Video

Văn phòng Thừa phát lại

Thống kê
Vistited  
Online  

FAQs

 

Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp và giải đáp. Nếu bạn còn có những câu hỏi nào khác liên quan đến dịch vụ của chúng tôi vui lòng gửi câu hỏi và nhớ ghi rõ tiêu đề câu hỏi cũng như nội dung để nhận được giải đáp nhanh nhất.

Send question

Trả lời cho câu hỏi của một bạn sinh viên luật sắp ra trường: "Vị trí Thứ ký thừa phát lại thường phải làm những công việc gì ạ?"

Để trở thành một thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại điều kiện đầu tiên là bạn cần tốt nghiệp trung cấp luật hoặc một chứng chỉ đào tạo chuyên ngành luật cao hơn. Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại hỗ trợ Thừa phát lại trong quá trình thực hiện nghiệp vụ. Về cơ bản, các công việc của Thừa phát lại gồm có: tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án và thi hành án. Chính vì vậy, Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại sẽ hỗ trợ Thừa phát lại trong việc thực hiện các công việc nêu trên. Cụ thể từng việc có thể được nêu chi tiết hơn như sau:

- Trong hoạt động tống đạt, thông thường các văn phòng Thừa phát lại sẽ có 2 bộ phận: thứ nhất là thư ký nghiệp vụ thực hiện việc tống đạt và thứ 2 là bộ phận quản lý tống đạt. Thư ký tống đạt thực hiện việc tống đạt văn bản của các cơ quan ban hành như Tòa án, Cơ quan Thi hành án, Viện kiểm sát đến các cơ quan, đương sự theo yêu cầu và đúng quy định của pháp luật tố tụng và các văn bản pháp luật liên quan. Thư ký nghiệp vụ tống đạt, trực tiếp và chủ động thực hiện việc tống đạt như: nhận văn bản tại các cơ quan ban hành, trực tiếp gặp đương sự để trao đổi và giao văn bản, liên hệ với các đơn vị như: công an xã, phường, ủy ban nhân dân phường, xã, tổ dân phố,… để phối hợp trong việc thực hiện tống đạt. Bộ phận còn lại quản lý về mặt thống kê số lượng văn bản, kiểm duyệt tính chính xác của các văn bản do thư ký tống đạt thực hiện, liên hệ và làm việc theo ủy quyền của Trưởng Văn phòng Thừa phát lại với các cơ quan ban hành về việc thanh toán, thanh lý hợp đồng dịch vụ tống đạt,…

- Trong hoạt động lập vi bằng, thư ký nghiệp vụ hỗ trợ Thừa phát lại trong việc tìm hiểu, tiếp nhận hồ sơ liên quan đến việc lập vi bằng. Tại hiện trường nơi diễn ra sự kiện được yêu cầu lập vi bằng, Thư ký nghiệp vụ thực hiện các công việc như: chụp hình, quay phim, ghi chép diễn biến sự kiện được yêu cầu lập vi bằng, liên hệ các bên liên quan,… theo sự hướng dẫn của Thừa phát lại. Sau khi lập vi bằng tại hiện trường, Thư ký nghiệp vụ hỗ trợ Thừa phát lại trong việc soạn thảo nội dung vi bằng về sự kiện đã được ghi nhận.

- Trong việc xác minh điều kiện thi hành án và thi hành án, các hoạt động chủ yếu được Thừa phát lại thực hiện, Thư ký nghiệp vụ giúp việc cho Thừa phát lại theo các yêu cầu và hướng dẫn cụ thể như: liên hệ các đơn vị liên quan trong việc thi hành án và xác minh điều kiện thi hành án, soạn thảo các văn bản, công văn, quyết định liên quan đến việc thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án.

Thực hiện công việc với tư cách là một thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại sẽ là cơ hội để một cử nhân luật hoặc một bạn trẻ mới kết thúc việc đào tạo chuyên ngành luật có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với đương sự và được tham gia sâu vào công việc nghề có tính thực tiễn. Thư ký nghiệp vụ được rèn luyện tính chủ động trong công việc và phát triển các kỹ năng như: giao tiếp, làm việc nhóm, tra cứu văn bản pháp luật và giải quyết vấn đề - những nền tảng quan trọng của một bạn trẻ khi bước vào nghề luật.

