với Bộ Tư pháp Việt Nam trong lĩnh vực này; ông Patrict Safar, Phó Chủ tịch Hội đồng Thừa phát lại quốc gia Pháp khẳng định Hội đồng rất mong muốn và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam xây dựng mô hình xã hội hóa thi hành án điển hình ở khu vực Châu Á thông qua việc triển khai thực hiện các hoạt động hợp tác thiết thực và hiệu quả trong khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Tư pháp và Hội đồng Thừa phát lại quốc gia Pháp.
|
|
Đồng thời, các cơ quan, tổ chức này cũng đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu trong công tác thừa phát lại - một nghề tồn tại từ rất lâu đời ở Pháp. Để trở thành Thừa phát lại, theo quy định của Luật ngày 2/11/1945, ứng cử viên phải có quốc tịch Pháp, không có án tích hoặc bất kỳ hình thức xử lý kỷ luật nào, chưa từng thực hiện các hành vi vi phạm đạo đức, không bị phá sản; về mặt chuyên môn, ứng cử viên phải có bằng cử nhân luật (4 năm) và trải qua khóa đào tạo nghề Thừa phát lại (2 năm). Sau khi vượt qua kỳ thi tuyển Thừa phát lại, người trúng tuyển sẽ được Bộ Tư pháp bổ nhiệm làm Thừa phát lại, phải tuyên thệ trước Tòa Thượng thẩm ở địa phương và có thể hoạt động với tư cách là người làm công ăn lương trong các Văn phòng Thừa phát lại, hoặc tự mở Văn phòng Thừa phát lại (trong trường hợp tự mở Văn phòng thì phải đóng một khoản phí hành nghề được xác định theo địa bàn. Bộ Tư pháp quy định cụ thể số lượng Văn phòng Thừa phát lại tại mỗi địa bàn). Các hoạt động của Thừa phát lại bao gồm: (1) hoạt động độc quyền là những hoạt động mà chỉ Thừa phát lại mới có quyền thực hiện như: tống đạt giấy tờ, thi hành phán quyết của Tòa án, tổ chức dịch vụ tuyên án tại tòa; (2) hoạt động không độc quyền, như: lập vi bằng, thu hồi nợ phát sinh từ các thỏa thuận tư nhân, đại diện cho khách hành trước Tòa Thương mại. Hoạt động của Thừa phát lại được kiểm soát rất chặt chẽ thông qua cơ chế kiểm soát lẫn nhau tại các Hội đồng thừa phát lại cấp tỉnh, cấp khu vực và cấp quốc gia, và cơ chế giám sát, kiểm tra của Bộ Tư pháp và Công tố viên nhà nước. Để hỗ trợ hoạt động của Thừa phát lại, hiện có 02 quỹ quan trọng là: (1) Quỹ cho vay hoạt động như một ngân hàng đặc biệt để hỗ trợ các Thừa phát lại trẻ, mới vào nghề; và (2) Quỹ bảo hiểm quốc gia để chi trả cho những nghĩa vụ tài chính phát sinh do sơ xuất, rủi ro nghề nghiệp của Thừa phát lại (lỗi vô ý); Quỹ này do các Thừa phát lại đóng góp trên cơ sở mức tổn thất của năm trước đó.
Tổ chức nghề nghiệp thừa phát lại của Pháp được thiết kế theo mô hình kim tự tháp, bao gồm: (1) Hội đồng thừa phát lại cấp tỉnh (hiện có khoảng 100 Hội đồng cấp tỉnh) bao gồm tất cả các Thừa phát lại trong phạm vi tỉnh. Hội đồng này đại diện cho các Thừa phát lại trong tỉnh trong các quan hệ với các cơ quan tư pháp và cơ quan hành chính, thực hiện các thủ tục xử lý kỷ luật đối với các Thừa phát lại trong tỉnh; (2) Hội đồng thừa phát lại cấp khu vực (hiện có 35 Hội đồng cấp khu vực được hình thành theo khu vực thẩm quyền của Tòa án cấp phúc thẩm). Hội đồng có chức năng đại diện và bảo vệ quyền lợi của các Thừa phát lại trong khu vực. Hội đồng cấp khu vực hỗ trợ hoạt động của các Hội đồng cấp tỉnh, nhưng không thực hiện việc quản lý hoạt động của Hội đồng cấp tỉnh, ngoài việc có quyền thông báo các biện pháp xử lý kỷ luật đối với Thừa phát lại hoạt động trong khu vực; (3) Hội đồng thừa phát lại quốc gia bao gồm 35 thành viên đại diện cho các khu vực, trong đó Ban Lãnh đạo gồm có 07 người (01 Chủ tịch, 02 Phó Chủ tịch, 04 thành viên). Hội đồng được Bộ Tư pháp thành lập năm 1945, có tư cách độc lập, đại diện quyền lợi của Thừa phát lại ở cấp quốc gia và quốc tế. Hội đồng quốc gia cũng không thực hiện việc quản lý hoạt động của Hội đồng cấp tỉnh và cấp khu vực. Hội đồng có các nhiệm vụ như: tổ chức đào tạo, bồi dưỡng Thừa phát lại, giải quyết các vấn đề lliên quan đến quỹ lương hưu và phúc lợi xã hội của Thừa phát lại và các nhân viên, đại diện cho Thừa phát lại Pháp tại các tổ chức quốc tế và tại nước ngoài, tổ chức truyền thông về nghề thừa phát lại, duy trì quan hệ với các tổ chức đại diện cho các nghề “tự do” khác, nghiên cứu, giới thiệu các sáng kiến phát triển nghề thừa phát lại, tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm ở cấp quốc gia và quốc tế cũng như Đại hội Thừa phát lại theo định kỳ 2 năm một lần.
Thứ trưởng Đinh Trung Tụng đã đánh giá cao những kinh nghiệm của Pháp trong lĩnh vực Thừa phát lại và tin tưởng rằng các kinh nghiệm này sẽ được Việt Nam vận dụng trong quá trình hoàn thiện chế định Thừa phát lại phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong những ngày tiếp theo, Đoàn sẽ có buổi chào xã giao Thượng Nghị sỹ, Chủ tịch Hội hữu nghị Pháp – Việt, thăm và làm việc với Tòa phá án và một số Văn phòng Thừa phát lại của Pháp. Thông tin về các buổi làm việc này sẽ tiếp tục được cập nhật
(Nguồn: Bộ Tư Pháp)