Khó khấu trừ tiền thi hành án tại ngân hàng - Chuyện không của riêng ai!
(Thừa Phát Lại Thủ Đức)- Nếu ngân hàng không chuyển tiền trong tài khoản của người bị thi hành án cho cơ quan thi hành án thì đơn vị sẽ lập biên bản vi phạm hành chính để xử phạt.
Thừa Phát lại thì lại không có quyền xử phạt, dù vẫn có quyền áp dụng biện pháp khấu trừ tiền trong tài khoản.
Thực tế cho thấy, chuyện Ngân hàng không chịu khấu trừ tiền là chuyện không của riêng Cơ quan Thi hành án hay Văn phòng Thừa Phát lại,
1. Thi hành án cũng bị làm khó
Bà Võ Thùy Liên (93/15 Hồ Thị Kỷ, phường 1, quận 10, TP.HCM) phản ánh năm trước TAND TP.HCM xử phúc thẩm, tuyên bà thắng kiện, buộc bà Nguyễn Thị Minh Huệ phải trả cho bà hơn 16 tỉ đồng tiền vay mượn. Sau khi bà Huệ không tự nguyện thi hành, bà gửi đơn nhờ cơ quan thi hành án (THA) vào cuộc.
Tiếp nhận vụ việc, Chi cục THA dân sự quận 1 đã ra quyết định THA. Do bà Huệ cũng không thực hiện nên tiếp đó, ngày 2-10-2014 THA quận 1 ra quyết định phong tỏa tài khoản tiết kiệm của bà Huệ để đảm bảo THA. Tuy nhiên, từ đó đến giờ cơ quan THA vẫn chưa thể lấy tiền giao cho bà khiến bà rất nóng lòng.
“Trước đây, tôi tin tưởng người ta nên cho mượn tiền. Giờ đòi lại sao mà khó khăn. Bản án có hiệu lực, THA cũng đã ra quyết định thi hành rồi nhưng sao cơ quan chức năng không thể xử lý vụ việc một cách dứt điểm, cứ kéo dài hết ngày này qua ngày khác, làm tôi lo quá. Hiện tôi cần tiền để kinh doanh thì lại mắc kẹt như vậy khiến tôi mất cơ hội làm ăn. Thiệt hại của tôi ai chịu trách nhiệm bây giờ” - bà Liên than thở.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, phía cơ quan THA quận 1 cho biết sau khi ra quyết định phong tỏa tài khoản tiết kiệm của bà Huệ, ngày 26-2-2015, THA quận 1 cũng đã ra quyết định khấu trừ tiền trong tài khoản của bà Huệ tại ngân hàng để THA. Tuy nhiên, cho đến nay phía ngân hàng vẫn chưa thực hiện, mặc dù chi cục đã nhiều lần ra văn bản đôn đốc, nhắc nhở.
Đại diện Ngân hàng Phương Nam - Phòng giao dịch Ngô Đức Kế (nơi có tài khoản tiết kiệm của bà Huệ bị phong tỏa) nhìn nhận với phóng viên trước đây, ngân hàng chậm thực hiện thi hành các quyết định của THA là do số tiền lớn phải xin ý kiến của hội sở. Vừa qua, khi có ý kiến rồi thì bà Huệ lại cung cấp văn bản của viện trưởng VKSND Tối cao về việc hoãn THA. Căn cứ vào đây, đơn vị sẽ không thực hiện chuyển tiền mà đợi khi có kết luận chính thức từ các cơ quan chức năng.
Phản hồi lại ý kiến này, ông Đỗ Mạnh Thủy, Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự quận 1, nói văn bản của viện trưởng VKSND Tối cao mà ngân hàng đề cập hiện nay Chi cục THA dân sự quận 1 chưa nhận được. Do đó trong thời gian này, phía ngân hàng phải thực hiện đúng theo các quyết định mà THA đã ban hành. Khi nào Chi cục THA dân sự quận 1 nhận được văn bản chính thức thì lúc đó mới hoãn việc THA theo quy định. Ngân hàng không thể tự tiện không chấp hành quyết định của cơ quan THA, bản án của tòa. Trong trường hợp ngân hàng không chuyển thì cơ quan THA sẽ lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực THA rồi kiến nghị Tổng cục THA dân sự xử phạt.
