Video

Văn phòng Thừa phát lại

Thống kê
Vistited  
Online  

Làm thế nào để Vi bằng được chấp nhận?

Vi bằng có giá trị chứng cứ đối với những sự kiện, hành vi mà nó ghi nhận, phản ánh trong đó. Còn việc vi bằng có giá trị chứng cứ chứng minh cho một vụ tranh chấp cụ thể hay không thì phải xem Thừa phát lại ghi nhận cái gì trong vi bằng.
Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh quy định “Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác”
Hình. Vi bằng ghi nhận việc chiếm giữ nhà đất trái phép
Hình 1. TPL quận 5 (TP.HCM) đang đo đạc lập vi bằng hiện trạng nhà.
(Ảnh: TIẾN HIỂU Pháp luật TP)
Tuy nhiên, muốn được Tòa án xem là chứng cứ trong một vụ tranh chấp thì vi bằng phải đáp ứng một số điều kiện nhất định:
-        Vi bằng phải thể hiện chính xác, khách quan sự kiện hành vi xảy ra.
-      Vi bằng phải bám sát nội dung và yêu cầu của khách hàng. Không lập vi bằng đối với những sự kiện, hành vi ngoài yêu cầu của khách hàng.
Nếu thiếu hai điều kiện cơ bản nêu trên thì khả năng vi bằng không được Hội đồng xét xử chấp nhận làm chứng cứ chứng minh cho đối tượng tranh chấp trong vụ việc là rất cao. Ví dụ, khách hàng đến Văn phòng Thừa phát lại và trình bày rằng căn nhà số 139, Đường 3/2, Phường 11 Quận 10, TP.HCM mà họ đang sở hữu, bỗng dưng bị người khác chiếm giữ trái phép. Khách hàng này muốn Văn phòng Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận hiện trạng căn nhà của mình đang chiếm giữ trái phép để kiện bên chiếm giữ trái phép đó ra Tòa. Thừa phát lại đã lập vi bằng ghi nhận những nội dung cơ bản sau:
-        Căn nhà số 139, Đường 3/2, Phường 11 Quận 10, TP.HCM bao gồm 1 trệt hai lầu.
-      Tại thời điểm Thừa phát lại lập vi bằng có các ông Nguyễn Văn A, Lê Minh B đang ở trong nhà.
-       Ông Nguyễn Văn A, ông Lê Minh B cho biết tầng trệt căn nhà được dùng để buôn bán thiết bị điện tử, 2 tầng lầu được dùng để ở.
-       Thừa phát lại yêu cầu 2 ông xuất trình chứng minh nhân dân thì 2 ông xuất trình và Thừa phát lại ghi nhận lại thông tin chứng minh nhân dân của 2 người.
Vi bằng được lập như trên là chưa bám sát với nội dung yêu cầu của khách hàng và chắc chắn khi khách hàng xuất trình vi bằng cho Hội đồng xét xử trong vụ kiện chiếm giữ nhà trái phép thì sẽ bị Hội đồng xét xử bác. Vì sao? Yêu cầu của khách hàng là lập vi bằng ghi nhận hành vi chiếm giữ nhà  trái phép nhưng tại thời điểm lâp vi bằng Thừa phát lại đã không yêu cầu ông A và ông B xuất trình các giấy tờ chứng minh việc mình ở trong căn nhà trên là hợp pháp: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (người dân vẫn gọi là sổ đỏ, sổ hồng), Hợp đồng thuê nhà còn hiệu lực, Hợp đồng cho ở nhờ, Hợp đồng cho mượn nhà, Hộ khẩu… Ngoài ra Thừa phát lại không yêu cầu khách hàng mình tham gia vào vi bằng. Tại thời điểm lập vi bằng, khách hàng sẽ xuất trình các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp của khách hàng đối với căn nhà trên.
Hình 2. Thừa phát lại quận 8 đang lập vi bằng theo yêu cầu của người dân
(Ảnh http://www.phapluatvn.vn)
Ví dụ trên để cho mọi người thấy, vi bằng có giá trị chứng cứ đối với những sự kiện, hành vi mà nó ghi nhận, phản ánh trong đó. Còn việc vi bằng có giá trị chứng cứ chứng minh cho một vụ tranh chấp cụ thể hay không thì phải xem Thừa phát lại ghi nhận cái gì trong vi bằng.
