Video

Văn phòng Thừa phát lại

Thống kê
Vistited  
Online  

Sắp tới, luật sư dễ ‘vào’ vụ án hơn

Wednesday, 02/12/2015, 11:18 GMT+7

Sắp tới, luật sư dễ ‘vào’ vụ án hơn

Thủ tục đăng ký bào chữa trong BLTTHS (sửa đổi) có những điểm tiến bộ hơn so với trước nhưng nhiều chuyên gia vẫn băn khoăn về việc phải thực thi ra sao để tránh tình trạng chỉ là “bình mới, rượu cũ”...

Một trong những thay đổi đáng chú ý của BLTTHS (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua là việc thay thế thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa bằng thủ tục đăng ký bào chữa.

Phải vào sổ đăng ký trong vòng 24 giờ

Cụ thể, Điều 78 BLTTHS (sửa đổi) quy định trong mọi trường hợp người bào chữa (luật sư (LS), bào chữa viên nhân dân, trợ giúp viên pháp lý) phải đăng ký bào chữa. Khi đăng ký, người bào chữa xuất trình thẻ LS kèm theo bản sao có chứng thực và giấy yêu cầu của người bị buộc tội, hoặc của người đại diện, hoặc của người thân thích của người bị buộc tội. Trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ, cơ quan tố tụng phải kiểm tra và vào sổ đăng ký người bào chữa (trường hợp từ chối việc đăng ký thì phải nêu rõ lý do bằng văn bản). Sau đó cơ quan tố tụng phải gửi ngay văn bản thông báo cho người đăng ký bào chữa, cơ sở giam giữ. Văn bản này có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tố tụng, trừ khi có sự thay đổi người bào chữa.

Cơ quan tố tụng từ chối đăng ký bào chữa trong các trường hợp sau: Người bị buộc tội từ chối LS chỉ định; người đăng ký bào chữa là người đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó; người đăng ký bào chữa là người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng trong vụ án đó. Cạnh đó, người đăng ký bào chữa nếu là người tham gia trong vụ án đó với tư cách là người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật cũng bị từ chối đăng ký bào chữa. Ngoài ra, cơ quan tố tụng từ chối đăng ký bào chữa nếu người đăng ký bào chữa là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xóa án tích; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc...

Nếu được thực thi nghiêm túc, thủ tục đăng ký bào chữa theo BLTTHS (sửa đổi) sẽ giúp người bào chữa dễ tham gia vụ án hơn. Ảnh minh họa: T.TÙNG

Đăng ký là nghĩa vụ của cơ quan tố tụng

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều chuyên gia nhận xét thủ tục đăng ký bào chữa có một số điểm tiến bộ hơn so với thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa: Thứ nhất là rút ngắn thời gian xem xét công nhận tư cách người bào chữa hơn (24 giờ thay vì ba ngày). Thứ hai là văn bản thông báo cho người đăng ký bào chữa (trường hợp chấp nhận đăng ký) có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tố tụng thay vì chỉ có giá trị trong từng giai đoạn tố tụng.

Tuy nhiên, điều mà các chuyên gia vẫn băn khoăn là việc thực thi quy định mới phải làm sao để tránh được tình trạng chỉ khác nhau về tên gọi của thủ tục, chỉ là “bình mới, rượu cũ”.

LS Phan Trung Hoài (Phó Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam) nhận xét: Việc BLTTHS (sửa đổi) chuyển sang thủ tục đăng ký bào chữa là một bước chuyển mang tính đột phá trong quá trình xác lập địa vị pháp lý, vai trò của người bào chữa trong tố tụng hình sự. Về bản chất, thủ tục mới này đã hủy bỏ một rào cản lớn, điểm nghẽn bấy lâu nay gây khó khăn cho hành nghề LS, xóa bỏ cơ chế hành chính xin-cho giữa người bào chữa với các cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng.

