Video

Văn phòng Thừa phát lại

Thống kê
Vistited  
Online  

Tăng quyền cho thừa phát lại

Tuesday, 03/11/2015, 10:18 GMT+7

Tăng quyền cho thừa phát lại

 

(TPLTĐ)- Một số quy định hiện hành không còn phù hợp, làm bó hẹp phạm vi hoạt động của thừa phát lại. Theo nhiều ý kiến, đã đến lúc phải xây dựng luật về thừa phát lại và thống nhất sửa đổi quy định trong một số lĩnh vực cho phù hợp...

 

Việc thiếu cơ chế rõ ràng về mặt pháp luật đang là trở ngại đối với hoạt động của thừa phát lại (TPL). Để hoạt động TPL ngày càng ổn định và phát triển thì cần có luật về TPL vì các văn bản dưới luật chưa đủ để nâng cao vị thế của TPL với tư cách là tổ chức bổ trợ tư pháp. Ngoài ra, cũng cần thống nhất quy định pháp luật trong một số lĩnh vực khác nhằm phù hợp với TPL.

Tăng thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng

Theo ông Lê Mạnh Hùng (Trưởng Văn phòng TPL quận Bình Thạnh, TP.HCM), cần tăng thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng cho TPL.

Cụ thể, không nên hạn chế TPL chỉ được lập vi bằng liên quan đến hợp đồng, giao dịch như hiện nay mà nên cho phép TPL lập vi bằng ghi nhận cả lời khai, lời trình bày, tuyên thệ, cuộc họp… để phục vụ cho hoạt động xét xử của tòa. Ngoài ra, cũng không nên cấm TPL lập vi bằng liên quan đến các hành vi, sự kiện của cán bộ, công chức đang thi hành công vụ để tạo lập chứng cứ bảo vệ người dân.

Cạnh đó, cần có quy định không bắt buộc TPL phải biết và đảm bảo mục đích sử dụng của vi bằng vì người yêu cầu lập vi bằng có quyền tùy nghi sử dụng vi bằng trong khuôn khổ pháp luật. Cuối cùng, ông Hùng đề xuất không nên giới hạn phạm vi lập vi bằng trong phạm vi tỉnh, thành nơi văn phòng TPL có trụ sở như hiện nay.

 

Thừa Phát Lại Thủ Đức lập vi bằng cho UBND Phường Tam Phú

(Ảnh: Thừa Phát Lại Thủ Đức đang lập vi bằng ghi nhận cán bộ UBND Phường T.P, Quận TĐ đo đạt, lập biên bản vi phạm hành chính)

Đơn giản hóa quy trình tống đạt văn bản

Bà Đỗ Thị Thúy Hảo (Trưởng Văn phòng TPL quận Tân Bình, TP.HCM) đề xuất việc tống đạt văn bản của TPL hiện nay khá vất vả vì phải tuân theo nhiều quy trình và yêu cầu khác nhau của người giao văn bản. Vì vậy cần có quy trình tống đạt gọn nhẹ hơn theo hướng không cần xác nhận của chính quyền địa phương mà chỉ cần TPL ký tên, đóng dấu để chịu trách nhiệm là đủ.

Theo bà Hảo, nên có quy định để TPL tự chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của văn bản tống đạt. Nếu TPL tống đạt không đúng thì không được tính phí và phải làm lại, nếu gây thiệt hại cho các bên thì phải bồi thường. Cạnh đó, quy định hiện nay về việc không tính chi phí cho việc tống đạt văn bản thứ hai trở đi ở cùng một địa chỉ đang gây khó khăn vì thực tế không phải trường hợp nào cũng làm một lần là xong.

Cho TPL quyền cưỡng chế thi hành án

Ông Đỗ Phi Thường (Văn phòng TPL quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết với các quy định hiện hành thì TPL chưa ngang bằng với chấp hành viên về thẩm quyền trong việc áp dụng biện pháp cưỡng chế và xác minh điều kiện thi hành án (THA).

Ông Thường phân tích: Mặc dù các thông tư liên tịch (hướng dẫn thi hành Nghị định 135/2013) cho phép TPL có quyền kê biên, phong tỏa tài khoản tại ngân hàng và tổ chức tín dụng nhưng lại chưa cho TPL áp dụng các biện pháp cưỡng chế THA. Cạnh đó vẫn còn có độ vênh giữa nghị định về tổ chức, hoạt động của TPL với các luật liên quan trong việc xác minh điều kiện THA, áp dụng các biện pháp cưỡng chế tại cơ quan thuế, CSGT (xác minh đăng ký của chủ sở hữu phương tiện giao thông). Do vậy phải thống nhất các quy định theo hướng cho TPL quyền lớn hơn và chủ động hơn khi xác minh.

