Video

Văn phòng Thừa phát lại

Thống kê
Vistited  
Online  

Đắng lòng khi bút sa… nhà mất!

Tuesday, 06/12/2016, 09:50 GMT+7

Đắng lòng khi bút sa… nhà mất!

Trong làm ăn cũng như các mối quan hệ xã hội khác, chữ tín là điều kiện cần. Lợi dụng sự tin tưởng này, nhiều đối tượng đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản...

Năm 2010, vợ chồng anh N.H.V và chị N.T.A.C (ngụ quận 12, TP Hồ Chí Minh) có vay nợ bà L.Q.M. (Vĩnh Long) trên 600 triệu đồng. Để đảm bảo trả nợ, vợ chồng anh V đã giao cho bà M. giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) ở phường 5, TP Vĩnh Long.

Một thời gian sau, do không có vốn kinh doanh, thấy Bùi Lưu Hải Bằng (36 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) đang làm việc tại ngân hàng nên vợ chồng anh V. đến nhờ Bằng vay vốn. Biết giấy chứng nhận QSDĐ của vợ chồng anh V. trước đó đã bị ngân hàng từ chối thế chấp vay vốn nên Bằng bày ra cách làm hợp đồng giả, chuyển nhượng sang tên mình.

Để thực hiện, Bằng kêu vợ chồng anh V. bàn bạc với bà Mai mượn lại giấy chứng nhận QSDĐ đưa cho Bằng đi vay để trả nợ cho bà M. và được người này đồng ý.

Dang long khi but sa… nha mat! - Anh 1

Đối tượng Trường thực hiện hành vi gian dối mang đất của người tình đem bán để chiếm đoạt.

Sau khi có giấy chứng nhận QSDĐ, Bằng cùng vợ chồng V. đến Phòng Công chứng làm hợp đồng chuyển nhượng khống sang tên mình với giá 420 triệu đồng.

Để vợ chồng anh V. tin tưởng, Bằng viết giấy thỏa thuận có nội dung: “V. có chuyển nhượng QSDĐ cho Bằng để đứng tên vay vốn ngân hàng và khi đến hạn anh V. thanh toán xong nợ ngân hàng, Bằng sẽ chuyển nhượng lại…”.

Đến ngày 24-3-2011, Bằng đến Phòng Công chứng yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ vì không đúng giá trị thực tế, đồng thời yêu cầu công chứng viên soạn sẵn một hợp đồng khác giá trị giấy chứng nhận QSDĐ của vợ chồng anh V. nâng lên là 1 tỷ đồng rồi mang hợp đồng về giả mạo chữ ký, dấu vân tay của anh V. đi chứng thực.

Mặc dù vợ chồng anh V. không có mặt, nhưng công chứng viên cũng chứng thực hợp đồng chuyển nhượng cho Bằng. Sau khi có số giấy tờ trên, Bằng mang hợp đồng thế chấp cho chi nhánh một ngân hàng ở tỉnh Vĩnh Long vay 700 triệu đồng.

Trước đó, cũng vì quá tin tưởng người tình trẻ, bà N.T.H. (ngụ tỉnh Đồng Nai) đã bị anh này lừa một vố nặng nề. Theo đó, dù biết Ngô Quang Trường (43 tuổi, ngụ tỉnh Hưng Yên) đã có vợ con nhưng bà H vẫn đưa người tình về sống chung tại nhà ở TP Biên Hòa (Đồng Nai).

Trong quá trình sống chung, Trường biết bà Huệ đang sở hữu khu đất tọa lạc tại khu phố 3, phường Trảng Dài, TP Biên Hòa nên nảy sinh ý định chiếm đoạt. Lấy lý do cần tiền để làm ăn, Trường rỉ tai người tình viết khống giấy sang nhượng đất mảnh đất trên cho mình sau đó sử dụng giấy sang nhượng trên đi làm thủ tục đăng ký đứng tên mình nhưng không được chấp nhận. Dù vậy nhưng Trường sử dụng giấy biên nhận hồ sơ nói trên, cắt bán một phần đất của mảnh đất trên cho 2 người, chiếm đoạt gần 1,5 tỷ đồng.

