Mạng xã hội - chốn ‘thanh trừng’ độc ác
Nạn nhân có nhờ pháp luật can thiệp được không? Có. Vẫn có thể chụp lại chứng cứ, nhờ thừa phát lại lập vi bằng rồi nhờ cơ quan chức năng can thiệp hay kiện ra tòa vì hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm, vu khống người khác… Nhưng ai không biết “vô phúc đáo tụng đình”, được vạ thì má đã sưng?! Vậy là đa phần người ta chọn cách im lặng. Ai không chịu đựng nổi thì chọn cách tiêu cực, như em gái ở Đồng Nai...
Tôi vừa xem bộ phim Thanh trừng của Mỹ. Nội dung là một câu chuyện giả tưởng về một ngày đặc biệt được tổ chức thường niên ở Mỹ.
Từ 7 giờ tối đến 7 giờ sáng, nước Mỹ sẽ trong tình trạng vô chính phủ. Trong thời gian này, người ta được phép trả thù người mà mình căm ghét, giết những người mà mình cho rằng không xứng đáng sống mà không bị xem là có tội. Mục đích của đêm thanh trừng là để người ta giải tỏa những uẩn ức, để đòi lại lẽ công bằng và từ đó xã hội sẽ bớt tội ác mà tốt đẹp hơn. Trong quãng thời gian này không có sự can thiệp của cảnh sát, y tế, cứu hỏa. Nhưng rồi điều gì xảy ra?
Những người yếu ớt, người nghèo khổ, người bị hiểu lầm trở thành nạn nhân trong đêm thanh trừng. Những kẻ mạnh hơn, độc ác hơn, giàu có hơn… càng có thêm cơ hội bộc lộ sự tàn nhẫn: Họ giết bất kỳ ai trên đường mà chẳng cần nguyên nhân hay có thù oán trước đây.
“Một bộ phim điên rồ, một ý tưởng thật đáng sợ” - tôi đã nghĩ như vậy. Thế nhưng nhìn lại, mạng xã hội có lúc thật sự chẳng khác gì đêm hội thanh trừng trong bộ phim ấy. Hội thanh trừng chỉ được diễn ra trong 12 tiếng, chỉ mất kiểm soát an ninh trong 12 tiếng. Nhưng mạng xã hội thì chẳng giới hạn về thời gian! Giết người bằng dao, súng và giết người bằng câu chữ có gì khác nhau?!
Chắc sẽ có người nói tôi ví von quá đáng, rằng tôi phủ nhận những lợi ích lớn lao của mạng xã hội, tôi đi ngược lại bánh xe phát triển và đẩy lùi dân chủ.
Bạn của tôi nhận xét rằng từ khi có mạng xã hội, con người ta được giải phóng mình hơn bao giờ hết. Không sai. Chưa khi nào mà người ta được thoải mái bộc lộ mình như khi có mạng xã hội. Người ta được tự do bày tỏ những gì mình nghĩ, mình biết, được tương tác với nhiều người một cách dễ dàng, không giới hạn.
Nếu chỉ có những câu chuyện đẹp đẽ như vậy thì tuyệt quá! Nhưng không ít lần chúng ta rùng mình, phẫn nộ pha lẫn sợ hãi mặt trái của mạng xã hội bởi những người cho mình cái quyền “thanh trừng” người khác từ bàn phím. Những câu chữ, hình ảnh xúc phạm, nhục mạ người khác được thể hiện thoải mái trên mạng xã hội mà chẳng cần nguyên nhân. Bởi “ta đây là thần công lý, đang đấu tranh cho lẽ phải, đang cứu vớt những người yếu đuối thấp cổ bé miệng”. Lạ lùng thay, không ít người dường như chỉ chờ có ai đó chửi rủa người khác là nhào tới ủng hộ, là dẫn link về, là share link cho người khác. Một động lực khiến “anh hùng bàn phím” càng hào hứng lấn tới.
Em bé phải uống thuốc tự tử ở Đồng Nai vì bị bạn trai tung clip riêng tư gây tội với ai? Nhưng trên mạng xã hội, người ta mắng chửi, nguyền rủa em chết đi, thay vì nắm tay, che chắn bảo vệ em trong lúc em khủng hoảng tinh thần.
Bạn nói bạn phẫn nộ trước bất công nên cần lên tiếng trước bàn dân thiên hạ. Bạn nói kẻ xấu thì cần bị phơi bày cho nhiều người biết rõ bộ mặt. Hay đơn giản hơn, bạn viết trong lúc tức giận cho hả dạ. Nhưng bạn có dám bảo đảm bạn đã viết đầy đủ câu chuyện không, hay chỉ cắt xén, nói những điều bạn muốn? Những điều bạn nói là sự thật ư? Xin thưa, sự thật cũng có nhiều phiên bản, mà hễ cái gì đã qua suy nghĩ của con người thì tự nó đã trở thành chủ quan rồi. Bạn biết được bao nhiêu sự thật hay chỉ tin vào phiên bản mà bạn thích? Và giả sử là sự thật đi nữa thì bạn có quyền nhục mạ, phán xét người khác trước bàn dân thiên hạ vậy sao? Và bạn có phải là “thần công lý” khi mà nạn nhân không có cơ hội để thanh minh hoặc càng thanh minh thì càng “giãy chết” trong chủ ý của bạn?
Nạn nhân có nhờ pháp luật can thiệp được không? Có. Vẫn có thể chụp lại chứng cứ, nhờ thừa phát lại lập vi bằng rồi nhờ cơ quan chức năng can thiệp hay kiện ra tòa vì hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm, vu khống người khác… Nhưng ai không biết “vô phúc đáo tụng đình”, được vạ thì má đã sưng?! Vậy là đa phần người ta chọn cách im lặng. Ai không chịu đựng nổi thì chọn cách tiêu cực, như em gái ở Đồng Nai...
Bạn nói bạn chỉ viết trên trang của bạn, trên “nhà” của bạn nên bạn muốn làm gì thì làm? Bạn nói bạn chỉ nói vu vơ không đích danh ai? Nhưng làm sao “người trong cuộc” có thể lờ đi ám chỉ ác độc của bạn?! Bạn nói bạn lỡ lời, bạn xóa đi là xong? Xin đừng vô trách nhiệm như vậy, vì bạn thừa hiểu rõ nhất bạn không chỉ viết riêng cho riêng bạn mà cho nhiều người cùng đọc, cùng share để lan tỏa.
Nếu bạn từng một lần là nạn nhân của mạng xã hội, bạn sẽ hiểu cảm giác đau đớn khi không thể thanh minh, giãi bày. Khen một người sai cũng không sao nhưng xúc phạm một người là bạn có thể giết oan họ.
Đừng để cái tốt của bạn còn độc ác hơn cái xấu! Đừng biến mạng xã hội thành một “đêm thanh trừng” để cái ác lên ngôi.
(Nguồn: NGUYỄN HÀ CẨM TÚ, PLO Chủ nhật)