Video

Văn phòng Thừa phát lại

Thống kê
Vistited  
Online  

Hà Nội đề xuất thay đổi tên “Thừa phát lại”

Wednesday, 29/07/2015, 10:48 GMT+7

Hà Nội đề xuất thay đổi tên “Thừa phát lại”

Chỉ còn khoảng 6 tháng nữa là hết thời gian thí điểm thực hiện chế định Thừa phát lại tại Hà Nội. Khoảng thời gian này là quá ngắn để 8 Văn phòng Thừa phát lại của Hà Nội ổn định hoạt động và tạo dựng chỗ đứng cung cấp hình thức dịch vụ tư pháp mới mẻ cho các cá nhân và tổ chức.

Trong khi đó, bản thân tên gọi Thừa phát lại vẫn còn xa lạ với đại bộ phận người dân Thủ đô. Thừa phát lại là một hình thức cung cấp dịch vụ tư pháp mới mẻ, đang được đưa vào thực hiện thí điểm tại một số địa phương trên cả nước, trong đó có Hà Nội.

Chức năng chính của Thừa phát lại là lập vi bằng theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân; xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự, khách hàng; trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của tòa án theo yêu cầu của đương sự; thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án dân sự...

Sau 16 tháng thí điểm hoạt động, đến nay 8 Văn phòng Thừa phát lại của Hà Nội đã thực hiện tống đạt được gần 35.000 văn bản; lập và đăng ký tại Sở Tư pháp thành phố Hà Nội được 1.711 vi bằng; hoàn thành xác minh điều kiện thi hành án cho 34 vụ việc; ký hợp đồng thi hành án 15 vụ việc, trong đó đã thi hành xong 3 vụ việc…

Kết quả này cho thấy, dịch vụ Thừa phát lại đã dần được người dân tin tưởng, sử dụng. Tuy nhiên, chưa theo kịp kỳ vọng đặt ra ban đầu đối với loại hình dịch vụ tư pháp này. Việc triển khai các công việc của Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn chưa đồng đều, doanh thu chủ yếu vẫn là ở việc lập vi bằng và tống đạt văn bản.

Số lượng việc xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án còn hạn chế, đặc biệt là việc trực tiếp tổ chức thi hành án dân sự chưa đáp ứng được mục tiêu giảm tải cho hoạt động thi hành án.

Nguyên nhân được xác định là do thời gian thực hiện thí điểm chưa lâu, nhận thức của người dân về Thừa phát lại chưa đầy đủ nên việc sử dụng dịch vụ này chưa nhiều.

Mặc dù công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về Thừa pháp lại được Sở Tư pháp Hà Nội tổ chức khá rộng rãi, tuy nhiên tên gọi “Thừa phát lại” vẫn gây khó hiểu cho nhiều người, khái niệm Thừa phát lại vẫn còn xa lạ với nhiều cá nhân, thậm chí cũng xa lạ đối với không ít cơ quan, tổ chức.

Trong khi đó, thời gian kết thúc thực hiện thí điểm đang đến gần, các Văn phòng Thừa phát lại đang trong quá trình củng cố và hoàn thiện, chưa thể tạo dựng được ngay một “thương hiệu” riêng. Vì vậy, cần thiết phải kéo dài thời gian thí điểm loại hình này để người dân và các tổ chức có điều kiện làm quen và lựa chọn loại hình dịch vụ tư pháp này.

Là một trong những Thừa phát lại đầu tiên tại Hà Nội, ông Phạm Anh Dũng (Văn phòng Thừa phát lại Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: Văn phòng Thừa phát lại Hai Bà Trưng mới được thành lập và đi vào hoạt động hơn 1 năm nay. Thời gian đó chỉ vừa đủ để người dân và các cơ quan, tổ chức bước đầu làm quen với Văn phòng Thừa phát lại.

"Chỉ còn mấy tháng nữa là hết thời gian thí điểm chế định thừa phát lại khiến cho những cố gắng, nỗ lực của chúng tôi chưa đủ thời gian và điều kiện để về “đích” đặt ra ban đầu. Vì vậy, rất mong các cấp, các ngành quan tâm kéo dài thời gian thí điểm chế định Thừa phát lại, tạo điều kiện tạo dựng “chỗ đứng” cho riêng mình", ông Dũng chia sẻ.

Chung quan điểm này, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội, Hồ Xuân Hương cho rằng: “Thời gian thí điểm chế định Thừa phát lại như vậy là quá ngắn, chưa đủ để đánh giá về hiệu quả và tác động đối với xã hội của Thừa phát lại. Do vậy, mong Quốc hội sớm ban hành Nghị quyết kéo dài thêm thời gian thí điểm; đồng thời đề nghị Quốc hội nghiên cứu để sớm ban hành Luật về Thừa phát lại, nhưng với tên gọi mang tính thuần Việt hơn, dễ hiểu hơn đối với người dân, để thay thế tên Thừa phát lại”.

Chức danh Thừa phát lại đã có ở nước ta từ trước đây rất lâu trong suốt thời kỳ Pháp thuộc, những năm đầu sau Cách mạng tháng 8 ở miền Bắc và ở miền Nam cho đến năm 1975. Thừa phát lại là công lại do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm và quản lý, hành nghề trên cơ sở quy định của pháp luật, được hưởng thù lao của khách hàng theo biểu giá quy định…

Tuy nhiên, để hoạt động dịch vụ tư pháp hữu ích này được triển khai hoạt động có hiệu quả, đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, điều chỉnh và ban hành các quy định pháp luật phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.

(Nguồn: Kim Anh (TTXVN))


Written : Phap Nguyen

Search date :    

Go Top
Đăng ký tư vấn
Công ty luật FUJILAW