Giới thiệu ‘án lệ’ - Bài 3: Đất nhà chồng cho, ly hôn là tài sản chung
Theo Tòa Dân sự TAND Tối cao, có căn cứ thuyết phục cho thấy cha mẹ chồng đã cho hai vợ chồng mảnh đất nên đây là tài sản chung của vợ chồng, khi ly hôn cần phải xác định công sức đóng góp để phân chia...
Theo hồ sơ, chị Đỗ Thị Hồng và anh Phạm Gia Nam kết hôn năm 1992 (đăng ký tại UBND xã Vân Tảo, Thường Tín, TP Hà Nội). Tháng 4-2009, chị Hồng nộp đơn ra TAND huyện Thường Tín xin ly hôn, anh Nam cũng đồng ý.
Tranh chấp mảnh đất của ai
Anh chị có hai con chung, cháu trai SN 1992, cháu gái SN 2000. Anh chị đều có nguyện vọng nuôi cả hai con và không yêu cầu người còn lại cấp dưỡng.
Về tài sản, anh chị xây nhà hai tầng năm 2002, năm 2005 xây thêm một tum để chống nóng (nhà trị giá gần 476 triệu đồng) trên thửa đất 80 m2 (trị giá 1,76 tỉ đồng). Anh chị thống nhất nhà là tài sản chung, riêng về đất thì hai bên có tranh chấp.
Theo chị Hồng, đất này là của ông Phạm Gia Phác (cha anh Nam) được cấp đất giãn dân năm 1992, sau đó gia đình ông Phác họp, tuyên bố cho vợ chồng chị (không làm giấy tờ). Năm 2001, anh Nam được cấp giấy đỏ đứng tên hộ anh Nam nên đất này là tài sản chung của vợ chồng. Chị Hồng yêu cầu được sử dụng nhà đất và thanh toán 1/2 giá trị cho anh Nam.
Theo anh Nam, thửa đất này cha mẹ anh chỉ cho vợ chồng anh ở nhờ. Năm 2001, anh tự kê khai làm giấy tờ đất, gia đình anh không biết. Quan điểm của anh là trả đất lại cho cha mẹ anh. Còn theo cha mẹ anh, ông bà cho vợ chồng anh Nam ở chứ không cho đất. Khi chị Hồng xin ly hôn thì gia đình mới biết là anh Nam đã tự động sang tên đất từ năm 2001. Nay ông bà yêu cầu anh Nam, chị Hồng trả lại đất...
Tòa sơ, phúc thẩm: Trả đất cho cha mẹ chồng
Tháng 5-2011, TAND huyện Thường Tín xử sơ thẩm đã chấp nhận cho chị Hồng ly hôn anh Nam, giao cháu gái cho chị Hồng nuôi dưỡng (cháu gái muốn ở với chị Hồng, cháu trai đến khi xét xử đã hơn 18 tuổi - NV)...
Tòa xác nhận căn nhà là tài sản chung của chị Hồng và anh Nam; xác nhận quyền sử dụng đất thuộc hộ gia đình ông Phác và buộc chị Hồng, anh Nam phải trả lại đất cho hộ gia đình ông Phác. Giao hộ gia đình ông Phác được quyền sở hữu toàn bộ tài sản trên thửa đất này, buộc ông Phác phải thanh toán cho chị Hồng và anh Nam mỗi người gần 238 triệu đồng...
Tòa cũng ghi nhận sự tự nguyện của anh Nam hỗ trợ chị Hồng 800 triệu đồng. Ngoài ra, tòa buộc chị Hồng phải thanh toán trả cho một chủ nợ gần 180 triệu đồng. Với các yêu cầu còn lại của chị Hồng, tòa đều bác.
Chị Hồng kháng cáo. Tháng 9-2011, TAND TP Hà Nội xử phúc thẩm đã tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Giám đốc thẩm: Tài sản chung của vợ chồng
Tháng 1-2013, chánh án TAND Tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy hai bản án sơ, phúc thẩm về phần quan hệ tài sản... Sau đó, Tòa Dân sự TAND Tối cao đã quyết định hủy hai bản án sơ, phúc thẩm về phần quan hệ tài sản, giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện Thường Tín xử sơ thẩm lại.
Theo HĐXX giám đốc thẩm, tài sản mà các đương sự tranh chấp là 80 m2 đất đứng tên hộ anh Nam. Hồ sơ thể hiện nguồn gốc đất là của ông Phác được UBND xã Vân Tảo cấp từ năm 1991. Khi làm thủ tục cấp đất, anh Nam đi bộ đội chưa về địa phương nhưng việc cấp đất giãn dân là cấp cho hộ ông Phác và các con nên anh Nam cũng là đối tượng được cấp đất... Năm 1993, gia đình ông Phác cho vợ chồng anh Nam ra ở riêng trên thửa đất này và vợ chồng anh quản lý, sử dụng đất liên tục từ đó đến nay.
