Chỉ ghi âm, ghi hình khi bị can kêu oan
(Thừa Phát Lại Thủ Đức)- Những vấn đề gây nhiều tranh luận nhất tại phiên thẩm tra dự án BLTTHS (sửa đổi) của Ủy ban Tư pháp là quyền im lặng, việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung hay quyền đọc, ghi chép tài liệu của bị can, bị cáo…
Ngày 30-3, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội bắt đầu phiên họp toàn thể lần thứ 16 với việc thẩm tra dự án BLTTHS (sửa đổi). Dự án luật do VKSND Tối cao chủ trì soạn thảo, bổ sung mới tới 166 điều, sửa đổi 290 điều, bãi bỏ 19 điều và chỉ còn giữ nguyên 27 điều.
Quyền im lặng: Khó cho cơ quan điều tra
Tranh luận đầu tiên là “quyền im lặng” của bị can, bị cáo. Theo Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Hữu Thể, có ý kiến cho rằng BLTTHS hiện hành đã quy định quyền này. Cụ thể, Điều 10 quy định: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”. Hay các điều 48, 49, 50 quy định: “Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, đưa ra ý kiến”.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị quy định lại cụ thể như sau: “Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.
Dự thảo đưa cả hai phương án trên trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp cho biết nhiều ý kiến đồng tình với việc quy định cụ thể về quyền im lặng của bị can, bị cáo. Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương đề nghị cân nhắc: “Chúng ta đứng trước một sự việc phạm tội, chúng ta phát hiện tội phạm và phải bảo vệ người bị hại. Có mạng người bị giết ở đấy, người ta có ngóc đầu dậy được không để tố giác tội phạm? Đành rằng anh có quyền nhưng không nên nói câu “quyền im lặng”. Tôi đề nghị cân nhắc thật kỹ, không thì rất khó cho cơ quan điều tra (CQĐT)”.
Quy định quyền im lặng của bị can, bị cáo còn có những quan điểm khác nhau. Ảnh : HTD
“Anh đã gây án, đã có tội, có hành vi vi phạm pháp luật thì anh phải có sự trình bày chứ? Tôi bảo vệ quyền lợi cho anh nhưng anh phải tôn trọng... Nó chém nó giết thế, đưa vào công an, cứ ngồi im, chờ mấy ngày đợi ông luật sư đến thì chả ai làm được. Đó là thực trạng” - ông Vương nói thêm.
Chỉ ghi âm, ghi hình hỏi cung khi cần thiết
Một vấn đề gây tranh luận khác là quy định phải ghi âm hoặc ghi hình hoạt động hỏi cung bị can để chống bức cung, nhục hình, mớm cung trong dự thảo BLTTHS (sửa đổi).
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết nhiều ý kiến trong nhóm nghiên cứu của ủy ban cho rằng quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình trong mọi trường hợp là không cần thiết, không khả thi. Tuy nhiên, để chống bức cung, nhục hình thì cần quy định theo hướng: Trong mọi trường hợp hỏi cung bị can đều phải lập biên bản và mọi biên bản hỏi cung đều phải được đưa vào hồ sơ vụ án. Trong trường hợp cần thiết có thể ghi âm hoặc ghi hình như bị can kêu oan ngay từ đầu, tố bị bức cung, nhục hình hoặc bị can phạm tội có thể bị chung thân, tử hình.
Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng sau một số vụ oan sai, bức cung, nhục hình, dư luận dấy lên việc phải ghi âm, ghi hình quá trình hỏi cung. Tuy nhiên, quy trình hiện nay đã khá chặt chẽ: Người bị tạm giữ trước khi vào trại giam được khám sức khỏe, có xác nhận, mỗi lần trích xuất hỏi cung đều có sổ, vào có sổ. Hỏi cung bao giờ cũng có bản tường trình, người ghi lời khai hỏi cung đã yêu cầu đọc lại và xác nhận là đúng, một số trường hợp còn có luật sư tham dự. Toàn bộ quá trình này có sự giám sát của VKS.
“Một số vụ oan sai thời gian qua, chúng ta tổng kết là do một số điều tra viên, kiểm sát viên thiếu tinh thần trách nhiệm, thậm chí chỉ đạo điều tra của một số vụ án chưa rõ thủ phạm là trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan địa phương. Đó không phải là phổ biến…” - ông Chung nói.
Cũng theo ông Chung, có những vụ án CQĐT vẫn ghi âm, ghi hình dù bị can, bị cáo không yêu cầu. Đó là những vụ phạm tội có tổ chức, can phạm có dấu hiệu phản cung liên tục... “Chúng tôi ghi rõ trong biên bản rằng cuộc hỏi cung được ghi âm, ghi hình. Sau đó cho họ xem lại, xác nhận đúng rồi thì niêm phong. Như vậy thì tài liệu ghi âm, ghi hình sau đó mới trở thành chứng cứ trước tòa. Còn nếu ghi âm, ghi hình bí mật thì xét về tố tụng chả có giá trị gì cả” - ông Chung nói thêm.
Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, xu hướng tiến tới trong tố tụng thì việc ghi âm, ghi hình là cần thiết nhưng trước mắt chưa thể làm ngay: “Riêng cấp huyện đã có 700-800 CQĐT, nếu đều phải có phương tiện kỹ thuật ghi âm, ghi hình thì hơi khó. Tôi đồng tình với nhóm nghiên cứu là những trường hợp cần thiết thì phải kết hợp ghi âm, ghi hình”.
Bị can được đọc, ghi chép hồ sơ?
Một điểm mới đáng chú ý khác, dự thảo quy định trong trường hợp bị can không có người bào chữa thì được quyền đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được số hóa liên quan đến việc buộc tội họ sau khi kết thúc điều tra.
Tại phiên họp, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn và Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương đều đề xuất tạo điều kiện cho những người yếu thế, không có luật sư bảo vệ được sao chép những tài liệu cần thiết.
Trong khi đó, Phó Chánh án TAND TP.HCM Huỳnh Ngọc Ánh và Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung lại phản đối. Ông Ánh lo ngại: “Có bút là can phạm tự sát hoặc đánh nhau” hay “trại giam làm gì có kệ đựng tài liệu”, “máy photocopy ở đâu”, “bị can làm gì có máy ảnh”. Ông Chung thì băn khoăn: “Giả sử bị can xé toạch hồ sơ một cái thì sao”…
(Nguồn:http://netluat.phapluattp.vn/luat-net/phap-luat/chi-ghi-am-ghi-hinh-khi-bi-can-keu-oan-541458.html)