Như vậy, Hải Phòng đã hoàn thành 100% chỉ tiêu về việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại theo Đề án đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt tại Quyết định số 2498/QĐ-BTP ngày 11/10/2013.
Như vậy, tính đến nay Hải Phòng đã thành lập được 03 Văn phòng Thừa phát lại. Mặc dù mới thành lập nhưng các Văn phòng Thừa phát lại đã tổ chức triển khai hoạt động và đã đạt được một số kết quả nhất định. Cụ thể, các Văn phòng đã lập 28 vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án bốn việc, ký hợp đồng dịch vụ tống đạt với các Tòa án, Cơ quan Thi hành án dân sự theo Thông báo số 619/TB-STP ngày 15/8/2014 của Sở Tư pháp và đã tống đạt 88 văn bản.
Trước đó, tại cuộc trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết: Hải Phòng là một trong 13 tỉnh, thành trong cả nước được lựa chọn tiếp tục mở rộng thí điểm Thừa phát lại theo Nghị quyết của Quốc hội. Việc triển khai thực hiện Thừa phát lại được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp thành phố đặc biệt quan tâm, chỉ đạo tập trung, thống nhất ngay từ khâu khảo sát lập Đề án, tạo điều kiện cho Văn phòng Thừa phát lại tổ chức, hoạt động. Vì Hải Phòng là đô thị đang phát triển mạnh nên nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của người dân, tổ chức, doanh nghiệp ngày càng tăng.
Hiện nay, cùng với việc tiếp tục tạo điều kiện cho các Văn phòng Thừa phát lại được thành lập, hoạt động và phát triển, Hải Phòng đang quan tâm đến vấn đề năng lực, nội lực của các Văn phòng Thừa phát lại, làm sao để các Văn phòng này có thể đáp ứng tốt yêu cầu công việc, bảo đảm việc thí điểm thành công. Với sự quyết tâm cao, Hải Phòng sẽ thực hiện thành công chủ trương thí điểm Thừa phát lại của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tư pháp.
Đức Hoài (VP Thừa phát lại Thủ Đức)
Theo Báo Công Lý