Theo Bộ Tư lệnh phòng không không quân, chiếc MiG 21 nổ khi bay diễn tập trên vùng trời Bình Định sáng 29/5, được Liên Xô viện trợ từ những năm 1980. Người lái là đại úy Tùng, giáo viên huấn luyện bay, Đoàn không quân C40. Phi công này có kinh nghiệm hơn 600 giờ bay.
|
Một chiếc MiG 21 đang hoạt động tại châu Âu. Ảnh: Wikipedia. |
Qua điều tra ban đầu, nguyên nhân sự cố là do trục trặc động cơ. Sau khi phát hiện máy bay rung lắc, hệ thống điều khiển ngừng hoạt động, kim đồng hồ dầu nhờn về vị trí 0, đại úy Tùng đã xin phép nhảy dù và chỉ huy dưới mặt đất đồng ý. Tốp bay tập hôm đó gồm 2 máy bay.
"Khi động cơ không có dầu nhờn có nghĩa là không còn làm việc. Phi công bay phía sau cũng phát hiện khói từ chiếc MiG21 của đồng chí Tùng lái. Sau khi nhảy dù phi công đã an toàn, còn máy bay rơi vào rừng bạch đàn, xa khu dân cư nên không gây thiệt hại", một lãnh đạo Bộ Tư lệnh phòng không không quân cho biết.
Trước đó, trả lời báo chí Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết, không quân là quân chủng yêu cầu kỹ thuật cao và có nhiều yếu tố rủi ro không thể lường trước. Ngoài ra, một số trang thiết bị quân sự cũng lạc hậu nên có những lúc rủi ro.
"Những quốc gia phát triển, thậm chí sản xuất máy bay chiến đấu hiện đại vẫn có những vụ tai nạn khi huấn luyện. Tỷ lệ tai nạn máy bay khi huấn luyện ở Việt Nam là thấp so với các nước trên thế giới", ông Thanh nói.
Theo Bộ Tư lệnh phòng không không quân, để phòng tránh những sự cố, ngoài việc làm tốt công tác huấn luyện, bảo dưỡng máy bay, đơn vị này đã mua máy siêu âm kiểm tra an toàn động cơ.
|
Mũi chiếc MiG 21 còn sót lại tại hiện trường. Ảnh: Hằng Nga – Minh Thảo |
Sáng 29/5, máy bay MiG 21 thuộc Đoàn không quân C40, sân bay Phù Cát, bất ngờ phát nổ trong lúc đang bay diễn tập trên vùng trời huyện An Nhơn (Bình Định). Phi công đã kịp bung dù nhảy ra khỏi máy bay và rơi trúng vào mái nhà một người dân, bị kính cửa cắt vào bắp chân. Vụ tai nạn xảy ra cách xa khu dân cư nên không gây thiệt hại đáng kể cho dân.