Giấy đặt cọc tiền thể hiện các thông tin về thửa đất hạn chót thanh toán là 31/5/2012
Bán đất “tay 3” không thành
Vụ án xuất phát từ việc vào đầu năm 2012, anh Nguyễn Văn Sỹ (SN 1966, trú tại thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) được Thúy giới thiệu bán cho thửa đất số 65, tờ bản đồ số 32, rộng 80m2 ở phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn (thửa đất số 65) với giá 1 tỉ đồng. Ngày 13/3/2012, sau khi xem đất, anh Sỹ đồng ý mua đất và đặt cọc cho Thúy 500 triệu đồng. Theo giấy nhận đặt cọc thì hai bên thỏa thuận đến ngày 31/5/2012 sẽ trả nốt 500 triệu đồng.
Đến ngày 1/6/2012, anh Sỹ đến nhà Thúy để giao nốt tiền nhưng Thúy nói là sổ đỏ đang đi cầm cố, chưa làm được thủ tục. Thấy vậy, anh Sỹ không đồng ý mua đất nữa nên đòi lại tiền. Thúy đã viết giấy hẹn anh Sỹ đến ngày 4/6/2012 sẽ trả. Khi đến hẹn thì Thúy lại xin cho trả dần nhưng anh Sỹ không đồng ý và làm đơn tố cáo gửi cơ quan công an. Từ đó, Cơ quan điều tra (CQĐT) đã vào cuộc và khởi tố, bắt giam Thúy vì cho rằng bị can này có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt của anh Sỹ 500 triệu đồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm vào tháng 11/2015, Thúy đã bị TAND tỉnh Bắc Ninh xử phạt 9 năm tù vì về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo quan điểm của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm thì thửa đất số 65 vốn là của gia đình chị Phan Thị Hiền. Vào đầu tháng 12/2011, khi chị Hiền có nhu cầu bán thửa đất này thì Thúy đã đến đặt cọc 100 triệu để mua đất.
Đến ngày 16/12/2011, Thúy giới thiệu cho chị Nguyễn Thị Oanh đến mua với giá 1 tỷ đồng và nhận lại 100 triệu tiền đặt cọc của chị Hiền. Như vậy, thời điểm tháng 3/2012, thửa đất số 65 của chị Hiền đã chuyển nhượng cho bà Oanh và Thúy không có thửa đất số 65 nhưng vẫn nói dối là có thửa đất này, làm cho anh Sỹ tin tưởng đặt cọc tiền mua đất cho Thúy.
Tuy nhiên, trong suốt quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, Thúy luôn cho rằng mình không lừa đảo anh Sỹ vì thửa đất số 65 là có thật, do Thúy mua của chị Hiền. Do lúc đó không đủ 1 tỷ để trả chị Hiền nên Thúy phải vay thêm 900 triệu của bà Oanh (cộng với 100 triệu đặt cọc trước đó) để trả tiền đất.
Tuy nhiên, do bà Oanh yêu cầu phải có tài sản bảo đảm nên sau khi mua xong đất của chị Hiền đúng 1 ngày, Thúy đã phải cầm cố thửa đất này cho bà Oanh (Sổ đỏ do bà Oanh giữ). Hai bên thỏa thuận trong vòng 6 tháng, Thúy được quyền bán thửa đất này cho người khác để trả nợ (sang tên thẳng từ chị Hiền cho người mua). Quá 6 tháng mà không trả được tiền thì bà Oanh có quyền bán đất để trừ nợ.
Thúy cho rằng việc mình bán thửa đất số 65 cho anh Sỹ vào tháng 3/2012 là đúng thỏa thuận với bà Oanh chứ không gian dối, lừa đảo anh Sỹ.
Chỉ là tranh chấp đặt cọc?
Trong văn bản gửi đến TAND Cấp cao tại Hà Nội mới đây, Luật sư (LS) Nguyễn Duy Dụ (Đoàn LS TP Hà Nội) cho rằng, trong vụ án này thì Thúy không có hành vi gian dối. Khi rao bán đất và nhận tiền đặt cọc của anh Sỹ, Thúy đã nói rõ các thông tin như: Thửa đất chưa đứng tên Thúy hay thửa đất “mua chung với bà chị nên bà chị đang cầm đỏ đỏ gốc”… Ngoài thông tin trên, Thúy còn cho anh Sỹ xem bản phô tô sổ đỏ thửa đất số 65 mang tên vợ chồng bà Hiền. Anh Sỹ biết các thông tin trên và chấp nhận đặt cọc mua thửa đất trên nên không thể nói Thúy đã gian dối.
Còn ngay tại phiên tòa sơ thẩm, LS Nguyễn Hồng Bách (Đoàn LS TP Hà Nội) cũng có quan điểm cho rằng Thúy không gian dối vì việc bị cáo mua thửa đất số 65 của chị Hiền là có thật, thể hiện qua việc Thúy đã đặt cọc 100 triệu cho bà Hiền và đi cùng bà Oanh trả nốt 900 triệu (chứ không phải là trả 1 tỷ và sau đó lấy lại 100 triệu như cáo buộc).
Phủ nhận cáo buộc cho rằng, “vào ngày 13/3/2012, thửa đất của bà Hiền đã được chuyển nhượng cho bà Oanh” LS Bách khẳng định, chưa bao giờ thửa đất này mang tên bà Oanh thì không thể nói Thúy bán đất của bà Oanh được.
Cả LS Dụ và LS Bách đều cho rằng tranh chấp phát sinh từ việc đặc cọc mua bán đất giữa Thúy và anh Sỹ là tranh chấp dân sự. Vì vậy, nếu anh Sỹ không muốn mua đất nữa và đòi lại tiền đặt cọc thì phải khởi kiện vụ án “Tranh chấp hợp đồng đặt cọc” ở Tòa chứ cơ quan điều tra không phải là cơ quan giải quyết tranh chấp dân sự này. Hơn nữa, trong tranh chấp này thì chính anh Sỹ là người vi phạm thời hạn vì 1 ngày sau hạn chót thì anh này mới mang nốt 500 triệu đến trả cho Thúy để mua đất. Vì vậy, việc mua bán đất không thành là do anh Sỹ đã vi phạm thời hạn trả tiền chứ không phải do Thúy không có đất.
Người liên quan từ chối đối chất với bị cáo
Theo LS Bách thì trong vụ án này, CQĐT đã có vi phạm tố tụng khi trong hồ sơ có nhiều tài liệu thể hiện cán bộ không được phân công điều tra tiến hành lấy lời khai bị cáo; CQĐT không triệu tập và lấy lời khai của chồng bà Hiền, của Công chứng viên đã chứng kiến việc Thúy mua đất của bà Hiền; không tiến hành đối chất để làm rõ các mâu thuẫn trong hồ sơ, đặc biệt là không cho Thúy đối chất với những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan như bà Hiền, bà Oanh (bà Oanh từ chối đến trại giam để đối chất với Thúy)
Đặc biệt, tại phiên tòa sơ thẩm thì cả bà Hiền và bà Oanh đều vắng mặt nên HĐXX sơ thẩm cũng không thể thực hiện đối chất làm rõ nội dung kêu oan của Thúy.
Vào tháng 4 vừa qua, bà Oanh cũng tiếp tục vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm khiến cho phiên tòa này phải hoãn cho đến nay.
(Nguồn: http://www.baomoi.com/)