Hoạt động Thừa phát lại tại Nghệ An Vẫn còn quá mới mẻ
(Thừa Phát Lại Thủ Đức) Tính đến nay, đã hơn 1 năm kể từ ngày UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án thí điểm Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh. 1 năm trôi qua, 2 văn phòng Thừa phát lại đã được thành lập tại TP Vinh và huyện Diễn Châu. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, hiệu quả hoạt động vẫn còn thấp và chưa được phổ biến rộng rãi trong cuộc sống. Đánh giá lại quá trình hoạt động của các văn phòng và đề ra phương pháp để tuyên truyền, đẩy mạnh hiệu quả của các cơ sở này là để góp phần bổ trợ cho hoạt động tư pháp và đáp ứng nhu cầu của người dân.
(Hoạt động của văn phòng Thừa phát lại đang gặp một số khó khăn khi tiếp cận với người dân)
Sau khi Nghệ An được Bộ Tư pháp lựa chọn, phê duyệt là 1 trong 13 tỉnh thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Sở Tư pháp, cơ quan trực tiếp tham mưu cho UBND tỉnh quản lý Nhà nước về chế định Thừa phát lại, phối hợp với các ngành có liên quan triển khai các nhiệm vụ. Theo đó, ngày 1/3/2014, Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 702/QĐ-UBND kế hoạch triển khai Đề án “Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại” trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ngày 22/3/2014, UBND tỉnh ký Quyết định số 1051, cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại TP Vinh, có trụ sở tại số 15B, đường Hà Huy Tập, TP Vinh, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp với hình thức công ty hợp danh, trên cơ sở đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại.
Tiếp đó, ngày 7/2/2015, UBND tỉnh ban hành quyết định về việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại Kim Tiến Tây Bắc, có trụ sở tại xóm 7, xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu. Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ngành có liên quan và văn phòng Thừa phát lại tham gia các lớp tập huấn do Bộ Tư pháp tổ chức, nhằm tăng cường năng lực triển khai thực hiện và kỹ năng nghề nghiệp cho cán bộ, công chức…
Tuy nhiên, dù các cấp, ngành đã tích cực triển khai nhiều chương trình, nội dung nhằm tuyên truyền hoạt động cho văn phòng Thừa phát lại đến người dân nhưng đến nay, hiệu quả hoạt động vẫn chưa cao. Nhiều người dân vẫn còn lạ lẫm với khái niệm Thừa phát lại và về nhiệm vụ, hoạt động của các văn phòng Thừa phát lại. Theo số liệu mới nhất, từ khi thành lập đến nay, Văn phòng Thừa phát lại TP Vinh đã tống đạt 10.300 văn bản với doanh thu 670 triệu đồng; thụ lý 11 vụ việc, thi hành xong 4 việc, cưỡng chế 4 việc; xác minh điều kiện thi hành án 15 vụ việc với doanh thu 86 triệu đồng… Tuy nhiên, hiện Văn phòng Thừa phát lại TP Vinh mới chỉ lập được 40 vi bằng. Còn Văn phòng Thừa phát lại Kim Tiến Tây Bắc do mới đi vào hoạt động từ đầu tháng 4/2015 nên mới ký kết hợp đồng dịch vụ với Chi cục Thi hành án dân sự huyện Diễn Châu và tống đạt 6 văn bản.
Nguyên nhân dẫn đến hiệu quả hoạt động của văn phòng Thừa phát lại còn thấp, một phần là do mối quan hệ giữa các cơ quan Nhà nước với văn phòng Thừa phát lại trong một số trường hợp tống đạt văn bản còn chưa thực sự chặt chẽ, thống nhất. Cụ thể, ở một số xã, phường, khối trưởng không hợp tác xác nhận vào biên bản khi Thừa phát lại thực hiện việc tống đạt cho đương sự. Trong khi đó, các quy định hướng dẫn về lập và đăng ký vi bằng chưa cụ thể, rõ ràng nên việc tổ chức thực hiện còn gặp nhiều vướng mắc… “Địa bàn tống đạt rộng, trong khi sự phối hợp còn hạn chế nên hoạt động đang khó khăn. Trong khi đó, người dân lại chưa biết tới việc lập vi bằng ở các văn phòng Thừa phát lại. Việc đến các văn phòng công chứng đã trở thành thói quen của người dân”, ông Nguyễn Văn Kha, Trưởng văn phòng Thừa phát lại TP Vinh cho biết.
Việc thành lập và đăng ký hoạt động cho 2 văn phòng Thừa phát lại là đúng theo lộ trình đã đề ra. Tuy nhiên, do chế định Thừa phát lại còn mới, từ công tác quản lý Nhà nước đến mô hình tổ chức, hoạt động, phạm vi công việc của Thừa phát lại đang trong quá trình thí điểm nên quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Tuyên truyền thường xuyên, trọng tâm, trọng điểm là nhiệm vụ cấp bách mà các cấp, các ngành, đặc biệt là Ban chỉ đạo đề án cần thực hiện ngay, để người dân thực sự hiểu biết và nhận thức đầy đủ, đúng đắn về Thừa phát lại. Có như vậy, các văn phòng Thừa phát lại mới thực sự tạo được hiệu ứng tích cực, góp phần bổ trợ tư pháp và đáp ứng nhu cầu của người dân về loại hình dịch vụ pháp lý mới này.
Thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và một số công việc khác. Văn phòng Thừa phát lại là tổ chức hành nghề của Thừa phát lại. Người đứng đầu văn phòng Thừa phát lại là người đại diện theo pháp luật của văn phòng Thừa phát lại.
.
(Nguồn: Mai Hậu, Báo Công an Nghệ An)