Video

Văn phòng Thừa phát lại

Thống kê
Vistited  
Online  

Giới thiệu ‘án lệ’ - Bài 1: Áp tình tiết giảm nhẹ sai, xử dưới khung sai

Thursday, 10/03/2016, 09:15 GMT+7

Giới thiệu ‘án lệ’ - Bài 1: Áp tình tiết giảm nhẹ sai, xử dưới khung sai

Tháng 10-2015, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành Nghị quyết 03/2015 về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.

Đến nay, TAND Tối cao đã lựa chọn được 28 quyết định giám đốc thẩm, một bản án phúc thẩm, dự kiến phát triển thành án lệ và đưa ra để các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước tham gia góp ý.

Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu tới bạn đọc một số bản án, quyết định trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, thương mại... cũng như ý kiến nhận xét, góp ý của chuyên gia.

Từ tháng 4-2006, Hứa Quan Timmy bắt đầu làm môi giới dẫn khách là người Việt Nam và Việt kiều vào CLB OV đánh bạc. Từ tháng 12-2006, Hứa Quan Timmy nhận môi giới dẫn khách thêm cho cả CLB De Palace. Tại hai CLB này (cùng ở TP.HCM), tổng số tiền thu lợi bất chính của Hứa Quan Timmy khoảng 4,1 tỉ đồng.

Được xử nhẹ

Sau đó Hứa Quan Timmy và 23 người khác bị khởi tố, truy tố về các tội tổ chức đánh bạc, đánh bạc. Riêng Hứa Quan Timmy trong giai đoạn điều tra đã nộp lại 100 triệu đồng tiền thu lợi bất chính, 150 triệu đồng tiền bảo đảm để được tại ngoại. Trước khi xét xử sơ thẩm, Hứa Quan Timmy nộp thêm 50 triệu đồng tiền thu lợi bất chính, tổng cộng là 300 triệu đồng.

Tháng 1-2009, TAND TP.HCM đã xử sơ thẩm, phạt 23 bị cáo lần lượt từ một năm tù treo đến năm năm tù. Riêng với Hứa Quan Timmy, tòa nhận định bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ như tự nguyện khắc phục hậu quả, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, là Việt kiều nên nhận thức về pháp luật Việt Nam còn hạn chế, đang bị viêm gan siêu vi, đang nuôi con nhỏ... Từ đó tòa đã áp dụng Điều 47 để xử dưới khung, chỉ phạt Hứa Quan Timmy sáu tháng 22 ngày tù về tội tổ chức đánh bạc theo khoản 2 Điều 249 BLHS, phạt bổ sung 20 triệu đồng để sung quỹ nhà nước theo khoản 3 Điều 249 BLHS. Tòa còn áp dụng Điều 76 BLTTHS để tịch thu 300 triệu đồng mà Hứa Quan Timmy đã nộp, đồng thời tuyên buộc Hứa Quan Timmy nộp tiếp 3,8 tỉ đồng tiền thu lợi bất chính.

Sau phiên xử, có bốn bị cáo kháng cáo xin hưởng án treo. Tháng 7-2009, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao xử phúc thẩm đã y án sơ thẩm với ba bị cáo, giảm án cho bị cáo còn lại. Về phần mình, Hứa Quan Timmy không kháng cáo nhưng viện trưởng Viện Phúc thẩm 3 VKSND Tối cao kháng nghị, đề nghị tòa phúc thẩm xem xét lại phần quyết định của bản án sơ thẩm đối với bị cáo này. Tòa phúc thẩm không chấp nhận về hình thức kháng nghị nên không xem xét nội dung kháng nghị.

Các bị cáo tại phiên xử sơ thẩm (ảnh trên) và tại phiên phúc thẩm (ảnh dưới). Ảnh: Internet

Tòa sơ thẩm vận dụng không đúng

Tháng 8-2009, viện trưởng VKSND Tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy phần quyết định của bản án sơ thẩm đối với Hứa Quan Timmy. Tháng 5-2010, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã hủy phần bản án nói trên để xét xử lại.

Theo Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, việc Hứa Quan Timmy nộp 300 triệu đồng trong giai đoạn điều tra và trước khi xét xử sơ thẩm không phải là khắc phục hậu quả mà là nộp khoản tiền thu lợi bất chính cùng tiền bảo đảm để được tại ngoại. Do đó, bị cáo không được hưởng tình tiết giảm nhẹ là tự nguyện khắc phục hậu quả quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 BLHS. Còn các tình tiết giảm nhẹ khác như bị cáo là Việt kiều nên nhận thức về pháp luật Việt Nam còn hạn chế, đang nuôi con nhỏ... chỉ là các tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 46 BLHS. Theo Điều 47 BLHS thì bị cáo không đủ điều kiện để tòa sơ thẩm xử dưới khung (phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS - NV).

