Ngày 3/5, Bộ Tư pháp và Hội đồng thừa phát lại quốc gia CH Pháp đã phối hợp tổ chức tọa đàm về tổ chức và hoạt động thừa phát lại-kinh nghiệm của CH Pháp và thực tiễn của Việt Nam. Hội thảo có sự tham gia của đại diện cơ quan Thi hành án, TANDTC, VKSNDTC.
Bà Đỗ Hoàng Yến - Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp cho biết, việc triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội về chế định Thừa phát lại (TPL) trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hoạt động TPL đã giúp giảm tải công việc, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử và thi hành án dân sự; tạo thêm công cụ pháp lý tích cực để người dân tự bảo vệ quyền lợi của mình khi tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại. Hiện nay, ngoài 13 tỉnh thành thực hiện thí điểm, đã có thêm 12 tỉnh, thành khác đăng ký thực hiện chế định TPL và một số địa phương khác đang xây dựng đề án.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, hoạt động TPL cũng còn những hạn chế, yếu kém và một trong các nguyên nhân chủ quan là đội ngũ TPL, thư ký nghiệp vụ còn hạn chế về trình độ, năng lực và kinh nghiệm nghề nghiệp. Một số TPL, văn phòng TPL còn có biểu hiện chạy theo lợi nhuận, xem nhẹ việc nâng cao chất lượng hoạt động, uy tín, thanh danh nghề nghiệp. Nguyên nhân là do trong giai đoạn thực hiện thí điểm, việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghề TPL chưa được tổ chức một cách bài bản và chưa ban hành được bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp TPL.
Quang cảnh hội thảo
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước cũng như tạo hành lang pháp lý thuận tiện hơn cho hoạt động TPL, Bộ Tư pháp dự kiến xây dựng Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định về tổ chức và hoạt động của TPL và Thông tư ban hành Quy tắc đạo đức hành nghề TPL.
Theo đó, dự thảo thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của nghị định về tổ chức và hoạt động của TPL sẽ đơn giản hóa tối đa các thủ tục trong tổ chức và hoạt động TPL. Học viện Tư pháp sẽ đào tạo nghề TPL, trong thời gian 6 tháng về các nội dung như kỹ năng hành nghề, kiến thức pháp luật liên quan đến hành nghề TPL, Quy tắc đạo đức nghề nghiệp TPL…
Khi tham gia TPL, một số đối tượng sẽ được miễn đào tạo nghề, gồm: Thẩm phán, Kiểm sát viên, Chấp hành viên, Điều tra viên có thời gian công tác từ 5 năm trở lên; Công chứng viên, quản tài viên, luật sư đã hành nghề từ 5 năm trở lên. Ngoài ra, các đối tượng là Giáo sư, phó Giáo sư chuyên ngành luật, Tiến sĩ luật, Thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án, Kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát, Thanh tra viên cao cấp, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật, thẩm tra viên chính, thẩm tra viên cao cấp ngành thi hành án dân sự…cũng được miễn đào tạo nghề TPL.
Dự thảo thông tư ban hành Quy tắc đạo đức hành nghề TPL sẽ đưa ra những quy tắc đạo đức hành nghề TPL với mục tiêu nâng cao nhận thức về nghề, phẩm chất đạo đức, uy tín, thanh danh; tuân thủ nghiêm ngặt quy định pháp luật và Quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời, yêu cầu TPL có trách nhiệm coi trọng, giữ gìn uy tín nghề nghiệp, không được có hành vi làm tổn hại danh dự, uy tín cá nhân, thanh danh nghề nghiệp; giữ bí mật các thông tin trong hồ sơ công việc và tất cả thông tin biết được về nội dung công việc trong quá trình hành nghề, kể cả khi không còn là TPL, trừ trường hợp được sự đồng ý bằng văn bản của người yêu cầu hoặc pháp luật có quy định khác.
Thảo luận tại buổi tọa đàm, chuyên gia Hội đồng TPL quốc gia Cộng hòa Pháp cho biết, kinh nghiệm ở Pháp cho thấy, TPL đã có từ rất lâu, cách đây hàng chục năm và nó phát triển theo mô hình kim tự tháp và quy định rất cụ thể. Sẽ không có một thủ tục thi hành án nào được tiến hành nếu trước đó quyết định của Tòa án chưa được tống đạt thông qua TPL. Người muốn hành nghề TPL phải đáp ứng các yêu cầu và trải qua kỳ thi sát hạch khắt khe. Bộ trưởng Tư pháp sẽ bổ nhiệm TPL và quyết định cho thành lập Văn phòng TPL. Các TPL Cộng hòa Pháp phải tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp không chỉ trong khi hành nghề mà cả trong đời sống hàng ngày. TPL phải thể hiện sự chính xác cao độ trong việc lập vi bằng. Các ghi nhận mô tả phải được ghi rõ ràng và chính xác. Việc trình bày hồ sơ trên mọi hình thức phải đảm bảo không có sự chỉnh sửa nội dung và việc bảo quản hồ sơ này phải được đảm bảo một cách đáng tin cậy nhất. Khi TPL vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật thì Hội đồng TPL cấp vùng có thể đưa ra chế tài kỷ luật và Tòa án sơ thẩm thẩm quyền rộng cũng có thể đưa ra chế tài xử lý, nặng nhất là truất quyền hành nghề và chịu chế tài hình sự, có thể xử tù hoặc phạt tiền.