Ông Phạm Quang Giang (Trưởng Văn phòng TPL quận 5, TP.HCM) thì kiến nghị cần quy định bổ sung vào bản án của tòa nội dung: “Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, đương sự có quyền liên hệ cơ quan THA hoặc văn phòng TPL để được yêu cầu THA”. Theo ông Giang, có luật hóa quy định này thì hoạt động THA của TPL mới phát huy tác dụng.

Xây dựng luật là cần thiết

TS Nguyễn Văn Tiến (Trường ĐH Luật TP.HCM) nhận xét việc Chính phủ kiến nghị Quốc hội công nhận chính thức TPL là cần thiết và phù hợp với nhu cầu của xã hội. Để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ hơn thì đã đến lúc phải xây dựng luật về TPL để làm cơ sở pháp lý cao nhất cho TPL hoạt động. Quá trình sửa đổi, bổ sung các đạo luật cũng phải bổ sung các quy định liên quan phù hợp với nghề TPL để có hành lang pháp lý thuận lợi. “TPL là một nghề bổ trợ cho hoạt động tư pháp rất cần thiết ở nước ta, được người dân ủng hộ sử dụng và sẽ phát triển trong tương lai. Để nâng vị thế của TPL thì không còn cách nào khác phải có luật để trực tiếp điều chỉnh hoạt động” - TS Tiến nói.

Một lãnh đạo Sở Tư pháp TP.HCM đánh giá thực tế hành nghề TPL cho thấy một số quy định hiện hành không còn phù hợp và đang làm bó hẹp phạm vi hoạt động của TPL. Để TPL hoạt động ngày càng ổn định và phát triển thì phải xây dựng luật chuyên ngành về TPL và thống nhất sửa đổi quy định pháp luật trong một số lĩnh vực khác cho phù hợp với TPL.

 

Năm 2016, Chính phủ sẽ trình Quốc hội luật về TPL

Trong báo cáo tổng kết về thực hiện thí điểm chế định TPL với Quốc hội mới đây, Chính phủ cho biết trong năm 2016 sẽ trình Quốc hội xem xét luật về TPL. Luật này phải đảm bảo được các nội dung sau nhằm tạo cơ sở pháp lý để TPL phát triển:

Thứ nhất, luật phải cụ thể hóa được tinh thần và nội dung của Hiến pháp 2013; phù hợp với các quy định của các đạo luật lớn khác (về tống đạt văn bản, giấy tờ tư pháp, phí tống đạt; nguồn chứng cứ, xác định chứng cứ; về THA; giải quyết tranh chấp, khiếu kiện về giá trị pháp lý của vi bằng…).

Thứ hai, luật phải nâng cao được địa vị pháp lý của TPL, nghề TPL; mở rộng, điều chỉnh phạm vi công việc TPL cho phù hợp với nhu cầu của người dân; yêu cầu, đòi hỏi của hoạt động hành chính, tư pháp và phù hợp với tính chất, đặc thù của nghề.

Thứ ba, luật phải quy định về trình tự, thủ tục thực hiện công việc của TPL; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, kiểm sát hoạt động của TPL; các hình thức hành nghề TPL, việc chuyển nhượng văn phòng TPL, việc đào tạo, bồi dưỡng con người...

Cuối cùng là định hướng, lộ trình phát triển TPL đồng bộ với việc xã hội hóa cơ quan THA; tính tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tính tự quản và quản lý nhà nước về TPL.

53 văn phòng thừa phát lại

Cả nước hiện có 53 văn phòng TPL với tổng số nhân lực là 643 người (gồm 134 TPL, 295 thư ký nghiệp vụ và 214 nhân viên khác) đang hoạt động thí điểm tại 13 tỉnh, thành. Theo đánh giá của Chính phủ, đội ngũ TPL đang hành nghề là những người có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực pháp lý, trong đó hầu hết đã từng là luật sư, thẩm phán, chấp hành viên, điều tra viên. Tính đến ngày 31-7-2015, các văn phòng TPL đã tống đạt được 819.044 văn bản, lập 39.027 vi bằng, xác minh điều kiện THA 781 việc, trực tiếp tổ chức THA 322 vụ việc, đạt tổng doanh thu hơn 119 tỉ đồng.

Nguồn: PLO

Written : Phap Nguyen

Search date :    

Go Top
Đăng ký tư vấn
Công ty luật FUJILAW