Thi hành án quá nhiêu khê
Thi hành án là hoạt động tố tụng góp phần bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân, tính nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên, thực tế, tổ chức thi hành án còn nhiều bất cập khiến dư luận bức xúc
“Hiện nhà tôi bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng nhưng tôi vẫn chưa nhận được tiền bồi thường để sửa chữa. Nhiều lần lên xuống khiếu nại, khởi kiện đến khi bản án có hiệu lực lại phải chờ đợi để được thi hành án (THA) trong khi người phải thi hành án vẫn cứ...vô tư. Bây giờ tôi phải làm sao?” - bà Lê Thị Kim Hà (ngụ phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP HCM) bức xúc nói.
Án có hiệu lực vẫn... như không
Năm 2007, ông Nguyễn Doãn Nghĩa (ngụ phường Hiệp Bình Chánh) xây nhà làm nứt tường, nứt cột nhà bà Hà. Nhiều lần bà Hà đề nghị sửa chữa nhưng ông Nghĩa không thực hiện. Bức xúc, bà Hà khiếu nại đến UBND phường Hiệp Bình Chánh, UBND quận Thủ Đức rồi kiện ra TAND quận Thủ Đức. Ngày 24-8-2010, TAND quận Thủ Đức tuyên buộc ông Nghĩa bồi thường cho bà Hà gần 90 triệu đồng. Chưa kịp vui mừng vì sắp có tiền sửa nhà, Chi cục THA Dân sự quận Thủ Đức đã trả lại đơn yêu cầu THA của bà Hà với lý do nhà ông Nghĩa chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất. Từ đó đến nay, nhiều lần bà Hà gửi đơn yêu cầu THA nhưng lần nào cũng bị trả lại đơn do không cung cấp được thông tin tài sản của ông Nghĩa.
Ngoài vụ án này, bà Hà còn là người được THA trong một vụ án khác và cũng đang dài cổ chờ đợi. Cụ thể, bà Hà thắng kiện Công ty TNHH Sản xuất Dịch vụ Thương mại Tân Đại Hải (quận 7), tòa án tuyên buộc công ty trả cho bà Hà 50 triệu đồng nhưng từ năm 2007 đến nay, mặc cho bà Hà nhiều lần gửi đơn yêu cầu THA, bản án vẫn chưa được thi hành xong. “Có lúc cơ quan THA trả lại đơn, có lúc nói người phải THA không còn ở quận 7... Cực chẳng đã mới lựa chọn con đường khởi kiện nhưng cả 2 vụ được THA mà cứ phải chờ đợi hết năm này qua năm khác khiến tôi thật sự mất niềm tin” - bà Hà nói.
Bà Lê Thị Kim Hà bức xúc phản ánh với Báo Người Lao Động về việc bản án có hiệu lực gần 9 năm nhưng vẫn chưa được thi hành
Tương tự, bà Nguyễn Thị Trí (ngụ xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) hơn 13 năm nay vẫn chưa được THA. Theo quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự của TAND huyện Bình Chánh, TP HCM), ông Nguyễn Văn Đấu phải có trách nhiệm hoàn lại cho bà Trí 25 lượng vàng. Tuy nhiên, từ năm 2003 đến nay, bà Trí vẫn chưa nhận được vàng dù đã nhiều lần đề nghị THA.
May mắn hơn những trường hợp trên, sau một thời gian dài chờ đợi THA, bà Trương Thị Lệ Nương (quận 1) đã nhận được hơn 6 tỉ đồng tiền gốc, còn lại gần 2 tỉ đồng tiền gốc và hơn 4 tỉ đồng tiền lãi vẫn chưa được thi hành. Tuy nhiên, mới đây, Chi cục THA Dân sự quận 10 vừa thông báo hoãn THA do có tranh chấp tài sản dù trước đó tài sản đã được kê biên để THA cho bà Nương.
Chậm do khách quan (?)
Theo một chấp hành viên (CHV) ở một chi cục THA dân sự tại TP HCM, một trong những khó khăn trong quá trình THA là xác minh tài sản và tài khoản của người phải THA. Về xác minh tài sản, nếu phòng tài nguyên và môi trường quận, huyện chậm cập nhật, không xác định đúng tài sản của người phải THA cũng gây khó khăn cho cơ quan THA... Về xác minh tài khoản ở ngân hàng, theo quy định, cơ quan THA gửi văn bản đề nghị, trong vòng 3 ngày, ngân hàng phải trả lời. Tuy nhiên, một số ngân hàng nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng nên báo cho chủ tài khoản rút tiền trước hoặc chỉ cung cấp một tài khoản (không có tiền) cho cơ quan THA cũng khiến việc THA kéo dài...
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Văn Nhàn, Trưởng Phòng Kiểm tra giải quyết khiếu nại và tố cáo Cục THA Dân sự TP HCM, thừa nhận việc THA hiện nay còn chậm khiến đương sự khiếu nại do một số nguyên nhân, như: CHV ít, việc THA nhiều (có CHV làm khoảng 500 việc THA/năm); tài sản của người phải THA không bán được; người phải THA không có tài sản; người phải THA tẩu tán tài sản trước khi THA; người phải THA khiếu nại để kéo dài THA; THA đối với người thân của đương sự...
Trước thắc mắc về việc có hay không CHV tiêu cực, nhũng nhiễu khiến THA kéo dài, ông Nhàn cho rằng về nguyên tắc khi tổ chức THA, CHV phải tuân theo trình tự thủ tục.
“Trong quá trình giải quyết khiếu nại, chúng tôi cũng phát hiện một số CHV vi phạm thủ tục THA, tài chính và đã xử lý nghiêm. Từ năm 2012 đến nay đã xử lý kỷ luật 10 CHV. Nếu có chứng cứ cho rằng CHV không thực hiện đúng trình tự trong việc định giá kê biên tài sản, không công khai minh bạch giá ngay khi kê biên, không cho đương sự thỏa thuận giá trị tài sản ngay khi kê biên..., người dân có quyền gửi đơn khiếu nại đến Chi cục THA Dân sự quận, huyện. Nếu có chứng cứ cho rằng CHV vòi vĩnh tiền, người dân có quyền tố cáo đến Cục THA Dân sự TP HCM” - ông Nhàn nhấn mạnh.
Khó THA dân sự trong hình sự
Về trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự, nhiều CHV cho biết rất khó thực hiện, thậm chí có những bản án vĩnh viễn chỉ nằm trên giấy. Có trường hợp phải THA hàng trăm tỉ đồng nhưng mới thi hành vài chục tỉ đồng thì ngưng do người phải THA không còn tài sản; cũng có trường hợp người phải THA đang sử dụng xe mắc tiền, ở nhà cao cửa rộng nhưng những tài sản đó đã được sang tên cho vợ con hoặc người thân thì không thể THA được. Trường hợp án ma túy, giết người lại càng khó khăn cho việc THA vì người bị thi hành án không có tài sản hoặc người phải thi hành án đã chấp hành án tử hình.
Nguồn: http://nld.com.vn/