Nâng cao tiêu chuẩn của Thừa phát lại
Mặc dù vẫn còn một số tồn tại, hạn chế song kết quả triển khai thời gian qua cho thấy chủ trương của Đảng về thí điểm Thừa phát lại (TPL) đã được thể chế hóa và kiểm nghiệm trên thực tế, đã và đang từng bước đi vào cuộc sống, được người dân, xã hội đón nhận.
Việc thực hiện TPL tạo ra một nghề mới trong thị trường dịch vụ pháp lý và là bước đầu tiên xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự (THADS).
Trong tương lai, khi chế định TPL được thực hiện tại các địa phương trên cả nước và trở thành một nghề trong lĩnh vực dịch vụ pháp lý sẽ góp phần tạo công ăn việc làm và bổ sung nguồn thu cho ngân sách.
Để làm được điều đó, một trong những giải pháp là phải tăng cường chất lượng, xây dựng đội ngũ TPL có năng lực, chuyên môn, kinh nghiệm, hiểu biết pháp luật; có đạo đức và kỹ năng hành nghề tương đồng với các nghề bổ trợ tư pháp khác.
Trên cơ sở rà soát tiêu chuẩn bổ nhiệm TPL theo quy định hiện hành, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến cho biết Dự thảo Nghị định dự kiến sửa đổi, bổ sung theo hướng nâng cao tiêu chuẩn của TPL.
Theo đó, người mong muốn được bổ nhiệm TPL, ngoài các tiêu chuẩn có bằng cử nhân Luật; đã công tác thực tế trong ngành pháp luật trên 05 năm hoặc đã từng là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư; Chấp hành viên, Công chứng viên, Điều tra viên từ Trung cấp trở lên như quy định hiện hành thì “phải có chứng chỉ tốt nghiệp đào tạo nghề; có thời gian tập sự hành nghề tại các cơ quan thi hành án dân sự hoặc văn phòng TPL và không được kiêm nhiệm đấu giá viên, quản tài viên và những công việc thường xuyên khác”.
Thời gian đào tạo nghề TPL là 6 tháng (thay vì chỉ tập huấn trong 2 tuần như trước đây) và thời gian tập sự hành nghề là 06 tháng.
Trước băn khoăn liệu có trường hợp nào được miễn đào tạo nghề hay không, bà Yến thẳng thắn cho rằng, sẽ không miễn đào tạo nghề cho bất kỳ đối tượng nào để đảm bảo chất lượng TPL.
Phải tính hướng phát triển cho nghề TPL
Cũng theo bà Yến, trong thời gian tới, với kinh nghiệm qua thời gian thí điểm, với số lượng, chất lượng của đội ngũ TPL ngày càng được cải thiện thông qua tổ chức đào tạo nghề, nâng cao tiêu chuẩn bổ nhiệm TPL; đồng thời, nhằm giúp các Văn phòng TPL hoạt động hiệu quả và phát triển, Dự thảo Nghị định dự kiến mở rộng phạm vi hoạt động của TPL.
Cụ thể, TPL được tống đạt cả các văn bản theo yêu cầu của đương sự trong các vụ án dân sự, thực hiện tống đạt văn bản theo Công ước La Hay 1965 và tống đạt văn bản của các cơ quan tổ chức khác; mở rộng lập vi bằng ra ngoài các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi đặt Văn phòng TPL.
TPL được xác minh điều kiện thi hành án liên quan đến việc thi hành án thuộc thẩm quyền thi hành của các Cơ quan THADS trên phạm vi toàn quốc (không chỉ là các cơ quan thi hành án trong phạm vi tỉnh, thành phố nơi đặt Văn phòng TPL).
Riêng về định hướng quy định thẩm quyền tổ chức thi hành án của TPL thì hiện tồn tại 2 luồng ý kiến khác nhau. Loại thứ nhất kiến nghị giữ nguyên quy định hiện hành về thẩm quyền tổ chức thi hành án của TPL, kể cả tổ chức cưỡng chế thi hành án có huy động lực lượng.
Loại thứ hai cũng đề xuất giữ nguyên quy định hiện nay về thẩm quyền thi hành án của TPL nhưng do nhận thức, quan điểm chưa thống nhất đối với việc tổ chức cưỡng chế thi hành án nên khi xây dựng Nghị định cần nghiên cứu bỏ thẩm quyền này của TPL để bảo đảm tính khả thi.
Tại phiên họp, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Công an) cho biết quan điểm của Bộ Công an là tán thành việc nghiên cứu bỏ thẩm quyền tổ chức cưỡng chế thi hành án.
Tuy nhiên, nhiều thành viên Ban soạn thảo đến từ VKSNDTC, Văn phòng Chính phủ, Sở Tư pháp TP Hà Nội... lại ủng hộ giữ nguyên thẩm quyền trên. Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm sát THADS (VKSNDTC) Nguyễn Chí Dũng lý giải, phải tính xu thế trong tương lai là nghề TPL sẽ phát triển và điều đó đòi hỏi phải tạo điều kiện cho TPL phát triển.
Bởi TPL thay mặt cho Nhà nước thực hiện một số dịch vụ công thì Nhà nước phải có cơ chế đảm bảo cho TPL hoạt động, có như vậy mới giảm tải cho Nhà nước.
Còn những vướng mắc trong triển khai thẩm quyền này, cơ quan chức năng phải tham mưu đề xuất cơ chế tháo gỡ hiệu quả.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc chia sẻ những khó khăn trong xây dựng Dự thảo Nghị định do nhận thức còn khác nhau.
Nhưng Thứ trưởng nhấn mạnh, chủ trương xã hội hóa hoạt động THADS là không thay đổi nhằm đảm bảo công lý, công bằng trong xã hội, miễn là có bước đi phù hợp để nghề mới phát triển đúng hướng, bền vững.
Đồng tình với việc nâng cao điều kiện, tiêu chuẩn của TPL, Thứ trưởng yêu cầu rà soát những quy định còn “e dè”, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho nghề hoạt động, cố gắng kế thừa tối đa các quy định hiện hành có hiệu quả và mở rộng hợp lý phạm vi hoạt động của TPL.
(Nguồn: http://www.phapluatplus.vn/)