Hình ảnh có thể có: máy ảnh
 
 
 
 

Cảm ơn bạn đã gửi nội dung đề nghị tư vấn tới chúng tôi, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Để đảm bảo quyền lợi của các bên trong quan hệ ủy quyền, Điều 569 Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015 quy định trình tự, thủ tục để các bên được đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền:

1. Trường hợp bên ủy quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng:

- Ủy quyền có thù lao: bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại;

- Ủy quyền không có thù lao: bên ủy quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên được ủy quyền một thời gian hợp lý.

- Bên ủy quyền phải báo bằng văn bản cho người thứ ba biết về việc bên ủy quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng; nếu không báo thì hợp đồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết về việc hợp đồng ủy quyền đã bị chấm dứt.

2. Trường hợp bên được ủy quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng:

- Ủy quyền có thù lao: bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào và phải bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền, nếu có.

- Ủy quyền không có thù lao: bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên ủy quyền biết một thời gian hợp lý;

Theo quy định trên, bên muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền phải trả thù lao ủy quyền (đối với trường hợp ủy quyền có thù lao) hoặc  bồi thường thiệt hại (nếu có) hoặc  thông báo về việc chấm dứt hợp đồng ủy quyền. Để có cơ sở chứng minh việc đã thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, bên muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng có thể sử dụng vi bằng của Thừa phát lại để làm chứng cứ. Cụ thể như sau:

+ Yêu cầu Thừa phát lại lập Vi bằng ghi nhận buổi làm việc thanh toán tiền thù lao hoặc bồi thường thiệt hại (nếu có).

+ Trích xuất nội dung ghi âm về buổi làm việc thanh toán tiền thù lao hoặc bồi thường thiệt hại (nếu có).

+ Yêu cầu Thừa phát lại lập Vi bằng ghi nhận việc giao thông báo về việc chấm dứt hợp đồng ủy quyền cho bên được ủy quyền.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, nếu ủy quyền có thù lao, bạn có thể yêu cầu Thừa phát lại lập Vi bằng ghi nhận buổi làm việc thanh toán tiền thù lao hoặc bồi thường thiệt hại (nếu có); lập Vi bằng trích xuất nội dung ghi âm buổi làm việc; Nếu ủy quyền không có thù lao, bạn có thể yêu cầu Thừa phát lại lập Vi bằng ghi nhận việc giao thông báo về việc chấm dứt hợp đồng ủy quyền cho ông Nguyễn Văn An. Sau đó, đến tổ chức công chứng để làm thủ tục đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền.

Trân trọng!

Tôi có miếng đất được cấp giấy đỏ năm 2011. Năm 2013, tôi lấy vợ. Nay tôi muốn đi công chứng bán đất thì có cần có ý kiến của vợ tôi, hay chỉ cần mình tôi đi công chứng là đủ vì đất là do tự tôi mua?

TRẢ LỜI

DƯƠNG THỊ THANH LAN, Phó phòng Bổ trợ Sở Tư pháp (TP.HCM), trả lời: Điều 43 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về tài sản riêng của vợ, chồng gồm: tài sản mà mỗi người có được trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng hoặc tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân…

Tại khoản 1,4 Điều 44 luật trên quy định vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình,… Trong trường hợp vợ, chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của chồng, vợ.

Trường hợp của bạn, giấy đỏ được cấp trước khi bạn kết hôn nên miếng đất là tài sản riêng của bạn. Khi đi giao dịch, bạn cần xuất trình giấy chứng nhận kết hôn để chứng minh việc kết hôn là sau thời điểm có tài sản. Riêng trường hợp hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của vợ.

Lưu ý với bạn, trường hợp đất làm nhà ở có xây dựng nhà trong thời kỳ hôn nhân thì vẫn phải có ý kiến của vợ bạn trong các giao dịch.

(Nguồn: PLO - KIM PHỤNG ghi)

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời bà Lê Nguyệt Ánh như sau:

Khoản 2, Điều 122 Luật Nhà ở năm 2014 quy định, đối với trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.

Điều 465, Điều 466 Bộ Luật Dân sự quy định, hợp đồng tặng cho tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận; Hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực khi bên được tặng cho nhận tài sản; đối với động sản mà pháp luật có quy định đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký.