Mặt khác, tính chất, mức độ của hành vi phạm tội do Hứa Quan Timmy thực hiện nghiêm trọng hơn, số tiền thu lợi bất chính đặc biệt lớn và nhiều hơn rất nhiều so với một số bị cáo khác trong vụ án nhưng mức án mà tòa sơ thẩm tuyên đối với Hứa Quan Timmy lại nhẹ hơn là không tương xứng với hành vi và hậu quả của việc phạm tội do bị cáo gây ra.

Ngoài ra, việc tòa sơ thẩm tuyên tịch thu số tiền Hứa Quan Timmy nộp ở giai đoạn điều tra và trước khi xét xử sơ thẩm, sau đó buộc bị cáo phải nộp số tiền thu lợi bất chính còn lại (sau khi trừ số tiền đã tịch thu trong tổng số tiền thu lợi bất chính buộc các bị cáo phải nộp) để sung quỹ nhà nước là không chính xác. Nếu đã tuyên tịch thu thì số tiền đó không thể dùng để khấu trừ cho nghĩa vụ phải nộp tiền thu lợi bất chính. Trong trường hợp này, tòa sơ thẩm chỉ cần tuyên buộc bị cáo phải nộp toàn bộ số tiền thu lợi bất chính để sung quỹ nhà nước, sau đó trừ đi số tiền đã nộp trước đó, còn lại số tiền phải nộp.

Không phải là khắc phục hậu quả

Các nhận định trên của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cũng là nội dung mà TAND Tối cao dự kiến đề xuất công nhận là án lệ.

Ông Phạm Công Hùng (nguyên Thẩm phán TAND Tối cao) phân tích: Đúng như Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao nhận định, tình tiết bị cáo Hứa Quan Timmy nộp tiền trong giai đoạn điều tra và trước khi xét xử sơ thẩm không phải là khắc phục hậu quả. Về việc tuyên tịch thu tiền thu lợi bất chính, ông Hùng đồng tình với nhận định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM) và luật sư Đặng Thành Trí (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng đồng tình với nhận định không thể xem việc bị cáo nộp tiền trong giai đoạn điều tra và trước khi xét xử sơ thẩm là tự nguyện khắc phục hậu quả được. Theo hai chuyên gia này, đây là tiền thu lợi bất chính và bị cáo phải có trách nhiệm nộp lại.

Còn luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) thì đồng tình với nhận định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về việc tòa sơ thẩm phạt Hứa Quan Timmy nhẹ hơn một số bị cáo khác cùng vụ là không tương xứng bởi tính chất, mức độ của hành vi phạm tội do bị cáo thực hiện nghiêm trọng hơn, số tiền thu lợi bất chính nhiều hơn...

“Đã có luật thì không cần lệ”

Dù không bán sợi nhưng từ tháng 6-2001 đến tháng 1-2002, Đặng Thị Mai Trinh vẫn xuất bán bảy hóa đơn GTGT ghi nội dung bán sợi, hưởng lợi hơn 18 triệu đồng. Tương tự, dù không gia công hàng may mặc nhưng trong tháng 7-2001, Nguyễn Văn Tâm vẫn xuất bán hai hóa đơn giá trị gia tăng ghi nội dung gia công hàng may mặc, hưởng lợi hơn 5 triệu đồng. Sau khi bị khởi tố, Trinh và Tâm đã nộp lại số tiền thu lợi bất chính. Tháng 2-2010, TAND TP.HCM đã phạt Trinh hai năm tù treo, Tâm bốn tháng 13 ngày tù về tội lưu hành giấy tờ có giá giả.

Tháng 3-2010, viện trưởng VKSND TP.HCM kháng nghị phúc thẩm theo hướng không cho Trinh hưởng án treo, tăng hình phạt đối với Tâm. Tháng 6-2010, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã chấp nhận kháng nghị, phạt Trinh hai năm tù, Tâm một năm tù treo.

Tháng 6-2013, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm để xác định lại chính xác tội danh và mức độ trách nhiệm hình sự của hai bị cáo. Theo Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, tại thời điểm xét xử, BLHS 1999 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và có hiệu lực từ ngày 1-1-2010. Theo BLHS sửa đổi, bổ sung năm 2009, hành vi phạm tội của hai bị cáo cấu thành tội mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước (Điều 164a) là tội nhẹ hơn so với tội lưu hành giấy tờ có giá giả. Vì thế, việc hai cấp tòa sơ, phúc thẩm kết án Trinh và Tâm về tội lưu hành giấy tờ có giá giả là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng BLHS.

Về nội dung đề xuất làm án lệ nói trên của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, luật sư Nguyễn Văn Hồng (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận xét: Nhận định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao là đúng. Tuy nhiên, TAND Tối cao không nên chọn vụ án này để phát triển thành án lệ bởi vấn đề đã được luật quy định rõ, chỉ do các cấp tòa sơ, phúc thẩm áp dụng sai.

Nguồn: http://plo.vn/phap-luat/gioi-thieu-an-le-bai-1-ap-tinh-tiet-giam-nhe-sai-xu-duoi-khung-sai-616038.html


Written : thanhtuyen

Search date :    

Go Top
Đăng ký tư vấn
Công ty luật FUJILAW