Không THA được vì cơ quan THA… hết tiền
Đó là lý do được Chi cục Thi hành án dân sự TP Biên Hòa (Đồng Nai) đưa ra để lý giải việc chưa thể cưỡng chế để thi hành án.
“Thời hạn tự nguyện thi hành án (THA) đã hết, chúng tôi đã làm đơn yêu cầu cưỡng chế THA nhưng cơ quan THA lại không tích cực. Bản án đã có hiệu lực gần một năm nay nhưng Chi cục THA dân sự TP Biên Hòa vẫn chưa giải quyết được”. Chị Từ Nguyễn Thu Hương (28 tuổi, đại diện theo ủy quyền của ông Minh và bà Liên - người được THA) phản ánh.
Chậm THA vì không rõ “tháo dỡ” là sao
Theo chị Hương, ngày 7-4-2015, TAND tỉnh Đồng Nai ra phán quyết: “Buộc ông Đức cùng những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan phải giao trả đất cho ông Minh và bà Liên diện tích đất 444 m2… Buộc ông Đức phải tháo dỡ và chuyển công trình xây dựng trái phép trên đất là căn nhà diện tích 60 m2… do gia đình ông sử dụng ra khỏi diện tích đất trên”.
Ngày 14-5-2015, chị Hương đã nộp đơn yêu cầu THA. Dù thời hạn tự nguyện THA cho người phải THA đã hết nhưng chấp hành viên (CHV) được phân công giải quyết vẫn không lên kế hoạch cưỡng chế THA. Khi chị Hương liên hệ hỏi thì CHV đưa nhiều lý do như đang vận động người phải THA tự nguyện tháo dỡ.
Ngày 10-8-2015, chị Hương làm đơn yêu cầu áp dụng biện pháp cưỡng chế THA thì CHV cho rằng bản án TAND TP Biên Hòa và TAND tỉnh Đồng Nai tuyên không rõ ràng (“tháo dỡ” thế nào) nên khó THA. Ngày 10-9-2015, TAND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản giải thích bản án gửi Chi cục THA TP Biên Hòa. Tòa nêu rõ: “Buộc ông Đức phải tháo dỡ và chuyển những phần nào của công trình xây dựng trái phép trên đất là căn nhà diện tích 60 m2,… những phần của công trình thuộc dạng kiên cố, không thể vận chuyển được thì tháo dỡ để trả lại đất cho nguyên đơn. Việc tháo dỡ chính là đập bỏ”.
Diện tích đất mà ông Đức chiếm dụng trái phép rồi xây dựng nhà để ở và bán hàng ăn. Ảnh: TIẾN DŨNG
Cơ quan THA hết tiền nên chưa thể cưỡng chế
“Sau khi có văn bản trả lời của TAND tỉnh Đồng Nai, CHV đã đưa bản dự trù kinh phí cưỡng chế với số tiền dự trù gần 40 triệu đồng cho tôi và nói theo Luật THA dân sự thì toàn bộ chi phí để cưỡng chế THA là ông Đức phải chịu nhưng ông Đức không có thiện chí THA. Hơn nữa ngân sách của Chi cục THA dân sự TP Biên Hòa cũng không có nên chưa thể tiến hành cưỡng chế THA. CHV đề nghị chúng tôi nộp tiền tạm ứng dự trù chi phí cưỡng chế để việc THA nhanh hơn” - chị Hương kể.
Chị Hương cho biết: “Chúng tôi cũng đã đồng ý nộp số tiền trên nhưng khi đến cơ quan THA nộp tiền cho CHV và yêu cầu lập biên bản giao nhận tiền. Biên bản phải ghi rõ nội dung đây là chi phí do ông Minh tạm ứng để THA, khi nào ông Đức có điều kiện hoặc tài sản thì cơ quan THA sẽ thu hồi lại cho chúng tôi. Tuy nhiên, CHV không chịu nên chúng tôi không nộp tiền nữa”.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Ngọc Cưỡng, Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự TP Biên Hòa, cho biết qua xác minh được biết ông Đức hiện không có tài sản gì và không có khả năng thanh toán chi phí cưỡng chế. Theo quy định, trường hợp này sẽ tạm ứng ngân sách để chi phí cưỡng chế. CHV đã lập bản dự trù tạm ứng chi phí cưỡng chế THA và đề nghị tạm ứng trình lãnh đạo xem xét. Tuy nhiên, do số tiền ngân sách còn tồn không đủ chi phí cho vụ cưỡng chế nên chưa thể tổ chức thực hiện việc cưỡng chế THA. Khi nào tiền ngân sách chuyển về thì chúng tôi sẽ tiến hành THA ngay” - ông Cưỡng cho hay.
Nộp tiền tạm ứng để THA nhưng không được khiếu nại
Ngày 1-3, bà Lê Thị Mạnh Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự TP Biên Hòa, cho biết để tạo điều kiện cho việc THA nhanh, Chi cục đã đề nghị bà Hương (đại diện của bên được THA) tạm ứng chi phí để cưỡng chế, THA sớm. “Với điều kiện là sau này nếu không thu được chi phí cưỡng chế THA từ người phải THA để trả lại thì phía được THA không được khiếu nại. Bởi trường hợp này sau khi THA thì người phải THA không còn tài sản gì nữa để bán đấu giá và thu hồi chi phí THA. Nếu bên được THA chấp nhận thì chúng tôi sẽ tiến hành cưỡng chế, THA ngay. Do bên được THA chưa chấp nhận điều kiện nói trên nên chúng tôi chưa thể thi hành” - bà Hà nói.
Nguồn: http://plo.vn/
|