Sau khi Nghị quyết 5a của BCH Tổng LĐLĐVN (khoá IX) về “Đẩy mạnh công tác pháp luật của CĐ trong tình hình mới” và Nghị quyết 4a của Đoàn Chủ tịch về “Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn pháp luật (TVPL) của tổ chức CĐ trong tình hình mới” được ban hành, hầu hết các LĐLĐ tỉnh, thành phố, CĐ ngành T.Ư, CĐ TCty trực thuộc Tổng LĐLĐVN đều chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Tại LĐLĐ các tỉnh, thành phố, CĐ ngành T.Ư, cơ cấu tổ chức và hoạt động pháp luật được thể hiện trên hai lĩnh vực: Thực hiện công tác pháp luật tại các ban chức năng và TVPL cho tổ chức CĐCS và CNVCLĐ thông qua các trung tâm, văn phòng, tổ tư vấn pháp luật. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính cho biết: “Hoạt động của 16 trung tâm TVPL, 37 văn phòng TVPL của tổ chức CĐ đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên và NLĐ”.
Hoạt động TVPL và trợ giúp pháp lý theo đó được các cấp CĐ duy trì thường xuyên, dưới nhiều hình thức như tư vấn bằng văn bản, tư vấn trực tiếp, tư vấn qua điện thoại, qua hòm thư điện tử. Nội dung tập trung vào các chế độ chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của NLĐ như: Tiền lương, tiền thưởng, tiền làm thêm giờ, chế độ BHXH, BHYT, BHTN, HĐLĐ. Theo tổng kết của Tổng LĐLĐVN, trong 10 năm qua, các cấp CĐ tổ chức TVPL lao động và CĐ là 220.288 vụ, với 660.852 lượt người; can thiệp, bảo vệ cho 6.743 NLĐ được trở lại làm việc; 1.397 người được chi trả trợ cấp thôi việc; 5.379 người được hưởng chế độ BHXH; 7.678 người được nâng lương. Một số trung tâm TVPL có nhiều hình thức hoạt động và thu được nhiều kết quả trong công tác tư vấn pháp như trung tâm TVPL Đồng Nai, TPHCM, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Nguyên.
Cần đổi mới hoạt động tư vấn pháp luật
Hầu hết các Ủy viên Đoàn Chủ tịch tham dự hội nghị đều có ý kiến cho rằng trong thời gian tới, hoạt động TVPL cần phải đổi mới từ cán bộ, hình thức, cơ chế hoạt động. Chủ tịch LĐLĐ TP.Đà Nẵng Đặng Kim Liên cho rằng, trong thời gian tới, nhất là khi VN tham gia TPP, cần phải đầu tư, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng của cán bộ làm công tác TVPL để họ có thể tranh tụng ở tòa khi xảy ra khiếu kiện liên quan đến quyền lợi của NLĐ. Trong thời gian qua, cán bộ TVPL của LĐLĐ TP.Đà Nẵng tham gia bảo vệ quyền lợi cho nhiều NLĐ tại tòa và đều thắng kiện. Do đó rất nhiều lao động tìm đến trung tâm TVPL để được tư vấn và họ coi đây là “chỗ dựa” khi có vụ việc xảy ra.
Đồng tình với cách làm của Báo Lao Động thực hiện TVPL cho NLĐ trên báo giấy, báo điện tử và qua tổng đài Viettel (đầu số 19009088) mỗi ngày nhận được trên 100 cuộc điện thoại của NLĐ, Chủ tịch CĐ Quốc phòng Nguyễn Xuân Hải cho rằng: “Cần phải đẩy mạnh hoạt động TVPL bằng nhiều “kênh”, hướng về cơ sở, tổ chức các tổ tư vấn lưu động. Tổng đài TVPL của Báo Lao Động sẽ rất bổ ích đối với NLĐ bởi hình thức này giảm thời gian, chi phí đi lại cho NLĐ”. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Thị Thu Hồng đưa ý kiến: “Khi có những nghị định mới của Chính phủ liên quan đến các vấn đề của NLĐ, phóng viên các báo thuộc hệ thống CĐ có thể phỏng vấn trực tiếp lãnh đạo Tổng LĐLĐVN để nêu rõ những điểm mới của nghị định, định hướng NLĐ tuân thủ pháp luật. Khi đó NLĐ sẽ “ngấm” hơn”.
Còn theo Phó Chủ tịch thường trực Trần Thanh Hải: “Trước tình hình mới, hoạt động TVPL của CĐ phải có nhiều thay đổi. Tổng LĐLĐVN phải rà soát, nhận diện các trung tâm, văn phòng TVPL hoạt động kém hiệu quả để khắc phục những điểm yếu và nhân rộng các cách làm hay của các trung tâm, văn phòng TVPL hoạt động hiệu quả. Đặc biệt, cần phải chuẩn bị đội ngũ cán bộ CĐ thật sự am hiểu pháp luật, có thể tuyển dụng các luật sư và có cơ chế đặc biệt để họ gắn bó với tổ chức CĐ; và đây sẽ là lực lượng trực tiếp TVPL, bảo vệ quyền lợi của NLĐ trong thời gian tới”.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng nhấn mạnh: “Trong bối cảnh VN hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt là việc chúng ta tham gia TPP, hoạt động CĐ phải đổi mới mạnh mẽ theo hướng chuyển mạnh hoạt động CĐ vào việc tổ chức thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ. Do đó, Tổng LĐLĐVN sẽ đẩy mạnh nâng cao chất lượng và số lượng cán bộ làm công tác TVPL; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ CĐ có trình độ chuyên môn pháp luật; quan tâm đầu tư thoả đáng, tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác pháp luật CĐ trong tình hình mới”.
Hội nghị ngày 9.12 cũng bàn về dự thảo Chương trình làm việc năm 2016 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, trong đó có việc tổ chức 8 hội nghị với nhiều nội dung quan trọng, tại hội nghị lần thứ 18 sẽ sơ kết nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội CĐVN lần thứ XI; xây dựng, bổ sung đề án “Hoạt động CĐ trong quá trình hội nhập TPP”. Hoạt động tại hội nghị BCH Tổng LĐLĐVN lần thứ 7 (khóa XI) cũng được thường trực Đoàn Chủ tịch thông qua với 12 nội dung, trong đó có nội dung thảo luận, ban hành nghị quyết của BCH về đảm bảo bữa ăn ca của NLĐ và nghị quyết mới về công tác pháp luật CĐ.
* Hội nghị ngày 9.12 cũng bàn về dự thảo Chương trình làm việc năm 2016 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, trong đó có việc tổ chức 8 hội nghị với nhiều nội dung quan trọng, tại hội nghị lần thứ 18 sẽ sơ kết nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội CĐVN lần thứ XI; xây dựng, bổ sung đề án “Hoạt động CĐ trong quá trình hội nhập TPP”. Hoạt động tại hội nghị BCH Tổng LĐLĐVN lần thứ 7 (khóa XI) cũng được thường trực Đoàn Chủ tịch thông qua với 12 nội dung, trong đó có nội dung thảo luận, ban hành nghị quyết của BCH về đảm bảo bữa ăn ca của NLĐ và nghị quyết mới về công tác pháp luật CĐ.
Nguồn: http://laodong.com.vn/