Đang bó bột cũng bị khiêng đi thi hành án tù
Bị kết án 6 tháng tù, đang bị gãy chân và không thể tự phục vụ được nhưng tòa án vẫn bắt phải đi thi hành án, điều này đúng hay sai?
Sau khi con trai bị bắt đi thi hành án, ông Hoàng Văn Hiếu (41 tuổi, ngụ tại Bản Vần, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) gửi đơn đến Viện KSND tỉnh Yên Bái để yêu cầu xem xét lại việc thi hành án.
Đang bó bột cũng bị bắt thi hành án tù
Bản án của TAND huyện Trấn Yên thể hiện Hoàng Văn Hữu (20 tuổi) và cháu H.T.P. (15 tuổi) có quan hệ tình cảm với nhau.
Ngày 1-7-2015, P. sang nhà Hữu chơi và ngủ lại tại gia đình Hữu. Hữu đã có hành vi sờ mó thân thể P.. Ngày 4-7, Hữu đưa P. về nhà thì bị gia đình giữ lại và trình báo cơ quan chức năng do nghi ngờ Hữu và P. có quan hệ tình dục với nhau.
Xét xử sơ thẩm, TAND huyện Trấn Yên đã xử phạt Hoàng Văn Hữu 6 tháng tù về tội dâm ô với trẻ em. Sau phiên tòa, Hữu bị tai nạn giao thông phải chuyển đi bệnh viện để phẫu thuật kết hợp xương đùi rồi ra viện.
Ngày 2-11-2015, TAND huyện Trấn Yên ra quyết định thi hành án hình phạt tù đối với Hoàng Văn Hữu. Gia đình ông Hiếu đã có đơn xin hoãn thi hành án cho Hữu với lý do con trai ông đang bó bột xương đùi, không thể đi lại được.
Tuy nhiên, ông Dương Quý Hiệp, chánh án TAND huyện Trấn Yên, đã có thông báo trả lời trường hợp của Hữu không đủ điều kiện để hoãn thi hành án theo quy định của pháp luật. Vì vậy, Hữu đã bị bắt đi thi hành án.
Ông Hoàng Văn Hiếu cho biết khi Hữu bị bắt đi thi hành án thì sức khỏe của con trai ông rất yếu, chân phải vẫn đang bị bó bột từ đùi xuống nên ba người phải khiêng Hữu ra xe tù.
Không thuộc trường hợp bệnh nặng để hoãn
Ông Dương Quý Hiệp cho biết: “Muốn hoãn thi hành án thì phải bị bệnh nghiêm trọng hoặc bệnh án của bệnh viện từ cấp tỉnh trở lên thể hiện bệnh nhân bị gãy chân không tự vận động để phục vụ bản thân được. Còn nếu gãy chân như trường hợp cháu Hữu thì chúng tôi không thể nào cho hoãn.
Bộ phận thi hành án của Công an huyện Trấn Yên và đại diện Viện KSND huyện Trấn Yên cũng tham khảo ý kiến của chúng tôi về trường hợp này. Xét dưới góc độ tình cảm, chúng tôi rất muốn cho hoãn nhưng phải làm đúng pháp luật”.
Theo ông Dương Quý Hiệp, điều 61 Bộ luật hình sự đã quy định rõ người bị phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong các trường hợp: bị bệnh nặng được hoãn cho đến khi sức khỏe hồi phục, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người lao động duy nhất trong gia đình nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn, bị kết án về tội ít nghiêm trọng do nhu cầu công vụ thì được hoãn chấp hành hình phạt ít nhất 1 năm.
Tại nghị quyết số 01/2007 của hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự cũng đã có những hướng dẫn cụ thể đối với các trường hợp được hoãn thi hành án.
Cụ thể, đó là những trường hợp bị bệnh nặng đến mức không thể đi chấp hành hình phạt tù được và nếu phải đi chấp hành hình phạt tù thì sẽ ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh như bệnh ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ trướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3 trở lên, suy thận độ 4 trở lên, HIV chuyển giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội và có tiên lượng xấu...
Đối với các trường hợp bệnh này phải có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên về việc người bị xử phạt tù bị bệnh nặng và nếu bắt họ đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng thì mới được xem xét hoãn chấp hành hình phạt tù.
Nguồn: http://tuoitre.vn/