Khi nào thì Thừa phát lại niêm yết văn bản?
Thừa phát lại Thủ Đức - Một số đọc giả thắc mắc, liên hệ về Ban quản trị chuyên trangThừa phát lại Thủ Đức hỏi về việc thừa phát lại dán văn bản lên nhà dân. Đây là thủ tục gì và được thực hiện khi nào?
Văn phòng Thừa phát lại Quận Thủ Đức xin trả lời thắc mắc trên như sau:
Đó là việc niêm yết văn bản, 1 thủ tục trong hoạt động tống đạt văn bản. Niêm yết là việc dán giấy để thông báo chính thức, công khai cho công chúng biết về một vấn đề gì đó[1]. Đối với hoạt động tố tụng và thi hành án dân sự, việc niêm yết văn bản cũng được thực hiện với ý nghĩa tương tự tức là khi không thể giao được văn bản cho một đương sự nhất định thì sẽ niêm yết (dán) văn bản cần tống đạt tại địa chỉ cư trú của đương sự để nhằm cho đương sự biết được thông tin văn bản. Thừa phát lại là người được Nhà nước giao công việc tống đạt giấy tờ, văn bản của Tòa án và cơ quan thi hành án nên cũng thường xuyên áp dụng thủ tục niêm yết này.
Theo quy định hiện hành, thừa phát lại thực hiện tống đạt văn bản của Tòa án thì áp dụng quy định của pháp luật về tố tụng; tống đạt văn bản của cơ quan thi hành án dân sự thì áp dụng pháp luật về thi hành án dân sự để thực hiện. Về cơ bản, các văn bản luật này đều có quy định khá tương đồng về điều kiện để niêm yết văn bản. Theo pháp luật về thi hành án dân sự thì niêm yết được thực hiện “khi không rõ địa chỉ của người được thông báo hoặc không thể thực hiện được việc thông báo trực tiếp”[2]; theo pháp luật về tố tụng dân sự và hành chính thì thủ tục này được thực hiện “khi không thể cấp, tống đạt hoặc thông báo trực tiếp văn bản tố tụng”[3]. Nhìn chung, khi không thể tống đạt trực tiếp được cho người cần tống đạt thì thừa phát lại tiến hành niêm yết văn bản.
Lưu ý là nếu không gặp được người cần tống đạt nhưng nếu có người thân thích đủ điều kiện nhận thay (áp dụng với văn bản thi hành án dân sự), người thân thích đủ điều kiện nhận thay hoặc tổ trưởng tổ dân phố nhận thay (áp dụng với văn bản tố tụng) thì vẫn xem như là đã tống đạt trực tiếp cho đương sự và không cần phải niêm yết.
Ngoài ra, nếu đương sự đã chết (có thể xem như không thể tống đạt trực tiếp được cho người cần tống đạt) thì thừa phát lại cũng không niêm yết văn bản vì mục đích niêm yết là không đạt được; thừa phát lại lập biên bản ghi nhận sự việc và trả văn bản về cho Tòa án, cơ quan thi hành án. Nếu đương sự từ chối nhận văn bản thì thừa phát lại cũng lập biên bản ghi nhận sự việc và trả văn bản lại cho cơ quan giao văn bản.
Trên thực tế, các trường hợp nào được xem là tống đạt trực tiếp không được mà phải tiến hành niêm yết?
Đối với văn bản của cơ quan thi hành án dân sự:
Việc niêm yết được tiến hành khi không rõ địa chỉ của người được thông báo hoặc không thể thực hiện được việc thông báo trực tiếp. Đó là các trường hợp:
- Đương sự đã chuyển đi nơi khác mà tại thời điểm tống đạt, người thực hiện việc tống đạt không biết địa mới của đương sự.
- Không thể thực hiện được việc thông báo trực tiếp là trường hợp người tiến hành tống đạt không thông báo trực tiếp được cho đương sự và cũng không thực hiện được thủ tục cho người thân thích nhận thay khi đương sự đi vắng, chủ yếu là ba trường hợp sau đây: Đương sự vắng nhà nhưng người thân thích từ chối nhận thay hoặc đồng ý nhận thay nhưng từ chối ký nhận thay; đương sự vắng nhà nhưng không có người thân thích đủ điều kiện nhận thay văn bản; người được thông báo vắng mặt mà không rõ thời điểm trở về.
Đối với văn bản tố tụng dân sự và tố tụng hành chính:
Việc niêm yết được tiến hành khi không thể cấp, tống đạt hoặc thông báo trực tiếp văn bản tố tụng. Các trường hợp phải niêm yết cũng tương tự văn bản thi hành án dân sự như nêu ở trên nhưng có một điểm khác là xuất hiện vai trò của tổ trưởng tổ dân phố. Khi đương sự vắng mặt, không có người thân thích nhận thay (người thân thích vắng mặt/có mặt nhưng không đủ điều kiện nhận thay/từ chối nhận thay) thì thừa phát lại phải tìm gặp tổ trưởng tổ dân phố và đề nghị nhận văn bản để tống đạt thay. Nếu thừa phát lại không gặp được người này/người này từ chối tống đạt thay thì mới tiến hành niêm yết.
Đối với văn bản tố tụng hình sự:
Đối với văn bản tố tụng hình sự, điều kiện niêm yết là đơn giản, dễ dàng hơn so với văn bản thi hành án và văn bản tố tụng dân sự, hành chính. Căn cứ khoản 1 Điều 140 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì việc niêm yết được thực hiện khi không rõ địa chỉ hoặc không rõ người được cấp, giao đang ở đâu tức là không gặp được là niêm yết mà không cần phải qua tổ trưởng tổ dân phố. Diễn giải ra, quy định này được áp dụng khi:
- Đương sự đã chuyển đi nơi khác mà không rõ địa chỉ chuyển đến.
- Đương sự vắng mặt tại nơi cư trú tại thời điểm tống đạt mà không rõ đang đi đâu, ở đâu.
Ngoài việc rơi vào các trường hợp như đã liệt kê ở trên nhưng đối với các văn bản mà tòa án, cơ quan thi hành án dân sự ấn định một thời điểm nhất định yêu cầu đương sự tham gia thì việc niêm yết phải trước ngày được ấn định (văn bản thi hành án dân sự); trước tối thiểu 15 ngày đối với thời gian được ấn định (văn bản tố tụng). Nếu thừa phát lại niêm yết mà không đảm bảo các mốc thời gian vừa nêu thì việc tống đạt không hợp lệ, kết quả giải quyết của tòa án và thi hành án có thể bị khiếu nại, hủy bỏ.
Theo tác giả, đây là thủ tục “bất đắc dĩ” nhưng cần thiết. Bất đắc dĩ là vì nó chỉ được tiến hành khi đã áp dụng các biện pháp thông báo trực tiếp mà không thành công và nó không đảm bảo chắc chắn là người cần thông báo sẽ nhận được hoặc biết được nội dung văn bản cần thông báo. Nó cần thiết vì đây là biện pháp sau cùng có thể áp dụng trong phạm vi công việc tống đạt trực tiếp tại địa bàn và mục đích là để đương sự dù vắng mặt nhưng có thể tiếp nhận được thông tin văn bản.
Tác giả: TPL Đức Hoài
[1] Viện khoa học pháp lý (2006), Từ điển Luật học, Nxb Từ điển Bách Khoa & Nxb Tư pháp, tr.592.
[2] Khoản 1 Điều 42 Luật thi hành án dân sự năm 2008.
[3] Khoản 1 Điều 179 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, khoản 1 Điều 108 Luật tố tụng hành chính năm 2015.