Video

Văn phòng Thừa phát lại

Thống kê
Vistited  
Online  

Ngành tư pháp góp phần nâng cao quyền con người

Friday, 08/01/2016, 15:18 GMT+7

Ngành tư pháp góp phần nâng cao quyền con người

Với nhiều kết quả nổi bật trong năm 2015, ngành tư pháp đóng góp rất lớn trong việc bảo vệ, bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp.

Hôm nay (8-1) Bộ Tư pháp sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tư pháp năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016. Pháp Luật TP.HCM trao đổi với ông Trương Trọng NghĩaỦy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, để có cái nhìn tương đối khách quan về một năm hoạt động của ngành tư pháp.

Theo ông Trương Trọng Nghĩa, năm qua ngành tư pháp đã có nhiều đóng góp nổi bật trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Góp công cả lập pháp và hành pháp

. Phóng viên: Một cách khái quát nhất, ông đánh giá thế nào về việc bảo vệ quyền con người với nhiệm vụ lập pháp, xây dựng pháp luật của Bộ Tư pháp trong năm qua?

+ Ông Trương Trọng Nghĩa: Chúng ta đã biết quyền con người trong Hiến pháp 2013 được quy định cụ thể, rõ ràng và đặt trang trọng tại Chương II - Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (trước đây là chương Quyền và nghĩa vụ của công dân). Bộ Tư pháp đã đóng góp lớn về chủ đề này khi tham gia soạn thảo dự thảo về Hiến pháp. Các sở Tư pháp địa phương thì tham gia vào quá trình góp ý, lấy ý kiến, tuyên truyền phổ biến các quy định tiến bộ liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân.

Sau khi Hiến pháp có hiệu lực, Bộ Tư pháp lại trực tiếp chủ trì hoặc tham gia soạn thảo một số bộ luật, luật để cụ thể hóa quyền con người. Tại kỳ họp thứ 10 vừa qua, Quốc hội đã thông qua hơn 10 đạo luật thể chế hóa quyền con người như: BLDS sửa đổi, BLTTHS sửa đổi, BLHS sửa đổi, Luật Hộ tịch, Luật Trưng cầu ý dân… Điều này đủ để thấy rằng công sức đóng góp của ngành tư pháp nói chung với công việc lập pháp khá lớn và có chất lượng.

. Thế còn việc thể hiện cụ thể quyền con người, quyền công dân trong thực tế đời sống thông qua nhiệm vụ hành pháp của ngành tư pháp thì sao, thưa ông?

+ Có thể nói tư pháp là một ngành phải “ôm” một khối lượng công việc lớn và mang tính chất quan trọng, liên quan sát sườn đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Các vấn đề liên quan đến hộ tịch như ly hôn, kết hôn, khai sinh, khai tử, thay đổi tên họ… liên quan trực tiếp tới quyền của người dân. Hoạt động bổ trợ tư pháp như thừa phát lại, tư vấn pháp luật…, luôn gắn người dân, thúc đẩy các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại hướng tới quyền tự do thỏa thuận, tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Công việc thực hiện quyền tư pháp như thi hành án, công chứng, chứng thực… thì đảm bảo quyền về khởi kiện, quyền về tài sản của cá nhân, tổ chức.

Tựu chung lại có thể thấy công việc vật chất hằng ngày của ngành tư pháp không xa vời sách vở mà luôn gắn bó mật thiết với quyền con người. Đảm bảo được bộ máy làm việc của mình một cách thông suốt, giải quyết công việc trôi chảy là đã góp phần thể chế hóa quyền con người sinh động nhất.

Thừa phát lại là một chế định bổ trợ tư pháp hữu ích cho người dân. Trong ảnh: Thừa phát lại phối hợp với thi hành án cưỡng chế kê biên tài sản. Ảnh: THANH TÙNG

Gắn bó mật thiết với cơ quan dân cử

. “Thổi còi” các quy định bất cập, giám sát các vi phạm về hành chính, tham gia việc giám sát oan sai trong tố tụng… cũng là nhiệm vụ của ngành tư pháp. Chắc hẳn đây cũng là những công việc nhằm hoàn thiện và nâng cao quyền và nghĩa vụ của người dân, thưa ông?

