Pháp luật chuyên chở quyền con người
Năm 2015, Quốc hội đã thông qua hàng loạt đạo luật (cả mới và sửa đổi) trong đó có nhiều điều luật điều chỉnh lại một số quan hệ xã hội, từ dân sự đến hình sự, theo hướng tôn trọng và bảo vệ quyền công dân, quyền con người.
Từ dân sự...
Hai “luật mẹ” trong quan hệ dân sự là Bộ luật Dân sự (2015) và Bộ luật Tố tụng dân sự (2015) vừa được Quốc hội thông qua có một vài thay đổi cơ bản trong nhận thức về quyền công dân, quyền con người so với quy định hiện hành.
Đó là, Bộ luật Dân sự mới đã thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính của công dân, khi quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của bộ luật này và luật khác có liên quan”.
Trong khi Bộ luật Tố tụng dân sự mới không cho phép tòa án từ chối giải quyết vụ việc dân sự. Cụ thể: “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”; đồng thời giải thích rõ: vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là vụ việc thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc đó phát sinh chưa có điều luật để áp dụng.
Như vậy, cho dù vụ việc chưa có điều luật để áp dụng thì cơ quan, tổ chức, cá nhân vẫn có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại tòa án có thẩm quyền - để tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác. Theo luật, khi đó, tòa án sẽ áp dụng “tập quán”, “pháp luật tương tự” và “lẽ công bằng” để giải quyết.
Ngoài ra, quyền công dân đặc biệt được coi trọng khi Quốc hội thông qua Luật Trưng cầu ý dân - một đạo luật hoàn toàn mới - quy định về việc Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân để cử tri trực tiếp biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Theo luật này, từ ngày 1-7-2016, công dân đủ 18 tuổi trở lên sẽ được bỏ phiếu [khi Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân] để bày tỏ chính kiến của mình về: (i) Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; (ii) Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của quốc gia; (iii) Vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến quốc kế dân sinh; và (iv) Vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.
Thậm chí, cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc... vẫn được bỏ phiếu trưng cầu dân ý. Theo luật, cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ khi có ít nhất ba phần tư tổng số cử tri đi bỏ phiếu. Nội dung trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành có giá trị thi hành. Và, căn cứ vào kết quả trưng cầu ý dân, Quốc hội quyết định các biện pháp cần thiết để bảo đảm thực hiện kết quả trưng cầu ý dân.
...đến hình sự
Không chỉ pháp luật về dân sự thay đổi theo hướng bảo vệ quyền công dân, quyền con người mà pháp luật về hình sự cũng vậy. Bộ luật Hình sự (2015) và Bộ luật Tố tụng hình sự (2015) - hai “luật mẹ” trong quan hệ hình sự - vừa được Quốc hội thông qua đã cho thấy điều đó.
Cụ thể, Bộ luật Hình sự mới đã loại bỏ bảy tội danh có hình phạt tử hình được quy định trong luật hiện hành. Đó là: tội cướp tài sản; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; tội tàng trữ trái phép chất ma túy; tội chiếm đoạt chất ma túy; tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; tội chống mệnh lệnh và tội đầu hàng địch.
Và điểm đáng chú ý trong quy định của Bộ luật Hình sự 2015, đó là phần lớn các tội danh thuộc lĩnh vực kinh tế được áp dụng hình phạt chính là hình phạt tiền (thay vì là hình phạt tù như luật hiện hành), kể cả tội phạm rất nghiêm trọng.
“Với định hướng giảm khả năng áp dụng hình phạt tù, mở rộng phạm vi áp dụng các hình phạt không mang tính giam giữ; hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt tử hình; mở rộng phạm vi áp dụng chế định loại trừ trách nhiệm hình sự... Bộ luật Hình sự mới sẽ giúp bảo vệ sự an toàn và an ninh cho người dân Việt Nam, cũng như tăng cường sự ổn định của một xã hội pháp trị”, bà Louise Chamberlain, Giám đốc Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam, nhận định.
Đặc biệt, Bộ luật Tố tụng mới này đã cơ bản công nhận quyền im lặng, khi quy định: “Người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”. Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng, luật quy định như thế sẽ bảo vệ tốt hơn quyền công dân, quyền con người; đồng thời sẽ hạn chế được các vụ án oan sai.
Bên cạnh quy định tiến bộ về quyền im lặng thì Bộ luật Tố tụng hình sự cũng giải tỏa được những bất cập trong quy trình tố tụng hiện nay. Cụ thể, quyền bào chữa của người bị buộc tội được làm rõ hơn quy định cũ, đó là: “Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thực hiện đầy đủ quyền bào chữa, quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định”.
Luật mới cũng đã cho phép người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, hoặc từ khi có quyết định tạm giữ. “Đây là quy định hết sức tiến bộ, phù hợp với thế giới, tạo điều kiện cho người bị bắt có luật sư ngay từ đầu”, luật sư Hưng nói.
Ngoài ra, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 cũng quy định khá rõ ràng về quyền được bào chữa của bị can. Theo đó, “trường hợp người bị bắt, bị tạm giữ, bị tạm giam không nêu đích danh người bào chữa thì trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được đơn yêu cầu nhờ người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị bắt, bị tạm giữ, bị tạm giam phải chuyển đơn này cho người đại diện hoặc người thân thích của họ để những người này nhờ người bào chữa”.
Chưa hết, ngoài việc sửa đổi Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Tạm giữ, tạm giam cũng nhằm mục đích bảo vệ quyền con người. Cụ thể, luật này quy định người bị tạm giữ, tạm giam có quyền được bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy của cơ sở giam giữ; thực hiện quyền bầu cử theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân, quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân theo quy định của Luật Trưng cầu ý dân.
Người bị tạm giữ, người bị tạm giam còn được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần, gửi, nhận thư, nhận quà, nhận sách, báo và tài liệu; gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự; được hướng dẫn, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa, trợ giúp pháp lý.
Ngoài ra, những người này được gặp người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự; yêu cầu trả tự do khi hết thời hạn tạm giữ, thời hạn tạm giam; khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật; được bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nếu bị giam, giữ trái pháp luật.
Luật cũng quy định cấm các hành vi tra tấn, truy bức, dùng nhục hình, các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hoặc bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
Các hành vi khác cũng bị nghiêm cấm như giam giữ người trái pháp luật; trả tự do trái pháp luật người bị tạm giữ, người bị tạm giam; vi phạm quy định trong việc quản lý, canh gác, áp giải người bị tạm giữ, người bị tạm giam; cản trở người bị tạm giữ, người bị tạm giam thực hiện quyền thăm gặp thân nhân, thực hiện quyền bào chữa, được trợ giúp pháp lý, tiếp xúc lãnh sự, khiếu nại, tố cáo, quyền con người, quyền và nghĩa vụ khác của công dân...
Và, để hạn chế việc ép cung, nhục hình, luật này cũng quy định tách các cơ sở giam giữ thuộc Bộ Công an để tổ chức độc lập với cơ quan điều tra và giao cho một phó tổng cục trưởng không phải là thủ trưởng cơ quan điều tra phụ trách. Bộ trưởng Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Quốc hội về công tác tạm giữ, tạm giam.
Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/