(TPLTĐ) - Tại cuộc giao lưu trực tuyến "Thừa phát lại - Vai trò trong đời sống xã hội" do Báo Pháp luật và Xã hội (Sở Tư pháp) tổ chức mới đây, nhiều đại biểu đặt câu hỏi, việc lập văn bản (vi bằng) về hành vi giao nhận tiền, bàn giao nhà đất, bàn giao giấy tờ... theo yêu cầu của khách hàng do văn phòng thừa phát lại (TPL) thực hiện có chồng chéo với hoạt động của văn phòng công chứng? Đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự khẳng định, hai hoạt động này không "giẫm chân" nhau.
Công chứng là việc công chứng viên thay mặt Nhà nước để chứng kiến và công nhận tính xác thực, hợp pháp của các văn kiện giấy tờ, các hợp đồng dân sự theo yêu cầu của khách hàng tại văn phòng công chứng. Còn lập vi bằng là việc TPL lập văn bản, trong đó ghi nhận những sự kiện, hành vi mà đích thân TPL trực tiếp chứng kiến một cách trung thực, khách quan.
Như vậy, trong hoạt động công chứng, công chứng viên đưa ra xác nhận về tính xác thực, hợp pháp của các văn kiện giấy tờ, các hợp đồng dân sự; còn trong hoạt động lập vi bằng hoàn toàn không có việc đưa ra nhận định đúng, sai mà chỉ là ghi nhận sự kiện làm căn cứ cho tòa án phán xét nếu cần.