Chậm kê biên, thừa phát lại phải bồi thường
(PL)- Văn phòng thừa phát lại kê biên chậm. Thế là người phải thi hành án bán nhà làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người được thi hành án.
Trưởng Văn phòng Thừa phát lại huyện Hóc Môn, TP.HCM vừa thừa nhận đơn vị này thiếu kinh nghiệm nghiệp vụ nên đã chậm trễ ra quyết định ngăn chặn tài sản của người phải thi hành án (THA). Việc chậm trễ này dẫn đến việc người phải THA đem tài sản bán cho người khác. Văn phòng Thừa phát lại huyện Hóc Môn hứa sẽ xem xét bồi thường thiệt hại cho người được THA.
Nhà bán xong, thừa phát lại mới ngăn chặn
Theo hồ sơ, cuối năm 2013, bà Nguyễn Thụy Kiều Trinh cho bà Phạm Thị Ánh vay 215 triệu đồng. Do bà Ánh không trả nợ đúng hạn nên bà Trinh khởi kiện ra tòa. Tháng 5-2015, TAND huyện Hóc Môn xử sơ thẩm đã tuyên buộc vợ chồng bà Ánh phải trả hơn 240 triệu đồng cho bà Trinh.
Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, bà Trinh có đơn yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại huyện Hóc Môn thi hành bản án này (để THA, đương sự có quyền lựa chọn cơ quan THA hoặc văn phòng thừa phát lại). Ngày 10-8-2015, Văn phòng Thừa phát lại huyện Hóc Môn ra quyết định THA.
Trong khoảng thời gian này, vợ chồng bà Ánh bán căn nhà cho vợ chồng ông Phạm Văn Trường. đến ngày 31-10-2015 ông Trường được cập nhật đăng bộ thành công.
Ngày 10-3-2016, Văn phòng Thừa phát lại huyện Hóc Môn ra quyết định ngăn chặn đối với căn nhà của ông Trường. Đồng thời ngày 17-3, văn phòng này ra quyết định cưỡng chế kê biên căn nhà.
“Tôi chẳng biết chuyện gì xảy ra hết. vợ chồng tôi chắt chiu tích cóp, vay mượn mãi mới mua được căn nhà, vậy mà đùng cái có quyết định kê biên. Trước khi mua, tôi đã đi hỏi bên ủy ban, họ khẳng định không có vấn đề pháp lý gì đối với căn nhà này nên tôi mới mua” - ông Trường nói.
Ông Phạm Văn Trường mua nhà ngay tình nhưng lại bị thừa phát lại kê biên để thi hành án. Ảnh: N.NGA
Kê biên sai luật
Khi ông Trường khiếu nại, trưởng văn phòng thừa phát lại huyện Hóc Môn bác khiếu nại. lý do: khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch 14/2010 quy định “kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm mà người phải THA bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố tài sản của mình cho người khác, không thừa nhận tài sản là của mình mà không sử dụng khoản tiền thu được để THA thì tài sản đó vẫn bị kê biên để THA…”.
Ông Trường khiếu nại lên Cục THA dân sự TP.HCM. Theo Cục, ngày 7-9-2015, Văn phòng Thừa phát lại huyện Hóc Môn nhận được công văn trả lời của UBND xã rằng hiện bà Ánh đang sử dụng căn nhà ở ấp Thống Nhất và đã được cấp giấy chứng nhận. Thế nhưng văn phòng không áp dụng kịp thời các biện pháp bảo đảm và cưỡng chế THA. Mãi sáu tháng sau (tức ngày 10-3-2016), thừa phát lại Lê Hữu Hạnh, Trưởng văn phòng, mới ra quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản đối với nhà đất của ông Trường là không phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật THA dân sự.
Ngoài ra, theo Cục, bà Ánh bán nhà cho ông Trường đã được cập nhật đăng bộ. Vì thế, việc văn phòng thừa phát lại ra quyết định kê biên khi tài sản không còn thuộc quyền sở hữu của người phải THA là không phù hợp với khoản 3 Điều 71 Luật THA dân sự (kê biên, xử lý tài sản của người phải THA, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ).
Ngày 20-10, Cục THA dân sự TP.HCM yêu cầu trưởng Văn phòng Thừa phát lại huyện Hóc Môn thu hồi, hủy bỏ quyết định tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, thay đổi hiện trạng tài sản, quyết định cưỡng chế kê biên.
Sẽ xem xét bồi thường
“Tôi đề nghị các cơ quan xem xét lại, làm sao mà chúng tôi biết được vợ chồng bà Ánh đang có nghĩa vụ thi hành cho bản án nào? Vì nó mà suốt mấy tháng qua cuộc sống gia đình tôi lao đao, chạy khắp nơi để cầu cứu” - ông Trường than thở.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Hữu Hạnh, Trưởng văn phòng Thừa phát lại huyện Hóc Môn, thừa nhận văn phòng này có chậm trễ trong việc ra quyết định ngăn chặn đối với tài sản của bà Phạm Thị Ánh (người phải THA).
“Chúng tôi nhận được rất ít vụ việc liên quan đến THA. Mà thừa phát lại của văn phòng chủ yếu từ luật sư chuyển qua nên chưa có kinh nghiệm. Từ đó mới dẫn đến khoảng hở khi có kết quả xác minh lại không ra quyết định ngăn chặn liền, để người phải THA bán xong tài sản mới ra quyết định ngăn chặn là quá chậm. Qua vụ này, chúng tôi sẽ thành lập bộ phận chuyên biệt để giải quyết công việc liên quan đến THA” - ông Hạnh nói.
Ngoài ra, ông Hạnh cũng cho biết ngay khi nhận được quyết định của Cục THA dân sự TP.HCM, văn phòng đã hủy quyết định cưỡng chế và giải tỏa ngăn chặn đối với tài sản của ông Trường. “Tuần này chúng tôi sẽ mời bà Trinh lên làm việc, xem xét chuyện bồi thường cho bà ấy” - ông Hạnh thông tin.
Thiệt hại sẽ được thừa phát lại giải quyết
Theo tôi, việc áp dụng Điều 6 Thông tư liên tịch 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC, Điều 24 Nghị định 62/2015 và Điều 75 Luật THADS 2014 không phù hợp cho trường hợp này. Bởi vì căn nhà mà người phải THA bán cho ông Trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cập nhật sang tên chủ quyền cho người mua theo quy định về Luật Đất đai và Luật Nhà ở. Đây là thủ tục hành chính của cơ quan chức năng, không phải là giao dịch dân sự về mua bán, chuyển nhượng. Nếu tài sản nêu trên hai bên đang ở giai đoạn ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, chưa hoàn tất việc đăng ký biến động thì mới có thể áp dụng quy định trên.
Trường hợp bà Nguyễn Thụy Kiều Trinh thấy mình bị thiệt hại thì sẽ giải quyết theo hợp đồng dịch vụ được ký kết giữa bà với Văn phòng Thừa phát lại huyện Hóc Môn.
Bà NGUYỄN THỊ THU THẢO, Phó Trưởng phòng Kiểm tra,
giải quyết khiếu nại, tố cáo - Cục THA dân sự TP.HCM
|
(Nguồn: http://plo.vn/)