Trường hợp mẹ của bà Lê Nguyệt Ánh có ý định lập hợp đồng ủy quyền cho bà Ánh quản lý cho thuê nhà ở và lập hợp đồng tặng cho bà Ánh tiền thu được từ việc cho thuê nhà, thì hai hợp đồng đó pháp luật quy định không bắt buộc phải công chứng, chứng thực, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.

Thẩm quyền công chứng, chứng thực hợp đồng

Theo quy định tại Điều 40, Điều 41, Điều 42 Luật Công chứng năm 2014, việc công chứng hợp đồng giao dịch thuộc thẩm quyền của công chứng viên tại các tổ chức hành nghề công chứng.

Theo quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 5 và Điểm c, Điểm d, Khoản 2, Điều 5  Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch, thì:

- Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện có thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản;

- UBND cấp xã chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản và chứng thực hợp đồng, giao dịch về nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở.

Trường hợp bà Lê Nguyệt Ánh và mẹ có yêu cầu công chứng hoặc chứng thực hợp đồng ủy quyền quản lý nhà ở và hợp đồng tặng cho tài sản là động sản (tiền thu được từ việc cho thuê nhà ở), có thể đến tổ chức công chứng, hoặc UBND cấp xã để thực hiện.

Khi nhà mất trộm, không phải ai cũng biết xử lý tình huống này như thế nào ngoài việc báo công an. Trong khi đó, bạn có thể mất nhiều giấy tờ quan trọng mà rất phiền hà để làm lại. Trong kỳ này, LS Nguyễn Đức Chánh - Giám đốc công ty luật Đức Chánh sẽ tư vấn cho bạn đọc Dân trí những việc phải làm khi nhà bị mất trộm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).

 

Luật sư hướng dẫn xử lý tình huống bị mất sổ đỏ

Thưa luật sư, một bạn đọc gửi về chương trình câu hỏi: “Nhà tôi bị mất trộm, trong đó có sổ đỏ nhà đất. Hiện tôi rất lo lắng vì không biết kẻ gian có lấy đi cầm cố hay làm gì không. Bây giờ tôi phải làm sao?”. Xin luật sư cho bạn đọc một lời khuyên!

Kính chào bạn đọc Dân trí đang theo dõi chương trình "Ba phút cùng luật sư"!

Về câu hỏi này, đầu tiên, tôi khuyên bạn nên yên tâm. Bởi các giao dịch liên quan đến bất động sản hiện nay theo quy định của pháp luật đều phải do người có tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thực hiện hoặc phải có sự ủy quyền bằng văn bản cho người khác, được công chứng chứng thực mới có hiệu lực pháp luật. Kẻ gian rất khó sử dụng giấy tờ nhà đất trộm được để đem đi cầm cố, chuyển nhượng…

Do đó, việc bạn cần làm bây giờ là khai báo ngay với UBND cấp phường-xã, nơi mảnh đất tọa lạc để thực hiện việc niêm yết thông báo mất giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thực hiện thủ tục xin cấp lại. UBND cấp phường-xã có trách nhiệm niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận của bạn tại trụ sở UBND phường-xã.

Sau khi thông báo 15 ngày mà không có khiếu nại gì, xã sẽ cấp giấy chứng nhận cho người mất để làm thủ tục xin cấp lại giấy chứng nhận.


Bạn đọc yên tâm khi mất sổ đỏ vì các giao dịch nhà đất có quy định rất chặt chẽ.

Bạn đọc yên tâm khi mất sổ đỏ vì các giao dịch nhà đất có quy định rất chặt chẽ.

Vậy hồ sơ xin cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã mất bao gồm những gì thưa luật sư?

Theo các quy định tại khoản 2, Điều 10, Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT, hồ sơ cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bao gồm:

- Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (theo mẫu);

- Giấy khai báo việc mất Giấy chứng nhận;

- Giấy xác nhận của UBND cấp xã về việc đã niêm yết thông báo mất giấy chứng nhận tại UBND cấp xã.

Sau khi chuẩn bị xong hồ sơ, người mất giấy chứng nhận nộp tại Văn phòng đăng ký đất đai nơi cư trú.

