Mở rộng phạm vi lập vi bằng của Thừa phát lại
Dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động Thừa phát lại đang được Bộ Tư pháp đưa ra lấy ý kiến.
Một trong những nội dung đáng chú ý của Dự thảo là mở rộng phạm vi lập vi bằng ra ngoài tỉnh, TP, nơi đặt văn phòng Thừa phát lại.
Theo đó, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tổ chức đào tạo nghề Thừa phát lại một cách bài bản. Các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề cũng sẽ được nâng cao; năng lực, trình độ của Thừa phát lại sẽ ngày càng đáp ứng được yêu cầu về chức năng, nhiệm vụ. Việc mở rộng địa bàn lập vi bằng của Thừa phát lại là phù hợp và nhằm tạo điều kiện để tăng nguồn thu cho các văn phòng, đáp ứng nhu cầu lập vi bằng của cá nhân, tổ chức cả ở các tỉnh, TP chưa thực hiện chế định Thừa phát lại.
Đối với hoạt động công chứng các loại hợp đồng, giao dịch về bất động sản mới bị giới hạn trong phạm vi tỉnh, TP, nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở. Đối với các loại giao dịch về bất động sản thì công chứng viên không bị hạn chế công chứng về di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản. Hoạt động lập vi bằng của Thừa phát lại rất đa dạng về sự kiện, hành vi trên thực tế, có những sự kiện diễn ra từ tỉnh, TP này sang tỉnh, TP khác. Việc mở rộng phạm vi lập vi bằng ra ngoài tỉnh, TP nơi văn phòng đặt trụ sở là phù hợp. Việc mở rộng phạm vi lập vi bằng của Thừa phát lại sẽ tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức được quyền lựa chọn văn phòng Thừa phát lại phục vụ cho nhu cầu của mình. Các văn phòng Thừa phát lại cũng cần thiết xây dựng thương hiệu cạnh tranh lành mạnh; nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ.
(Nguồn: http://www.baomoi.com/)