Video

Văn phòng Thừa phát lại

Thống kê
Vistited  
Online  

Đánh bạc dưới 5 triệu, khi nào thoát tội?

Monday, 28/03/2016, 10:51 GMT+7

Đánh bạc dưới 5 triệu, khi nào thoát tội?

(PL)- Tòa sơ thẩm kết án sáu bị cáo về tội đánh bạc (tiền đánh bạc là 3,2 triệu đồng). VKS kháng nghị cho rằng BLHS 2015 đã nâng mức định lượng tối thiểu để xử lý hình sự tội này lên 5 triệu đồng nên phải miễn trách nhiệm hình sự cho các bị cáo. Hiểu như vậy đúng không?

Mới đây, VKS một huyện đã kháng nghị bản án sơ thẩm của TAND huyện này trong vụ bị cáo LTTH cùng đồng phạm đánh bạc theo hướng đề nghị tòa phúc thẩm miễn trách nhiệm hình sự cho các bị cáo.

Chơi bài cào tính tiền

Theo hồ sơ, sáng 23-5-2015, H. tổ chức đánh bạc với hình thức chơi bài cào ba lá tính điểm ăn tiền tại nhà riêng của mình. Mỗi người làm cái ba ván, ai thắng thì nộp tiền xâu cho H. từ 10.000 đến 20.000 đồng/lượt. Đến khoảng 12 giờ 30, công an huyện đã phát hiện, bắt quả tang, thu giữ trên chiếu bạc một bộ bài và 3,2 triệu đồng. Sau đó, H. cùng năm người khác bị khởi tố, truy tố về tội đánh bạc theo khoản 1 Điều 248 BLHS hiện hành.

Tại phiên xử sơ thẩm đầu năm nay, luật sư bào chữa cho hai đồng phạm của H. cho rằng Nghị quyết 109/2015 của Quốc hội (về việc thi hành BLHS 2015) đã quy định: Kể từ thời điểm BLHS 2015 được công bố (ngày 9-12-2015), không xử lý về hình sự đối với người thực hiện hành vi mà BLHS hiện hành quy định là tội phạm nhưng BLHS 2015 không quy định là tội phạm. Khoản 1 Điều 321 BLHS 2015 đã nâng mức định lượng tối thiểu để xử lý hình sự về tội đánh bạc trong trường hợp bình thường lên 5 triệu đồng thay vì chỉ 2 triệu đồng theo khoản 1 Điều 248 BLHS hiện hành. Do vậy, hành vi đánh bạc với số tiền 3,2 triệu đồng của các bị cáo (dưới 5 triệu đồng) thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự vì không còn là tội phạm theo BLHS 2015 nữa.

Từ đó, luật sư đã đề nghị tòa miễn trách nhiệm hình sự cho các bị cáo. Tuy nhiên, chủ tọa phiên tòa cho rằng cho tới thời điểm xét xử sơ thẩm, các cơ quan áp dụng pháp luật như tòa án chưa được áp dụng BLHS 2015 bởi Quốc hội mới thông qua, chưa có hiệu lực, mọi hành vi phạm tội vẫn phải truy tố, xét xử bình thường. Cuối cùng, tòa đã phạt H. và năm đồng phạm mỗi người sáu tháng tù, trong đó có một bị cáo được hưởng án treo.

Hiểu chưa đúng quy định

Bản án sơ thẩm nói trên đã bị VKS huyện kháng nghị phúc thẩm. VKS huyện cũng có quan điểm giống như quan điểm của luật sư trong phiên xử sơ thẩm nên đề nghị tòa phúc thẩm miễn trách nhiệm hình sự cho các bị cáo.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều chuyên gia lại cho rằng cách hiểu của VKS huyện không đúng với quy định trong Nghị quyết 109/2015 của Quốc hội.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích: Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 109/2015, kể từ ngày 1-7-2016, các điều khoản của BLHS 2015 về xóa bỏ một tội phạm, xóa bỏ một hình phạt; miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt… và các quy định khác có lợi cho người phạm tội “được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2016 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích”.

Đồng thời cũng theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 109/2015, đối với những hành vi phạm tội đã có bản án, quyết định của tòa đã có hiệu lực pháp luật trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2016 thì không được căn cứ vào những quy định của BLHS 2015 có nội dung khác so với các điều luật đã được áp dụng khi tuyên án để kháng nghị giám đốc thẩm...

Như vậy, cơ quan tố tụng chỉ áp dụng quy định của BLHS 2015 về xóa bỏ một tội phạm, miễn trách nhiệm hình sự... nếu hành vi phạm tội bị phát hiện sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2016... Ở đây, hành vi phạm tội của các bị cáo đã bị phát hiện, xử lý ngay từ trưa 23-5-2015 nên đến thời điểm hiện nay vẫn phải áp dụng BLHS hiện hành để giải quyết.

Đồng tình, ThS Mai Khắc Phúc (giảng viên luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM) bổ sung: Quy định kể từ thời điểm BLHS 2015 được công bố, không xử lý về hình sự đối với người thực hiện hành vi mà BLHS hiện hành quy định là tội phạm nhưng BLHS 2015 không quy định là tội phạm nằm ở điểm d khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 109/2015. Tuy nhiên, điều khoản này đã chỉ rất rõ các hành vi được áp dụng quy định này, trong đó không hề có hành vi đánh bạc.

Quy định liên quan

Kể từ ngày BLHS 2015 được công bố, không xử lý về hình sự đối với người thực hiện hành vi mà BLHS hiện hành quy định là tội phạm nhưng BLHS 2015 không quy định là tội phạm bao gồm: Tảo hôn; báo cáo sai trong quản lý kinh tế; vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính.

Nếu vụ án đã được khởi tố, đang điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ thi hành án thì được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; trường hợp người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn thi hành án thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.

(Theo điểm d khoản 2 Điều 1 
Nghị quyết 109/2015 của Quốc hội)  NGUÔ

 

(Nguồn: http://plo.vn/phap-luat/danh-bac-duoi-5-trieu-khi-nao-thoat-toi-619655.html)


Written : thanhtuyen

Search date :    

Go Top
Đăng ký tư vấn
Công ty luật FUJILAW