Tương tự, do có nhu cầu mua đất nên năm 2008, bà Lê Thị Kim Phi (45 tuổi, quốc tịch Hoa Kỳ) nhờ ông Lê Văn Thạch và Nguyễn Thành Nghĩa (anh cùng mẹ khác cha với bà Phi) đứng ra mua 1.722m² đất tại xã Song Phú, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

Tháng 4-2010, bà Phi về nước và có nhu cầu chuyển nhượng lại số đất đã mua trước đây nên nhờ Huỳnh Hữu Tâm (là cháu ruột bà Phi, 41 tuổi, nguyên cán bộ Phòng Nội vụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) bán giùm.

Với ý định xấu từ trước, sau khi cầm trong tay giấy tờ QSDĐ, Tâm đem đi photo thành nhiều bản rồi bán lại cho bà Tròn với giá 370 triệu đồng, sau đó môi giới bán lại cho chị Nguyễn Thị Kim Sa (ngụ TP Cần Thơ) với giá 700 triệu đồng. Để chị Sa tin tưởng, trong số 400 triệu đồng chị Sa đặt cọc trước cho bà Tròn, Tâm bỏ ra 100 triệu đồng gọi là hùn vốn.

Tuy nhiên, đến tháng 5-2010, đến hẹn giao nốt số tiền còn lại như đã hứa, Tâm cố tình không xuất hiện nên chị Sa bị mất tiền cọc. Hai tháng sau, Tâm tìm đến nhà chị Sa hỏi mượn toàn bộ giấy chứng nhận QSDĐ nói trên đem về trả cho bà Tròn để lấy tiền đặt cọc. Tưởng thật, chị Sa đã giao cho Sa 2 trong số 7 giấy chứng nhận QSDĐ đang giữ.

Sau khi có số giấy tờ này, Tâm đến UBND xã Song Phú làm đơn báo mất giấy tờ, trong đó có 7 giấy chứng nhận QSDĐ khi bị kẻ gian giật túi xách khi đang đi trên đường. Tiếp đó, Tâm làm đơn xin được cấp mới 7 giấy chứng nhận QSDĐ theo mẫu mang tên ông Nghĩa và ông Thạch gửi UBND huyện Tam Bình.

Tin tưởng Tâm đang là cán bộ đang làm việc tại đơn vị nên cuối tháng 2-2011, UBND Tam Bình đã cấp mới giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Nghĩa và ông Thạch. Tâm sau đó đã mang số giấy tờ này đến Văn phòng đăng ký QSDĐ huyện sang tên cho mình. Sau khi đứng tên QSDĐ 7 thửa đất trên, trong năm 2011, Tâm đã lừa bán cho hai người, chiếm đoạt 1,07 tỷ đồng.

Để tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng như các trường hợp trên, theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh): Trong giao dịch dân sự thì không nên chỉ dùng niềm tin hay cảm tính để thực hiện mà cần tìm hiểu kỹ về quy định của pháp luật, phải lường trước hậu quả pháp lý do hành vi của mình thực hiện, nhất là trong việc ủy quyền cho người khác thực hiện thay công việc của mình. Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên.

Theo đó, bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, còn bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao, nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Theo BLDS 2005, người được chủ sở hữu ủy quyền định đoạt tài sản phải thực hiện việc định đoạt phù hợp với ý chí, lợi ích của chủ sở hữu. Nên nếu trong hợp đồng ủy quyền có nội dung bên được ủy quyền được quyền chuyển nhượng, tặng cho… thì họ có toàn quyền trong việc chuyển nhượng/tặng cho tài sản cho người thứ ba.

Một số trường hợp khi đi công chứng, người ủy quyền được giải thích là bên cạnh nội dung theo ý chí của người ủy quyền (như ủy quyền quản lý, sử dụng tài sản…) thì còn ghi thêm nội dung khác như chuyển nhượng/mua bán/tặng cho… và cho rằng đây là theo mẫu thôi.

Nhưng về pháp lý, với nội dung ủy quyền nêu trên thì người được ủy quyền đã có toàn quyền thay mặt chủ sở hữu định đoạt tài sản… Vì vậy, người ủy quyền cần xem kỹ nội dung ủy quyền và chỉ chấp nhận những nội dung ủy quyền theo ý chí, mong muốn bên được ủy quyền thay mặt mình thực hiện công việc mà thôi.

“Ông bà ta thường nói bút sa, gà chết. Vì vậy hãy cẩn trọng trong giao dịch dân sự và đừng cả tin mà có thể bị mất tài sản”, luật sư Chánh chia sẻ. 

(Nguồn: http://www.baomoi.com/)


Written : letramy

Search date :    

Go Top
Đăng ký tư vấn
Công ty luật FUJILAW