Video

Văn phòng Thừa phát lại

Thống kê
Vistited  
Online  

Hòa giải thương mại: Doanh nghiệp bớt phiền hà

Wednesday, 02/03/2016, 10:32 GMT+7

Hòa giải thương mại: Doanh nghiệp bớt phiền hà

(PL)- Bộ Tư pháp đang hoàn thiện dự thảo nghị định về hòa giải thương mại. Nếu được ban hành, nghị định này sẽ giảm tải cho hệ thống tòa án và thúc đẩy một thiết chế phù hợp với bối cảnh hội nhập sâu rộng mà nước ta đang tăng tốc.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư Vũ Ánh Dương (Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam - VIAC) cho biết: Hòa giải thương mại là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp rất phổ biến hiện nay vì thủ tục đơn giản, linh hoạt, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các bên đương sự. Các doanh nghiệp (DN) có cơ hội lựa chọn một quy trình phù hợp, tránh các thủ tục pháp lý phức tạp. Ngoài ra, khi tham gia hòa giải, với tinh thần thiện chí và hợp tác, các DN cũng dễ đạt được thỏa thuận một cách nhanh chóng...

Doanh nghiệp tự quyết định

Phóng viên: Những ưu điểm ông vừa nói liệu đã đủ thuyết phục được về tính ưu việt của hòa giải thương mại thay cho khởi kiện ra tòa hay chưa, thưa ông?

+ Luật sư Vũ Ánh Dương: Một ưu điểm lớn nữa của phương thức hòa giải là các DN tự quyết định việc giải quyết tranh chấp và luôn biết trước kết quả. Trong quá trình hòa giải, với sự hỗ trợ của hòa giải viên, các bên sẽ có cơ hội được đưa ra quyết định của mình về phương án giải quyết tranh chấp. Đây là ưu thế nổi trội của phương thức hòa giải so với các phương thức tố tụng khác, vốn khó lường trước được kết quả.

Mặt khác, hòa giải mang tính thân thiện rất cao. Thông qua hòa giải, các DN có điều kiện thể hiện thiện chí, hiểu và thông cảm cho nhau hơn, giúp họ tiếp tục duy trì, phát triển quan hệ kinh doanh, đối tác.

Quan trọng hơn, hòa giải là một quá trình không công khai. Đây là tiêu chí được nhiều DN quan tâm. Với việc giải quyết thông qua hòa giải, tên của các bên tranh chấp không bị tiết lộ ra công chúng, tránh nguy cơ ảnh hưởng đến uy tín kinh doanh của DN.

Thưa ông, hiệu quả của hòa giải có phải là yếu tố quyết định thu hút DN và người dân sử dụng phương thức này?

+ Đúng là khi sử dụng bất kỳ phương thức giải quyết tranh chấp nào, câu hỏi đầu tiên được các DN đặt ra đó là kết quả giải quyết của phương thức đó có hiệu lực và được thi hành như thế nào. Để giải quyết vấn đề này, BLTTDS 2015 đã dành hẳn Chương 23 để quy định về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án và hiệu lực của kết quả hòa giải thành. Theo đó kết quả hòa giải được tòa xem xét và công nhận là kết quả hòa giải thành vụ việc xảy ra giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền có nhiệm vụ hòa giải đã hòa giải thành theo quy định của pháp luật về hòa giải. Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành của tòa sẽ có hiệu lực thi hành như một bản án của tòa. Những quy định này sẽ làm tăng hiệu quả của phương thức hòa giải. Tôi tin rằng DN sẽ tin tưởng lựa chọn phương thức hòa giải nhiều hơn trong thời gian tới.

Trọng tài đủ sức giải quyết tranh chấp

. Nước ta đang bắt đầu hội nhập sâu rộng. Liệu cơ chế trọng tài của Việt Nam có quá tải khi nhiều chuyên gia dự kiến rằng tranh chấp giữa các DN sẽ tăng lên, đặc biệt là tranh chấp với DN nước ngoài, thưa ông?

+ Rõ ràng là quá trình hội nhập quốc tế một mặt tạo ra các cơ hội kinh doanh nhưng mặt khác cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ phát sinh tranh chấp là điều khó tránh khỏi. Các tranh chấp kinh tế, thương mại phát sinh với số lượng ngày càng nhiều, đa dạng và phức tạp hơn đòi hỏi phải có những cơ chế giải quyết tranh chấp linh hoạt, phù hợp với thông lệ quốc tế và nhu cầu thực tiễn của Việt Nam, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh ổn định.

Cho đến nay, VIAC đã giải quyết được gần 1.000 vụ tranh chấp thương mại, trong đó các bên tranh chấp đến từ trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Tôi nghĩ rằng các trọng tài của VIAC cũng như các trung tâm trọng tài thương mại khác ở nước ta hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu giải quyết tranh chấp từ cộng đồng DN trong nước và quốc tế.

 . Xin cám ơn ông.

Giúp giảm tải cho tòa án

Tại hội nghị “Những quy định mới về trọng tài và hòa giải của BLTTDS 2015” do TAND Tối cao và Ngân hàng Thế giới phối hợp tổ chức ngày 1-3, Phó Chánh án TAND Tối cao Tống Anh Hào nhận xét: Việc hòa giải, thương lượng ngoài tòa án được khuyến khích nhằm giảm số lượng vụ tranh chấp phải giải quyết và khắc phục tình trạng quá tải của tòa án. Tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 cũng khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài. Tòa án hỗ trợ bằng việc công nhận việc giải quyết đó.

Theo ông Hào, BLTTDS 2015 đã bổ sung một chương về vấn đề công nhận hòa giải thành ngoài tòa án. Đối với hòa giải, điều quan trọng nhất là tôn trọng sự lựa chọn, định đoạt của đương sự, không xâm phạm lợi ích của người thứ ba. Thỏa thuận phải hoàn toàn tự nguyện, không bị ép buộc, lừa dối. Nội dung thỏa thuận không trái điều cấm mà pháp luật quy định, không trái đạo đức xã hội và không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba. Về thủ tục công nhận hòa giải thành, chỉ cần một hoặc cả hai bên có đơn yêu cầu là tòa sẽ xem xét...

Thời điểm vàng

Đây là thời điểm vàng để ban hành nghị định về hòa giải thương mại. Tranh chấp được giải quyết bằng hòa giải thương mại thì không có thắng thua, mỗi bên nhường nhịn nhau để đưa ra giải pháp. Thông tin liên quan đến hòa giải được giữ bí mật, trừ khi có quy định khác của pháp luật.

Bà NGUYỄN THỊ MAI, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp

Phương thức được ưa chuộng

Các doanh nhân và nhà đầu tư rất ưa chuộng hòa giải ngoài tòa án. Khảo sát của WB năm 2013 cho thấy 46% các quốc gia được khảo sát có một luật chung bao trùm gần như toàn bộ các khía cạnh của hòa giải thương mại. 64% các nền kinh tế được khảo sát có các quy định cho phép tòa giới thiệu, khuyến khích các bên tranh chấp sử dụng hòa giải trong việc giải quyết tranh chấp thương mại khi tòa bắt đầu các thủ tục tố tụng.

Bà NINA MOCHEVA, chuyên gia cao cấp của WB

(Nguồn: http://plo.vn/phap-luat/hoa-giai-thuong-mai-doanh-nghiep-bot-phien-ha-614965.html)


Written : thanhtuyen

Search date :    

Go Top
Đăng ký tư vấn
Công ty luật FUJILAW