Theo LS Hoài, tới đây các cơ quan pháp luật trung ương sẽ có hướng dẫn chi tiết về quy định mới này nhằm đảm bảo đúng tinh thần là không để thủ tục hạn chế quyền con người, quyền công dân vốn đã được hiến định. Với vai trò của mình, Liên đoàn LS và giới LS sẽ sẵn sàng tham gia và có ý kiến chính thức. Tuy nhiên, LS Hoài lưu ý: Về bản chất, văn bản thông báo của cơ quan tố tụng cho người đăng ký bào chữa không phải là thủ tục hành chính mà là nghĩa vụ của cơ quan tố tụng. “Ở nước ngoài, LS tham gia tố tụng chỉ cần thẻ LS và yêu cầu của khách hàng đến đăng ký với cơ quan tố tụng. Sau đó cơ quan tố tụng thông qua mạng online sẽ thông tin cho cơ sở tạm giam, tạm giữ mà không cần giấy tờ nào khác. Ở Việt Nam, trước đây cơ sở giam giữ tuy trực thuộc cơ quan điều tra nhưng không kết nối và số hóa thủ tục tố tụng. Nay Luật Tạm giữ, tạm giam đã tách hai cơ quan này ra nên cơ quan tố tụng có nghĩa vụ phải thông báo cho cơ sở giam giữ về việc có người bào chữa tham gia tố tụng” - LS Hoài nói.

Đồng tình, LS Trương Xuân Tám (Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng nhấn mạnh: “Ý chí của nhà làm luật thông qua quy định mới này là cơ quan tố tụng phải có nghĩa vụ đăng ký bào chữa. Cứ đủ điều kiện về giấy tờ, thời gian và đăng ký đúng trình tự, thủ tục thì người bào chữa phải được tham gia vụ án. Do vậy khi ra văn bản hướng dẫn thực hiện, các cơ quan có thẩm quyền cần phải làm rõ được cái hay của quy định mới này. Nó là một cách “cởi trói” cho giới LS trong việc tham gia vụ án hình sự mà nhiều nước đã thực hiện từ lâu”.

 

Sẽ hết chuyện bị can “từ chối luật sư”?

Khoản 2 Điều 77 BLTTHS (sửa đổi) quy định: Trường hợp người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra có đề nghị từ chối người bào chữa do người thân thích của họ nhờ thì điều tra viên phải cùng người bào chữa đó trực tiếp gặp người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam để xác nhận việc từ chối.

Theo LS Phan Trung Hoài và LS Nguyễn Thế Phong (Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Long An), quy định trên cũng là một bước tiến lớn nữa nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình tham gia tố tụng của người bào chữa mà trước đó Liên đoàn LS đã kiến nghị. Bởi lẽ rất nhiều trường hợp, các LS đã bị cơ quan điều tra từ chối cấp giấy chứng nhận bào chữa với lý do bị can (bị tạm giam) “từ chối LS”, trong khi LS lại không được vào cơ sở giam giữ để trực tiếp tìm hiểu ý chí của bị can. Điều này trái với lẽ thường bởi bất cứ ai gặp phải rắc rối cũng muốn có người bảo vệ mình. Điều tréo ngoe là cũng chính những bị can từng “từ chối LS” trong giai đoạn điều tra ấy, đến khi vụ án chuyển sang giai đoạn truy tố hoặc xét xử thì lại sẵn sàng mời LS bảo vệ mình.

Sự tiến bộ được số đông ủng hộ

Trước đây, trong quá trình thảo luận về dự thảo BLTTHS (sửa đổi), do các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) còn ý kiến khác nhau về việc bỏ hay giữ quy định cấp giấy đăng ký người bào chữa nên Ủy ban Thường vụ QH đã tổ chức lấy phiếu xin ý kiến. Kết quả là có 59,10% ý kiến của ĐBQH đề nghị bỏ, chỉ có 21,86% ý kiến đề nghị giữ.

Tiếp thu đa số ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉnh lý dự thảo theo hướng bỏ việc cấp giấy đăng ký người bào chữa, thay bằng quy định đăng ký bào chữa để đơn giản hóa thủ tục xác nhận tư cách tham gia tố tụng của người bào chữa.

Nguồn: http://phapluattp.vn/


Written : thanhtuyen

Search date :    

Go Top
Đăng ký tư vấn
Công ty luật FUJILAW