Tắc đường vì nhiều người mua ôtô cho...oách: Đang tắc ở tư duy!
Tắc đường là do giải pháp phát triển giao thông của ta chưa ổn, chưa theo kịp sự phát triển của kinh tế-xã hội.
Giải thích về nguyên nhân gây tắc đường khủng khiếp như thời gian vừa qua trên địa bàn Thủ đô, lãnh đạo ngành GTVT Thành phố ngày 15/9 đã nói như vậy. Tư duy đơn giản của nhà quản lý khiến dư luận đã có câu trả lời vì sao đường xá lâu nay tắc vẫn hoàn tắc mà loay hoay mãi chẳng tìm được giải pháp khắc phục.
|
Hình ảnh khủng khiếp về giao thông ở Hà Nội. |
Để chứng minh cho điều mình nói, vị lãnh đạo này dẫn chứng “Tôi biết có gia đình mua xe mấy năm mà chỉ đi có 10.000 km”. Rõ ràng là câu trước đã “đá” câu sau mất rồi. “Nhiều người mua ô tô mà không đi” liệu có phải là nguyên nhân gây tắc đường không? Mà đã không đi thì làm sao gây tắc đường được, có phải họ đem ô tô ra giữa đường để đỗ đâu mà gây tắc?
Vì sao tắc đường ngày một khủng khiếp đến như vậy? Đến một người chẳng có kiến thức gì về giao thông đô thị cũng có thể hiểu rằng giải pháp giao thông hiện nay chưa ổn, qui hoạch giao thông đô thị không theo kịp sự phát triển của kinh tế - xã hội. Rõ ràng, sự tập trung quá lớn của các cơ quan, công sở trong nội thành khiến cho mỗi ngày, vào buổi sáng thì dòng người ùn ùn kéo từ ngoại thành vào và buổi tối dòng người này lại đổ từ nội thành ra ngoại ô. Cùng với đó, hàng loạt các chung cư cao tầng mọc lên trong khi giao thông đô thị lại không “chạy” kịp.
Và ai cũng thấy là hàng loạt các hàng rào, lô cốt mọc lên như nấm sau mưa trên các con phố, choán gần hết phần đường của người tham gia giao thông khiến tình trạng ùn tắc liên tục xảy ra.
Cả Hà Nội giờ đây như một đại công trường ngổn ngang. Ngày khánh thành để các dự án giao thông lớn trên địa bàn thành phố đi vào hoạt động liên tục được dời từ hết năm này sang năm khác. Để rồi, người tham gia giao thông hàng ngày luồn lách dưới những công trình dở dang để mưu sinh, trong khi họ biết rằng, trên đầu họ lơ lửng nguy cơ, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào trên các công trường này.
Mỗi ngày đi làm là một cực hình. Nhiều người than thở, một đoạn đường cách nay 15 năm đi xe đạp hết nửa tiếng, nay đất nước phát triển, kinh tế khá giả, đường xá tốt hơn xưa, mua được ô tô mà đi mất cả tiếng đồng hồ chưa đến nơi.
Có thể giải thích như thế này để lãnh đạo ngành GTVT thấy được không? Kinh tế phát triển thì dân mua sắm ô tô phục vụ nhu cầu đi lại của mình là điều tất yếu. Họ mua ô tô thì phải nộp các loại thuế. Khi chiếc xe lăn bánh trên đường thì họ lại phải trả biết bao nhiêu loại phí nữa. Nhà quản lý phải lấy tiền đó để mở rộng đường xá, giải quyết ách tắc giao thông chứ sao lại trách dân đầu tư mua nhiều xe riêng...cho oách!?
Tốn kém là vậy mà vẫn mang tiếng là thích oách vậy tại sao dân phải sắm ô tô cá nhân nhiều thế? Vì giao thông công cộng của ta quá kém nên người dân phải tìm cách tự xử lý vấn đề cho mình. Ai cũng biết mua một chiếc xe ô tô giá có “bèo” thì mỗi tháng cũng phải “quẳng” vào nó mấy triệu đồng, bằng nuôi một đứa trẻ con đi học là ít nhất. Vậy tại sao tốn kém mà nhiều vẫn mua? Có phải vì cho “oách” như ông PGĐ Sở GTVT Hà Nội nói không? Ở các nước phát triển, người dân chủ yếu đi bằng tàu điện ngầm, xe bus, các phương tiện giao thông công cộng khác.
Nhưng ở ta, bình thường taxi ế ẩm chạy vòng quanh tốn xăng mà không có chỗ đỗ, nhưng lúc cần chờ dài cổ cũng không gọi được xe. Chỉ vì bị tắc đường ở đâu đó, hoặc do để tránh tắc đường mà các nhà quản lý đã “cấm cửa” taxi không được đi vào một số khung giờ nhất định.
Tư duy của nhà quản lý là tìm giải pháp khắc phục và làm sao để tương lai không xảy ra tình trạng tiêu cực chứ không phải là việc đổ thừa. Dân đóng thuế để nuôi những nhà quản lý, để họ tìm ra những giải pháp phục vụ cộng đồng. Không thể bất lực trước một vấn đề gì đó thì quay lại đổ thừa cho dân một cách vô lý như vậy!
Nguồn: http://vov.vn/