Video

Văn phòng Thừa phát lại

Thống kê
Vistited  
Online  

Ngành tư pháp giúp gỡ rối thủ tục cho dân

Friday, 06/01/2017, 08:16 GMT+7

Ngành tư pháp giúp gỡ rối thủ tục cho dân

(PL)- Thay vì phải tìm đọc rất nhiều văn bản pháp luật liên quan thì người dân chỉ cần đọc một bộ thủ tục hành chính do TP ban hành sẽ làm được ngay việc của mình.

Hôm nay (6-1), Sở Tư pháp TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác ngành tư pháp TP năm 2016. Một trong những điểm nổi bật là trong năm 2016, Sở Tư pháp TP.HCM phối hợp với các sở, ban ngành đã thống kê, rà soát khoảng 1.500 thủ tục hành chính (TTHC) để xây dựng dự thảo trình UBND TP.HCM công bố các thủ tục này.

Đến nay chủ tịch UBND TP đã ban hành 26 quyết định công bố 1.003 thủ tục (cấp tỉnh 694 thủ tục, cấp huyện 125 thủ tục, cấp xã 78 thủ tục và cơ quan khác là 106 thủ tục). Còn 400 thủ tục đang được hoàn chỉnh để trình chủ tịch UBND TP.

Lợi từ dân đến cán bộ

Người dân muốn làm TTHC liên quan đến cá nhân, gia đình họ như khai sinh, khai tử, kết hôn, hộ khẩu, giấy tờ nhà đất… cần biết hồ sơ gồm những giấy tờ gì, nộp ở đâu, bao lâu có kết quả, nộp thuế, phí ra sao…

Để thực hiện đúng các thủ tục thì người dân phải tìm hiểu rất nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Ví dụ như để  làm thủ tục cấp giấy tờ nhà đất thì phải tìm đọc hết các quy định liên quan từ Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Công chứng, nghị định, thông tư hướng dẫn…

Với cẩm nang TTHC do TP công bố, họ chỉ cần đọc nó là có thể hiểu, biết, làm được ngay.

Bộ TTHC này có thể xem là bản gộp của tất cả văn bản pháp luật liên quan về cùng một lĩnh vực.

Ví dụ như ngày 25-10-2016, chủ tịch UBND TP.HCM ban hành quyết định công bố TTHC thuộc phạm vi chức năng của Sở Xây dựng được chuẩn hóa tại TP.HCM. Công bố kèm theo quyết định này là 14 TTHC trong lĩnh vực cấp giấy phép xây dựng. Cụ thể đối tượng, thành phần hồ sơ, nộp và nhận hồ sơ ở đâu, thời gian nào, các bước thực hiện…

Ngành tư pháp giúp  gỡ rối thủ tục cho dân - ảnh 1
Người dân làm thủ tục hành chính tại Sở Tư pháp TP.HCM. Ảnh: HTD

Nhờ đó, người dân dễ tiếp cận, dễ thực hiện, chi phí thấp. Đồng thời, họ cũng dựa vào cẩm nang này để giám sát việc thực hiện công việc TTHC của cán bộ, công chức (có đúng quy trình, thành phần hồ sơ, thời gian…).

Còn công chức thì căn cứ vào bộ TTHC để làm cơ sở tiếp nhận hồ sơ (đủ giấy tờ hay không, đúng đối tượng chưa, cần bổ sung giấy tờ nào…), thực hiện các giải pháp cần thiết khác để xử lý, giải quyết TTHC cho người dân đúng pháp luật, hạn định.

Việc chuẩn hóa TTHC cũng nhằm kịp thời điều chỉnh, bãi bỏ những văn bản hết hiệu lực, cập nhật những quy định mới hình thành nên một bộ thủ tục đúng theo quy định pháp luật. Điều này thuận lợi cho người dân và tiện cho cán bộ quản lý, thực hiện.

Bị “hành” cứ “méc”

“Alô, cô ơi! Tôi đi chứng thực giấy tờ ở phường X, quận Y mà không lãnh đạo nào ký hết. Họ kêu chiều quay lại, cô coi sao chứ họp thì cũng phải có người ký chứ?...”.

Đó là một trong nhiều cuộc điện thoại của người dân đến Phòng Kiểm soát TTHC - Sở Tư pháp TP.HCM trong năm 2016. Sau khi tiếp nhận điện thoại, cán bộ Sở liên hệ ngay với lãnh đạo UBND phường tìm hiểu để giải quyết cho người dân. Bởi lẽ về nguyên tắc thì UBND có họp cũng phải phân công lãnh đạo trực để giải quyết hồ sơ hành chính cho dân.

Người dân có thể phản ánh, kiến nghị về TTHC tại Phòng Kiểm soát TTHC (Sở Tư pháp TP.HCM) qua bốn kênh: trực tiếp, đơn thư, điện thoại, email. Phòng đã tiếp nhận và xử lý 203 phản ánh, kiến nghị của người dân, chủ yếu là phản ánh về hồ sơ hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai. Trong đó, qua điện thoại 71 trường hợp (chiếm gần 35%); email có 73 trường hợp (chiếm hơn 35%); trực tiếp 13 trường hợp (chiếm gần 7%); văn bản có 47 đơn, thư (chiếm hơn 23%).

Xử lý nghiêm việc để hồ sơ trễ hạn

Mục tiêu của cải cách TTHC là “TTHC liên quan đến cá nhân, tổ chức được cải cách cơ bản theo hướng gọn nhẹ, đơn giản; mỗi năm đều có tỉ lệ giảm chi phí mà cá nhân, tổ chức phải bỏ ra khi giải quyết TTHC tại cơ quan hành chính nhà nước.

Bám sát mục tiêu trên, TP luôn chủ động áp dụng các giải pháp chấn chỉnh, tăng cường hiệu quả công tác cải cách TTHC, đặc biệt là trong công tác tổ chức tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả cho người dân, đồng thời đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước trong giải quyết TTHC. Một trong những giải pháp là vừa qua chủ tịch UBND TP đã ban hành quy định về thư xin lỗi đối với trường hợp giải quyết TTHC trễ hạn trên địa bàn.

Ngoài ra, để hạn chế tình trạng giải quyết hồ sơ TTHC trễ hạn thì tại mỗi cơ quan, đơn vị giải quyết TTHC phải có cơ chế kiểm soát việc thực hiện TTHC. Phải có những giải pháp hiệu quả để kéo giảm tỉ lệ hồ sơ giải quyết trễ hạn; xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức giải quyết TTHC trễ hạn kéo dài mà không có lý do chính đáng.

 PHAN THỊ BÌNH THUẬN
Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM

_____________________________

Người dân có phản ánh về thủ tục hành chính có thể liên hệ:

Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính - Sở Tư pháp TP.HCM, 141-143 Pasteur, phường 6, quận 3. Điện thoại: (08) 38.230.436. Fax: (08) 38.243.155. Email: thutuchanhchinh.stp@tphcm.gov.vn

Sở Tư pháp là đơn vị tham mưu cho UBND TP ban hành Quyết định 5157 ngày 30-9-2016 của chủ tịch UBND TP về thư xin lỗi. Theo đó, người đứng đầu cơ quan, đơn vị giải quyết trễ hẹn hồ sơ hành chính phải ban hành thư xin lỗi kịp thời, nêu rõ lý do chưa có kết quả và hẹn ngày trả kết quả lần sau gửi đến cá nhân, tổ chức bị trễ hẹn hồ sơ.

 

(Nguồn: http://plo.vn/)


Written : letramy

Search date :    

Go Top
Đăng ký tư vấn
Công ty luật FUJILAW