Nhiều ngân hàng không hợp tác
Trước đây, Chi cục THA dân sự quận 1 cũng đã gặp nhiều trường hợp khi đơn vị ra quyết định THA thì phía ngân hàng không chịu hợp tác. Đặc biệt có một số vụ sau khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì phía này mới chịu thực hiện. Việc một số ngân hàng không hợp tác trong quá trình THA khiến vụ việc kéo dài, dẫn đến người dân bức xúc, khiếu nại làm cho THA rất mệt mỏi. Một đặc điểm nữa cũng phải đề cập ở đây là tiền trong tài khoản sẽ chuyển dịch nhanh chóng chứ không như việc chuyển dịch các tài sản khác. Do vậy các ngân hàng cần hỗ trợ, hợp tác với THA để công tác THA được suôn sẻ, nhanh chóng nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người được THA.
Ông ĐỖ MẠNH THỦY, Chi cục trưởng Chi cục THA
dân sự quận 1, TP.HCM
|
2. Thừa Phát lại: Quy định đã có, áp dụng khó, dễ tùy Ngân Hàng
Thừa phát lại khi tổ chức thi hành án có quyền như chấp hành viên, trong đó có quyền khấu trừ tiền trong tài khoản của người phải thi hành án tại Ngân hàng. Thẩm quyền này được quy định rõ trong Nghị định 61/2009/NĐ-CP và Nghị định 135/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, Thừa phát lại không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính như Cơ quan Thi hành án dân sự.
Vì vậy, khi áp dụng biện pháp khấu trừ trong tài khoản, kết quả phụ thuộc rất lớn vào ý thức Pháp luật của Ngân hàng. Ngân hàng nào có bộ phận pháp chế đủ mạnh thì thực hiện thông suốt, và ngược lại.
Văn phòng Thừa Phát Lại Thủ Đức vừa thi hành bản án đối với Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Dịch vụ TT, trụ sở tại phường Bình Chiểu, Q.Thủ Đức. Công ty này có tiền trong tài khoản tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển TP.HCM nhưng không tự nguyện thi hành án. Sau quá trình tuyên truyền, thuyết phục không thành, Thừa phát lại Thủ Đức đã ra Quyết định khấu trừ tiền của Công ty này trong tài khoản Ngân hàng, và Quyết định nói trên của Thừa Phát Lại đã được thực hiện một cách nhanh chóng.
(Ảnh: Quyết định khấu trừ tiền của Văn phòng Thừa phát lại Thủ Đức được Ngân hàng thực hiện một cách nhanh chóng)
Thừa Phát Lại Trịnh Văn Tốt, Văn phòng Thừa phát lại Thủ Đức cho biết: "Để làm được điều này, Chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ hồ sơ: Từ bản án, quyết định Thi hành án, Quyết định khấu trừ... ; những Quy định của Pháp Luật như: Nghị định 61, Nghị Định 135, Thông tư liên ngành 03 và cá những văn bản của Thành phố như Thông tri của Thành ủy, Chỉ Thị 22, Công văn 4033/UBND-PCNC 2014 của UBND Thành Phố về hỗ trợ Thừa Phát lại... Đồng thời, chúng tôi còn soạn một văn bản riêng nêu, trích dẫn toàn bộ cơ sở pháp lý, những quy định có liên quan để Ngân hàng hiểu được chức năng, thẩm quyền của Thừa phát lại, vì dẫu sao Thừa phát lại cũng là một chế định mới, muốn người khác hiểu mình, thì mình phải chủ động giới thiệu!"
Điều này cho thấy, bên cạnh việc tiếp tục kiến nghị hoàn thiện thể chế, quy định thẩm quyền đầy đủ của Chấp hành viên, Thừa phát lại trong việc tổ chức thi hành án, cần chú ý công tác tuyên truyền, giải thích, thuyết phục các bên liên quan để việc tổ chức thi hành án được thực hiện một cách thuận lợi hơn. Mặt khác, Tổng Cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp nên thường xuyên phối hợp với Ngân hàng Nhà nước ban hành những văn bản liên ngành quán triệt việc thực hiện các yêu cầu của Chấp hành viên, Thừa phát lại khi tổ chức thi hành án, nhằm đảm bảo bản án của Tòa án nhân danh Nhà nước sau khi ban hành phải được thực thi một cách triệt để, vô điều kiện.
(Bài viết có sử dụng tư liệu từ bài: "Khó thi hành án khi tiền nằm ngân hàng" của tác giả Minh Quý, Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 06/03/15)