Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật sẽ phải bồi thường
Bạn đọc có mail: bccututin@gmail.com hỏi: Bạn làm việc tại Cty AVN, ký hợp đồng 1 năm, đến năm 2016 mới hết hợp đồng, do gia đình có việc đột xuất nên bạn nghỉ việc nhưng không thông báo cho Cty. Sau khi xong việc gia đình, Cty làm thủ tục cho bạn nghỉ việc và thông báo bạn phải bồi thường hợp đồng bằng 45 ngày lương thì mới lấy được sổ bảo hiểm.
Hiện bạn đã làm ở Cty khác và Cty đang yêu cầu nộp sổ bảo hiểm. Bạn hỏi, có thể bỏ sổ bảo hiểm cũ, làm lại sổ mới được không, việc Cty yêu cầu bồi thường 45 ngày lương là đúng hay sai?
Luật sư Nguyễn Hoài Sơn - Cty luật TNHH Châu Á (Asialaw), Đoàn luật sư TP. Hà Nội trả lời:
- Thứ nhất: Có thể bỏ sổ bảo hiểm cũ, làm lại sổ mới được không?
Căn cứ Điều 43 Bộ luật Lao động 2012 (BLLĐ) quy định về nghĩa vụ của người lao động (NLĐ) khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật thì dù chấm dứt hợp đồng trái luật nhưng người sử dụng lao động (NSDLĐ) vẫn có trách nhiệm chốt sổ và trả sổ BHXH cho bạn. Theo đó trong vòng 7 ngày hoặc chậm nhất là 1 tháng, Cty sẽ phải hoàn trả sổ BHXH cho bạn. Nếu như Cty không trả, bạn có thể khởi kiện Cty ra tòa án huyện/quận nơi Cty có trụ sở làm việc yêu cầu tòa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bạn. Khi sang Cty mới mà chưa chốt được sổ ở Cty cũ, bạn vẫn có thể thông báo mã số sổ BHXH của mình để Cty đóng tiếp bảo hiểm cho bạn.
Trường hợp muốn làm sổ BHXH mới (bắt đầu lại) thì bạn phải tiến hành huỷ sổ BHXH cũ. Nếu huỷ sổ cũ, thời gian đã tham gia BHXH theo sổ cũ không được tính khi đóng BHXH mới.
Thứ 2: Cty cũ yêu cầu bạn bồi thường 45 ngày lương là đúng hay sai?
Trong trường hợp này, bạn không nói rõ lý do bạn tự ý nghỉ việc là gì? Có thuộc các trường hợp pháp luật cho phép hay không, nên chúng tôi chỉ có thể tư vấn cho bạn trong trường hợp bạn đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật như sau:
Ngoài các trường hợp chấm dứt HĐLĐ theo Điều 36 BLLĐ năm 2012 thì HĐLĐ có thể chấm dứt trong trường hợp NLĐ và NSDLĐ đưa ra yêu cầu đơn phương chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn theo quy định của BLLĐ năm 2012.
Ngoài ra, về phía NLĐ, nếu muốn đơn phương chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn cần phải có lý do đơn phương chấm dứt HĐLĐ thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 37 BLLĐ. Khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ, NLĐ phải tuân thủ thời hạn báo trước cho NSDLĐ theo quy định tại khoản 2, Điều 37 BLLĐ.
Như vậy, nếu NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn mà tuân thủ những điều kiện nói trên thì không phải bồi thường cho NSDLĐ. Ngược lại, nếu NLĐ vi phạm các điều kiện đơn phương chấm dứt HĐLĐ nói trên, tức là đơn phương chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn trái pháp luật thì theo Điều 43 BLLĐ, cụ thể với trường hợp của bạn sẽ phải bồi thường cho NSDLĐ “nửa tháng tiền lương + tiền lương những ngày nghỉ không báo trước”.
Bạn đọc có mail: trang_y@yahoo.com hỏi: Người nhận lương hưu khi định cư ở nước ngoài muốn nhận tiền một lần thì tính thế nào, thủ tục ra sao?
Luật sư Nguyễn Hoài Sơn - Cty luật TNHH Châu Á (Asialaw), Đoàn luật sư TP. Hà Nội trả lời:
- Theo Luật BHXH 2006 thì không có quy định về việc người lĩnh lương hưu khi định cư ở nước ngoài lĩnh tiền một lần. Mà thông qua cơ chế ủy quyền lĩnh thay theo các quy định của BHXH Việt Nam theo Quyết định số 488/QĐ-BHXH ngày 23.5.2012. Theo Luật BHXH năm 2014, có hiệu lực thi hành từ 1.1.2016, tại Điều 65 đã có quy định: Người đang hưởng lương hưu hằng tháng ra nước ngoài để định cư được giải quyết hưởng trợ cấp một lần.
Mức trợ cấp một lần được tính theo thời gian đã đóng BHXH, trong đó mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 được tính bằng 1,5 tháng lương hưu đang hưởng; mỗi năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi được tính bằng 2 tháng lương hưu đang hưởng; sau đó mỗi tháng đã hưởng lương hưu thì mức trợ cấp một lần trừ 0,5 tháng lương hưu. Mức thấp nhất bằng 3 tháng lương hưu đang hưởng. Hồ sơ gồm: Đơn đề nghị hưởng BHXH; bản sao giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bản dịch tiếng Việt được chứng thực hoặc công chứng...
Nguồn:http://dantri.com.vn/