Theo xác minh tại UBND xã Vân Tảo, năm 2001, xã tổ chức cho các hộ dân đăng ký kê khai để xét cấp giấy đỏ tại trụ sở thôn xóm. Tất cả hộ dân trong xã đều biết về chủ trương kê khai đất này. Ông Phác là chủ đất nhưng không đi kê khai. Anh Nam đang ở trên đất và là người đi kê khai làm thủ tục cấp giấy đỏ. Tháng 12-2001, anh Nam được cấp giấy đỏ đứng tên hộ anh Nam. Vợ chồng anh đã xây nhà hai tầng kiên cố vào năm 2002... Gia đình ông Phác đều biết việc xây dựng trên nhưng không ai có ý kiến gì.
Như vậy, từ khi được cấp giấy đỏ (2001) cho đến khi có việc ly hôn của anh Nam, chị Hồng (2009), gia đình ông Phác không ai có khiếu nại gì về việc cấp đất, xây nhà này. Điều đó thể hiện ý chí của gia đình ông Phác là đã cho anh Nam và chị Hồng thửa đất trên. Việc ông Phác và anh Nam khai rằng anh Nam tự ý kê khai giấy tờ đất, ông Phác không biết là không có cơ sở chấp nhận. Việc tòa các cấp xác định đất là tài sản thuộc hộ gia đình ông Phác, đồng thời buộc anh Nam, chị Hồng trả lại đất cho gia đình ông Phác là không đúng. Cần xác định thửa đất tranh chấp là tài sản chung của anh Nam, chị Hồng và khi chia phải coi anh Nam có công sức đóng góp nhiều hơn và cần phải căn cứ vào nhu cầu về chỗ ở...
Nên phát triển thành án lệ
Theo luật sư Nguyễn Duy Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM), cấp giám đốc thẩm phân tích, quyết định như trên là đúng. Đây là một trường hợp cha mẹ cho đất phổ biến, phù hợp với phong tục, tập quán, thói quen trong gia đình, cộng đồng dân cư ở nước ta từ trước đến nay. Nhận định không có bằng chứng chứng minh gia đình ông Phác cho đất là không thuyết phục vì suốt quá trình anh Nam, chị Hồng sử dụng đất, xây nhà, đăng ký, kê khai... đều công khai và phía gia đình ông Phác dù biết nhưng không tranh chấp gì.
Tuy nhiên, luật sư Bình cho rằng các tòa cấp dưới không nên rập khuôn, cứ thấy có việc sử dụng đất, xây dựng, kê khai, hợp thức hóa là công nhận tài sản chung mà cần phải căn cứ vào chứng cứ cụ thể và sự phân tích đúng đắn. Bởi lẽ thực tế vẫn có trường hợp cha mẹ chỉ mới cho ở (vì sợ con cái bán mất hoặc chưa an tâm vào quan hệ hôn nhân của con) nhưng sau đó con cái lại lén lút đi hợp thức hóa chủ quyền.
Ngoài ra, luật sư Bình đề nghị TAND Tối cao cần định hướng rõ khi thụ lý lại vụ án, tòa sơ thẩm phải xác định lại quan hệ tranh chấp là “tranh chấp tài sản chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở” vì quan hệ tranh chấp về hôn nhân, nuôi con chung đã có hiệu lực pháp luật...
Luật sư Chu Văn Hưng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng đồng tình với phân tích của cấp giám đốc thẩm. Theo ông, vụ án này có thể nâng lên làm án lệ vì hiện nay việc cha mẹ hai bên cho vợ chồng một phần đất cất nhà ở riêng nhưng không làm giấy tờ khá phổ biến. Khi xảy ra mâu thuẫn ly hôn thì bên cho đất không muốn chia cho bên kia, trong khi pháp luật hiện hành lại chưa cụ thể, chưa bao quát trong trường hợp này.
Cấp giám đốc thẩm tuyên có căn cứ
Quyết định giám đốc thẩm nhận định và tuyên như vậy là có căn cứ, đúng pháp luật, đã xem xét khách quan, toàn diện và đầy đủ tất cả chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, kể cả văn bản xác minh tại chính quyền địa phương (để bổ sung chứng cứ trước những vấn đề hai bên đương sự khai không thống nhất và cũng không có chứng cứ nào chứng minh).
Bài học cần rút ra cho các thẩm phán trong công tác xét xử án dân sự nói chung, qua quyết định giám đốc thẩm nói trên là phải cố gắng để tìm ra sự thật khách quan của vụ án. Quyết định giám đốc thẩm này còn giải thích điều luật trên cơ sở phân tích các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Theo tôi, nội dung đề xuất đã hội đủ điều kiện để đưa vào hệ thống án lệ trong hoạt động tư pháp Việt Nam.
Bà NGUYỄN NGỌC LẠC, nguyên Thẩm phán TAND Tối cao
|
Nguồn: http://plo.vn/phap-luat/gioi-thieu-an-le-bai-3-dat-nha-chong-cho-ly-hon-la-tai-san-chung-616416.html