Khi người mất được cấp Giấy chứng nhận mới sẽ tồn tại 2 Giấy chứng nhận cho 1 thửa đất. Điều này có sao không thưa luật sư?

Sau khi nhận đủ hồ sơ xin cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Văn phòng đăng ký đất đai tại địa phương sẽ kiểm tra hồ sơ; trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất; lập hồ sơ trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký quyết định hủy Giấy chứng nhận bị mất, đồng thời ký cấp lại Giấy chứng nhận mới; chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai. Do đó, khi người mất được cấp giấy mới thì Giấy chứng nhận cũ không còn giá trị vì đã có quyết định hủy.

Xin cảm ơn luật sư!

Nguồn: Dantri.com.vn

Luật sư LÊ VĂN HOANTrưởng Văn phòng luật sư Lê Văn (TP.HCM), trả lời: Nếu cho rằng cơ quan cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng đối tượng thì ông/bà làm đơn gửi cơ quan đã cấp giấy chứng nhận (trong trường hợp này là UBND cấp huyện nơi có đất) yêu cầu thu hồi giấy chứng nhận đã cấp. Quá trình giải quyết, UBND cấp huyện thấy rằng giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai thì sẽ ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đã cấp.

Việc thu hồi giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp này được thực hiện sau khi đã có kết luận của cơ quan thanh tra cùng cấp, văn bản có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai.

Trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai thì cơ quan cấp giấy chứng nhận không có thẩm quyền thu hồi mà sẽ hướng dẫn các bên khởi kiện ra tòa án để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Nguồn: http://netluat.phapluattp.vn/

Công chứng viên ông NGUYỄN HỒ PHƯƠNG VINH, Phó phòng Công chứng số 1 (TP.HCM), trả lời: Theo khoản 2 Điều 122 Luật Nhà ở năm 2014, quy định trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng (trừ trường hợp các bên có nhu cầu).

Như vậy, theo quy định nêu trên thì việc cho thuê nhà của bạn không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng cho thuê (trừ trường hợp các bên có nhu cầu). Tuy nhiên, nếu các bên thỏa thuận yêu cầu công chứng hợp đồng thuê nhà thì theo Luật Công chứng công chứng viên vẫn thực hiện chứng nhận hợp đồng, giao dịch này.  

Lưu ý, đối với các giao dịch quy định nêu trên thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là do các bên thỏa thuận; trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm ký kết hợp đồng.

(Nguồn: PLO)

Ngày 16/11/2015, Bộ Tư pháp đã ban hành công văn 4233 hướng dẫn thẩm quyền về công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất, nhà ở như sau:

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại Thông báo số 347/TB-VPCP ngày 27/8/2014 của Văn phòng Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai, Bộ Tư pháp đã có 02 Công văn hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất (Công văn số 4800/BTP-BTTP ngày 21/11/2014 và Công văn số 2271/BTP-BTTP ngày 29/6/2015).  Thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 01/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về “đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường”, đồng thời để trả lời vướng mắc phát sinh liên quan đến vấn đề này mà vừa qua Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu các Bộ liên quan tháo gỡ, thời gian qua Bộ Tư pháp đã chủ trì họp trao đổi ý kiến với đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ. Trên cơ sở ý kiến trao đổi và lấy ý kiến bằng văn bản của các Bộ, cơ quan ngang Bộ nêu trên, Bộ Tư pháp hướng dẫn cụ thể về việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất, nhà ở như sau:

1. Các quy định có liên quan về vấn đề công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất, nhà ở trong Luật đất đai năm 2013, Luật nhà ở năm 2014, Luật công chứng năm 2014 và Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch (sau đây gọi tắt là Nghị định số 23/2015/NĐ-CP) không có sự mâu thuẫn nhau. Cụ thể:

- Luật đất đai năm 2013 quy định hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản 3 Điều 167 của Luật này;

- Luật nhà ở năm 2014 quy định trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải thực hiện công chứng, chứng thực; tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở theo quy định tại khoản 2 Điều 122 thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.

