Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong Kế hoạch số 93/KH-UBND ngày 5-5-2020 của UBND TP Hà Nội nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 08/2020/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại (TPL).
Thời gian qua, việc lập vi bằng đã dần trở thành thế mạnh của TPL. Trong 4 lĩnh vực hoạt động của TPL, việc lập vi bằng mang lại hiệu quả tốt nhất, đã đáp ứng được nhu cầu rất lớn, phong phú, đa dạng trên nhiều lĩnh vực khác nhau của người dân và đã dần trở thành một nhu cầu trong các hoạt động dân sự, sản xuất, kinh doanh, thương mại. Tại Hà Nội, từ năm 2015 đến nay, các văn phòng TPL trên địa bàn thành phố đã lập 29.121 vi bằng.
Nội dung vi bằng thể hiện phong phú trên rất nhiều lĩnh vực như ghi nhận sự việc thực hiện các giao dịch, thỏa thuận; mô tả hiện trạng nhà; ghi nhận lời khai của người làm chứng; ghi nhận hành vi, thời điểm mua bán; ghi nhận cuộc họp của Cty; ghi nhận việc xâm phạm sở hữu trí tuệ; sự kiện trên internet; việc bàn giao tiền, tài sản, giấy tờ... dùng làm chứng cứ. Qua việc lập vi bằng của TPL đã góp phần bổ sung nguồn chứng cứ, giúp các bên đương sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, cơ quan tài phán xem xét, giải quyết vụ việc một cách khách quan, đúng pháp luật.
Ảnh minh họa |
Không chỉ đơn thuần là chứng cứ phục vụ cho công tác xét xử của tòa án mà vi bằng khi được lập đã góp phần giảm bớt các tranh chấp, khiếu kiện phải đưa ra xét xử tại tòa án do các bên đã có căn cứ, cơ sở để chứng minh, bảo vệ quyền lợi của mình trong quá trình thực hiện các hợp đồng giao dịch. Từ đó, các bên tự giải quyết các tranh chấp, bất đồng, bồi thường thiệt hại mà không cần phải khởi kiện ra tòa án.
Ngoài lĩnh vực giải quyết tranh chấp, nhiều cơ quan hành chính nhà nước hiện cũng đã yêu cầu TPL lập vi bằng về thực trạng sử dụng đất đai, nhà ở để phục vụ công tác giải quyết khiếu nại, tranh chấp; bồi thường giải tỏa; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đất đai, nhà ở.
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu về vi bằng do đó sẽ góp phần quan trọng vào việc tra cứu thông tin các vi bằng đã được lập. Từ đó nâng cao chất lượng vi bằng, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động lập vi bằng.
Cùng với việc xây dựng cơ sở dữ liệu về vi bằng, Kế hoạch cũng triển khai nhiều nội dung khác như: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị định số 08/2020/NĐ-CP; xây dựng Đề án phát triển Văn phòng TPL và thành lập Văn phòng TPL trên địa bàn TP; rà soát, công bố thủ tục hành chính; rà soát, cập nhật, công bố danh sách TPL, danh sách Văn phòng TPL trên Cổng Thông tin điện tử Sở Tư pháp; tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn hành nghề cho TPL và thư ký nghiệp vụ.
Kế hoạch cũng đặt ra yêu cầu về việc theo dõi, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị định số 08/2020/NĐ-CP; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về TPL.
Theo Kế hoạch nhằm bảo đảm triển khai kịp thời, thống nhất, đồng bộ và nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc tổ chức thực hiện Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, góp phần hình thành đội ngũ TPL chuyên nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội. Thời gian qua, TPL cùng với các hoạt động công chứng, luật sư, đấu giá tài sản đã có sự phát triển mạnh mẽ, cơ bản tuân thủ quy định pháp luật, chấp hành tốt sự quản lý Nhà nước. Góp phần tích cực bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các tổ chức, công dân, nâng cao chất lượng tranh tụng tại tòa theo mục tiêu cải cách tư pháp đề ra.
Triển khai Kế hoạch số 93/KH-UBND, UBND TP Hà Nội giao các cơ quan thông tấn, báo chí của TP, trong đó có Báo PL&XH phối hợp với Sở Tư pháp đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền các quy định mới của pháp luật về TPL trên các chuyên trang, chuyên mục về pháp luật. Biên soạn, đăng tải các bài viết chuyên đề giới thiệu những nội dung cơ bản của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP đến các Sở, ban ngành, các cơ quan, đơn vị; các tổ chức, cá nhân và DN có liên quan đến hoạt động hành nghề TPL trên địa bàn TP. |
Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/