Dưới đây là hai vi bằng do Thừa phát lại lập nhưng không được dùng làm chứng cứ trong các bản án, quyết định của chế độ cũ miền Nam Việt Nam trước 1975 (Trích Tài liệu “Lớp tập huấn nghiệp vụ về Thừa phát lại TP.Hồ Chí Minh ngày 18-19 tháng 12 năm 2012”).
  • Ông Lư Huy kiện ông Huỳnh Đô Tài đòi nhà cho thuê số 71 đường Phạm Hữu Chí. Theo ông Huy thì ông cho ông Tài thuê căn nhà nói trên để ở nhưng ông Tài đã sử dụng căn nhà trên để ngăn ra nhiều phòng để cho thuê lại không có sự đồng ý của ông. Ông Huy đã nhờ Thừa phát lại lập vi bằng về việc ông Tài ngăn nhà cho thuê phòng.
Thừa phát lại đã lập vi bằng có nội dung như sau:
-         Căn nhà số 71 đường Phạm Hữu Chí là một căn phố trệt có 2 buồng và căn gác nhỏ phía sau.
-         Chủ nhà là ông Huỳnh Đô Tài ở phía trước và trên gác với vợ và 6 con.
-         Buồng trước bà Chung Thị ở.
-         Buồng sau ông Huỳnh Doãn Cơ ở với vợ và 4 con.
Yêu cầu xuất trình hộ khẩu thì tất cả đều trả lời đã đưa đi làm thẻ cử tri.
Bản án đã nhận xét: Những điều ghi nhận trong vi bằng của Thừa phát lại phải xem là có giá trị của một lời chứng, nhưng muốn có được giá trị này, những điều ghi nhận của Thừa phát lại phải được rành mạch với những chi tiết đầy đủ để bị đơn không thể đả phá bằng những lời trình bày suông. Nhưng điều ghi trong vi bằng không thể coi là bằng chứng cụ thể vì rằng:
-         Có sự ngăn căn nhà để cho mướn lại;
-         Người thuê nhà có cho những người sau đây mướn lại:
+ Chung Thị (trong khi bị đơn trình bày được hộ khẩu từ lâu, sau khi bị đơn thuê nhà không lâu, theo đó thì họ đã ở từ lâu và chung sống trong một gia đình. Vi bằng ghi Chung Thị ở buồng trước là nơi ở của bị đơn).
+ Huỳnh Doãn Cơ (vì lẽ Thừa phát lại không chất vấn Huỳnh Doãn Cơ đã ở đây từ thời gian nào với tư cách gì).
Xét vì sự khiếm khuyết của vi bằng nên không thể chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.
Hình 3. Thừa phát lại Nguyễn Căn (Văn phòng Thừa phát lại quận 8, phải) đang lập vi bằng ghi nhận việc lấy lại một căn nhà cho thuê ở quận 2. (ảnh http://www.sggp.org.vn)
  • Ông Hamit kiện ông Hà Thất và ông Trần Quốc Vinh để đòi nhà cho thuê số 19 đường Phạm Hữu Chí vì nguyên đơn chỉ cho ông Thất thuê để ở và lãnh may quần áo ăn tiền công nhưng ông Thất đã cho ông Vinh thuê để làm nghề may với quy mô lớn với nhiều nhân công. Ông Hamit đã nhờ Thừa phát lại lập vi bằng về việc tại căn nhà số 19 đường Phạm Hữu Chí có hoạt động nghề may với quy mô lớn.
Vi bằng của Thừa phát lại có nội dung:
Tại căn nhà số 19 đường Phạm Hữu Chí có ông Huỳnh Bỉm Sim và Lương Liên Thắng đại diện ông Vinh khai ông Vinh thuê nhà của ông Thất mỗi tháng có trả tiền thuê với một giá nhất định mà họ không biết. Trong nhà có 23 nhân công đang làm việc.
Bản án đã nhận xét: Vi bằng chỉ ghi một cách vắn tắt, không có những chi tiết khác để tăng chứng cho lời khai của ông Sim và ông Thắng. Mặt khác, Thừa phát lại cũng không hỏi thêm 23 (hoặc một vài) nhân công xem họ làm việc cho ai, làm từ bao giờ, tiền lương ra sao, chủ của họ ở đâu?
Trước sự sơ sót đó, vi bằng không thể xem là một lời chứng nhưng có thể tăng chứng trong một cuộc điều tra bổ túc nên Tòa án đã tuyên mở một cuộc điều tra bổ túc.


Other service :

Go Top
Đăng ký tư vấn
Công ty luật FUJILAW