Như vậy, theo các quy định của Luật đất đai, Luật nhà ở nêu trên, cá nhân, tổ chức khi thực hiện các quyền của mình đối với quyền sử dụng đất, nhà ở được lựa chọn công chứng tại các tổ chức hành nghề công chứng hoặc chứng thực tại Ủy ban nhân dân cấp xã. Việc công chứng được thực hiện theo thủ tục quy định tại Luật công chứng năm 2014. Việc chứng thực được thực hiện theo thủ tục quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP.

2. Công chứng và chứng thực là hai việc khác nhau. Công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực và tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch; công chứng viên phải chịu trách nhiệm về nội dung của hợp đồng, giao dịch, chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng của mình, bồi thường thiệt hại do mình gây ra trong quá trình hành nghề công chứng nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch. Chứng thực là việc là việc Ủy ban nhân dân cấp xã chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch; người yêu cầu chứng thực phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch.

Do đó, để các cá nhân, tổ chức khi giao kết hợp đồng, văn bản về quyền sử dụng đất, nhà ở hiểu được sự giống nhau và khác nhau giữa công chứng và chứng thực, đặc biệt là về hệ quả pháp lý của hai hình thức này, từ đó quyết định việc lựa chọn công chứng hoặc chứng thực phù hợp với nhu cầu, điều kiện và hoàn cảnh của mình, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo: (1) Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và các Sở, ban, ngành có liên quan thường xuyên tổ chức tuyên truyền về các quy định của pháp luật có liên quan đến việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất, nhà ở cũng như pháp luật về công chứng, chứng thực, sự khác nhau giữa công chứng, chứng thực qua đó góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, nhà ở, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn; (2) khi tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, chứng thực, tổ chức hành nghề công chứng, Ủy ban nhân dân dân cấp xã phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực và pháp luật khác có liên quan, đồng thời tuyên truyền, giải thích cho cá nhân, tổ chức hiểu rõ sự khác nhau và hệ quả pháp lý giữa công chứng và chứng thực; trường hợp tổ chức hành nghề công chứng thấy hợp đồng, giao dịch đơn giản, các bên tin tưởng nhau thì công chứng viên công chứng hoặc hướng dẫn cá nhân, tổ chức lựa chọn chứng thực tại Ủy ban nhân dân cấp xã; ngược lại, trường hợp hợp đồng, giao dịch phức tạp, tiềm ẩn rủi ro cho các bên, thì Ủy ban nhân dân cấp xã hướng dẫn cá nhân, tổ chức lựa chọn công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng.

3. Thực hiện điểm b khoản 4 Điều 26 Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (thời điểm thực hiện Luật đất đai năm 2003), Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành quyết định  chuyển giao thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch từ Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện sang các tổ chức hành nghề công chứng tại một số địa bàn cấp huyện. Nay, Nghị định số 88/2009/NĐ-CP đã bị bãi bỏ, thực hiện quy định của Luật đất đai năm 2013, Luật nhà ở năm 2014, Luật công chứng năm 2014 và Nghị định số 23/2015/NĐ-CP, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không ban hành tiếp quyết định mở rộng phạm vi chuyển giao.

Đối với những địa bàn đã chuyển giao, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Công an, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Ủy ban nhân dân, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Mặt trận Tổ quốc tỉnh khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện việc chuyển giao, đề xuất ý kiến báo cáo Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Trong trường hợp hoạt động công chứng đã ổn định, được nhân dân tin tưởng, góp phần phát triển tốt kinh tế - xã hội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giảm thiểu được rủi ro, tranh chấp về đất đai, nhà ở trên địa bàn thì không quyết định lại việc chuyển giao từ tổ chức hành nghề công chứng sang Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện, qua đó góp phần giảm tải công tác hành chính tư pháp cho Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách hành chính và đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ công, đặc biệt là Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016.

Trên đây là hướng dẫn của Bộ Tư pháp về thẩm quyền công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch nhằm thực hiện thống nhất Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật công chứng và Nghị định số 23/2015/NĐ-CP. Công văn này thay thế Công văn số 4800/BTP-BTTP ngày 21/11/2014 và Công văn số 2271/BTP-BTTP ngày 29/6/2015, kính gửi Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo thực hiện.

(PLO)- UBND cấp xã nơi thường trú sẽ thực hiện việc cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân Việt Nam. Trường hợp không có nơi thường trú thì UBND cấp xã nơi đăng ký tạm trú sẽ thực hiện việc này.
Thông tư 15/2014/TT-BCA có quy định về đăng ký xe có quy định về giấy tờ của xe khi thực hiện việc đăng ký, cấp biển số.

Giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân phải có công chứng theo quy định của pháp luật về công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đối với chữ ký của người bán, cho, tặng xe theo quy định của pháp luật về chứng thực.

Như vậy về nguyên tắc thì việc chuyển nhượng phải được Công chứng, chứng thực theo quy định pháp luật. Nhưng thực tế hiện nay có rất nhiều trường hợp xe đã được chuyển nhượng qua nhiều người chỉ bằng giấy viết tay với nhau. Để giải quyết những trường hợp này tại Điều 24 Thông tư 15/2014/TT-BCA có quy định giải quyết một số trường hợp cụ thể để giải quyết đăng ký sang tên xe đối với trường hợp xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người.

Nếu mua xe mà có đăng ký xe trong phạm vi tỉnh, Thành phố cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Thông tư 15/2014/TT-BCA như sau:

1. Đăng ký sang tên xe trong cùng tỉnh

a) Trường hợp người đang sử dụng xe có chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người bán cuối cùng, hồ sơ gồm:

Giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe (mẫu số 3 ban hành kèm heo Thông tư này) có cam kết của người đang sử dụng xe chịu trách nhiệm trước pháp luật về xe làm thủ tục đăng ký, có xác nhận về địa chỉ thường trú của người đang sử dụng xe của Công an cấp xã nơi người đang sử dụng xe thường trú.

Chứng từ nộp lệ phí trước bạ xe theo quy định.

Chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người bán cuối cùng.

Giấy chứng nhận đăng ký xe. Trường hợp bị mất giấy chứng nhận đăng ký xe phải trình bày rõ lý do trong giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe (mẫu số 3 ban hành kèm theo Thông tư này).

b) Trường hợp người đang sử dụng xe không có chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, hồ sơ gồm:

Giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe (mẫu số 3 ban hành kèm theo Thông tư này) có cam kết của người đang sử dụng xe chịu trách nhiệm trước pháp luật về xe làm thủ tục đăng ký, có xác nhận về địa chỉ thường trú của người đang sử dụng xe của Công an cấp xã nơi người đang sử dụng xe thường trú.

Chứng từ nộp lệ phí trước bạ xe theo quy định.

Giấy chứng nhận đăng ký xe. Trường hợp bị mất giấy chứng nhận đăng ký xe phải trình bày rõ lý do trong giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe (mẫu số 3 ban hành kèm theo Thông tư này).

Nếu mua xe mà có đăng ký xe ngoài phạm vi tỉnh, Thành phố cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Thông tư 15/2014/TT-BCA như sau:

2. Đăng ký sang tên, di chuyển xe đi tỉnh khác:

a) Trường hợp người đang sử dụng xe có chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người bán cuối cùng, hồ sơ gồm:

2 giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe (mẫu số 3 ban hành kèm theo Thông tư này) có cam kết của người đang sử dụng xe chịu trách nhiệm trước pháp luật về xe làm thủ tục đăng ký, có xác nhận về địa chỉ thường trú của người đang sử dụng xe của Công an cấp xã nơi người đang sử dụng xe thường trú.

Chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và chứng từ chuyển quyền sở hữu của người bán cuối cùng.

Giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe. Trường hợp bị mất giấy chứng nhận đăng ký xe hoặc biển số xe phải trình bày rõ lý do trong giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe (mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư này).

b) Trường hợp người đang sử dụng xe không có chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, hồ sơ gồm:

2 giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe (mẫu số 3 ban hành kèm theo Thông tư này) có cam kết của người đang sử dụng xe chịu trách nhiệm trước pháp luật về xe làm thủ tục đăng ký, có xác nhận về địa chỉ thường trú của người đang sử dụng xe của Công an cấp xã nơi người đang sử dụng xe thường trú.

Giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe. Trường hợp bị mất giấy chứng nhận đăng ký xe hoặc biển số xe phải trình bày rõ lý do trong giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe (mẫu số 3 ban hành kèm theo Thông tư này).

(Nguồn: Vnexpress.net)


Go Top
Đăng ký tư vấn
Công ty luật FUJILAW