+ Đúng là như vậy! Việc ngành tư pháp tham gia sâu vào công tác kiểm tra, giám sát các vi phạm về hành chính, oan sai, khiếu tố, khiếu nại… đảm bảo công tác hành pháp của các cơ quan khác đúng pháp luật. Bộ Tư pháp cũng thường xuyên tham gia các giải trình, báo cáo trước Quốc hội, xây dựng báo cáo về việc chấp hành pháp luật của bộ, ngành khác. Đây là công việc khó nhưng thể hiện sự gắn bó mật thiết với cơ quan dân cử, hỗ trợ nhau trong việc giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài.

Là người theo dõi khá kỹ các hoạt động của đất nước, ngành tư pháp nói chung còn có mặt hạn chế nào, theo quan sát của ông?

+ Công tác thi hành án còn tồn đọng do nhiều lý do, trong đó khách quan về tổ chức bộ máy khi thi hành án là người phải làm nhưng không được phán quyết, trong khi tòa chỉ phán quyết mà không cần biết thi hành thế nào. Ngoài ra trong công tác quản lý nhà nước đối với đội ngũ luật sư của Bộ Tư pháp cũng còn thể hiện nhiều tư duy hành chính…

. Xin cám ơn ông.

 

Những kết quả nổi bật của Sở Tư pháp TP.HCM năm 2015

Trong năm 2015, Sở Tư pháp TP.HCM đã góp phần xứng đáng cùng chính quyền TP trong việc bảo vệ, bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Trần Văn Bảy cho hay trong năm qua, Sở Tư pháp TP đã tập trung tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng tinh thần, nội dung, ý nghĩa Hiến pháp năm 2013 đến cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhân dân và người dân trên địa bàn TP. Trọng tâm là các nội dung có liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; trách nhiệm của Nhà nước và mỗi người dân trong việc thi hành và bảo vệ Hiến pháp. Đồng thời, Sở Tư pháp cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn và trực tiếp phổ biến nhiều đạo luật quan trọng có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp bằng những hình thức thích hợp, thiết thực, hiệu quả. Trong năm, toàn TP đã tổ chức được 31.408 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho 2.228.925 lượt người; tổ chức 849 cuộc thi pháp luật; phát hành hàng triệu tài liệu tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân.

Bên cạnh đó, Sở đã tích cực tham mưu cho UBND TP ban hành chương trình lập quy năm 2015, kết quả thực hiện chương trình lập quy đạt 93,6% theo kế hoạch… Sở đã tư vấn pháp lý 165 vụ việc theo chỉ đạo của UBND TP và đề nghị của các cơ quan. Hầu hết các vụ việc tư vấn do Sở Tư pháp tham mưu có tính phức tạp cao, chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai, chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng, cưỡng chế thu hồi đất và lĩnh vực đầu tư. “Các ý kiến tư vấn giải quyết vụ việc của Sở Tư pháp đã góp phần tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý, qua đó bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp” - ông Bảy nói.

Một kết quả nổi bật khác trong năm 2015 là Sở Tư pháp đã triển khai thực hiện tốt thỏa thuận phối hợp xác minh thông tin theo giải pháp “kiềng ba chân” nhằm đẩy nhanh tiến độ tra cứu, xác minh hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp đối với công dân qua nhiều nơi cư trú, công dân Việt Nam định cư nước ngoài, người nước ngoài cư trú tại TP.HCM, đưa kết quả hồ sơ lý lịch tư pháp trễ hẹn dưới 3%. Sở Tư pháp cũng đã tham mưu UBND TP triển khai “Đề án thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến tại TP.HCM”. Với phương thức mới này, đã từng bước giải quyết triệt để tình trạng quá tải trong cấp phiếu lý lịch tư pháp hiện nay, tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc của người dân, mang lại sự hài lòng về chất lượng dịch vụ (trong năm 2015, Sở Tư pháp đã tiếp nhận và giải quyết 45.566 yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp).

Cùng đó, Sở Tư pháp cũng đã tham mưu cho TP triển khai thực hiện thành công công tác thí điểm chế định thừa phát lại. Có thể nói thừa phát lại đã trở thành một trợ thủ pháp lý đắc lực cho người dân TP…

T.TÙNG ghi

Nguồn: http://phapluattp.vn/


Written : thanhtuyen

Search date :    

Go Top
Đăng ký tư vấn
Công ty luật FUJILAW