Video

Văn phòng Thừa phát lại

Thống kê
Vistited  
Online  

Cảnh giác với những “mánh” bán hàng bất động sản

Tuesday, 16/05/2017, 09:45 GMT+7

Cảnh giác với những “mánh” bán hàng bất động sản

Thị trường bất động sản đang xuất hiện một số kiểu bán hàng chụp giật, lừa đảo, nếu khách hàng không tìm hiểu kỹ thông tin dự án thì việc “tiền mất tật mang” không phải là điều xa lạ.

Những trò bịp lừa bán căn hộ

Hiện nay, thị trường đang có một số doanh nghiệp bất động sản làm ăn chụp giật với những kiểu bán hàng “treo đầu dê bán thịt chó”, dùng nhiều thủ đoạn lừa hàng trăm khách hàng, nhiều trường hợp một căn hộ cùng lúc đã bán cho nhiều người mà báo chí đã phản ánh trong thời gian vừa qua. Điển hình như nhiều khách hàng tố CTCP Địa ốc Kim Phát trong việc bán dự án Gold Hill (Đồng Nai) không đúng với thực tế hay mới đây cư dân dự án Tân Bình Apartment (32 Hoàng Bật Đạt, Q.Tân Bình, TP.HCM) kéo nhau đi đòi Công ty TNHH đầu tư b

ất động sản Tân Bình (chủ đầu tư) bàn giao nhà.

Để hạn chế rủi ro, người mua nhà cần phải xem bản chính sổ đỏ hoặc hợp đồng mua bán căn hộ và các loại giấy tờ liên quan. Ảnh: Tấn Lợi.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), các thủ đoạn lừa đảo mà người mua nhà cần phải cảnh giác với một số doanh nghiệp hiện nay đó là: Thay đổi tên dự án, đổi tên dự án và đổi chủ đầu tư, làm lại quy hoạch 1/500 và cuối cùng là tăng giá so với cam kết giữa các bên với nhau.

Thủ đoạn thứ nhất là thay đổi tên của dự án. Đây là trường hợp những dự án chết, bị nhiều tai tiếng trước đây được đổi tên nhằm xóa vết tích nhưng thực chất vẫn là “bình mới rượu cũ”.

Thứ hai là thay đổi luôn cả tên chủ đầu tư. Trường hợp này cũng xảy ra với những chủ đầu tư làm ăn chụp giật, bị báo chí phản ánh sau đó đổi cả tên doanh nghiệp.

Thủ đoạn thứ ba mà một số doanh nghiệp thực hiện là làm lại quy hoạch 1/500 tăng thêm những tiện ích không có thật (tức là lừa dối về mặt thông tin đối với khách hàng). Không những vậy, có những trường hợp doanh nghiệp tự ý thay đổi quy hoạch 1/500, cơ quan chức năng chưa phê duyệt nhưng chủ đầu tư vẫn mang ra rao bán.

Thứ tư là thủ đoạn tăng giá so với cam kết giữa các bên. Ví dụ chủ đầu tư rao bán căn hộ giá 300 triệu đồng, nhưng sàn giao dịch rao bán 400-500 triệu đồng, cuối cùng không giao hợp đồng cho khách hàng, dẫn đến tranh chấp.

Cũng theo ông Lê Hoàng Châu, rất nhiều trường hợp người mua nhà không nhận được nhà, các chủ đầu tư chậm bàn giao hay một căn nhà bán cho nhiều người... đang trở nên phổ biến.

Làm gì để hạn chế rủi ro khi mua bất động sản

Trên thực tế, khi mua nhà dự án, phần lớn nhà đầu tư thường ít quan tâm đến hợp đồng mua bán hay góp vốn, họ thường thiếu kinh nghiệm nên các khách hàng liên tục gặp phải vô số vấn đề pháp lý trong giao dịch bất động sản. Vì vậy, nếu không nắm bắt một số quy luật vận động của thị trường và tìm hiểu kỹ dự án thì việc “tiền mất tật mang” không phải là điều xa lạ đối với khách hàng.

Vậy một câu hỏi đặt ra là làm gì để hạn chế rủi ro cho người mua bất động sản? Các chuyên gia cho rằng, trước hết người mua phải tự kiểm tra bộ hồ sơ sản phẩm được cung cấp từ bên bán. Trong đó, một thủ tục không thể bỏ qua là phải xem bản chính sổ đỏ hoặc hợp đồng mua bán (HĐMB) căn hộ và các loại giấy tờ đi kèm khác như thế chấp, vay nợ...

Tiếp đến là đề nghị bên bán cung cấp bản photo sổ đỏ hoặc HĐMB căn hộ. Đối với nhà đất thổ cư, người mua có thể trực tiếp tới cơ quan cấp chứng nhận sở hữu (sổ đỏ) để kiểm tra thông tin gốc. Tương tự, việc kiểm tra tính xác thực của HĐMB phải được đảm bảo thông qua chủ đầu tư.

Đồng thời, người mua cần tìm hiểu tình hình dân trí, an ninh, đồ án quy hoạch... tại địa bàn có bất động sản giao dịch. Có thể tìm hiểu trực tiếp tại cơ quan sở tại (phường/xã) hoặc khai thác thông tin người dân tại địa phương quanh khu vực bất động sản mà mình đang có ý định mua.

Ngoài ra, người mua cần quan tâm đến vấn đề đặt cọc trước khi giao dịch chính thức. Thông thường, tiền đặt cọc không vượt quá 10% giá trị mua bán. Cuối cùng là bước công chứng HĐMB (sau khi ký tại phòng công chứng), nội dung trong hợp đồng sẽ được các công chứng viên hỗ trợ. Tuy nhiên, việc khai rõ nội dung về thuế thu nhập cá nhân, phí và lệ phí và đi nộp thay, giá trị mua bán... sẽ giúp người mua hạn chế thấp nhất các phát sinh ngoài ý muốn.

Chia sẻ về việc ngân hàng phát hành bảo lãnh cho người mua và thuê nhà hình thành trong tương lai, chuyên gia tài chính, ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, người mua nhà ở Việt Nam thường an tâm về chủ đầu tư. Bản thân người mua không quan tâm, không đòi hỏi quyền lợi thì nhà đầu tư cũng không nhắc đến, bỏ qua vấn đề bảo lãnh.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, tại Mỹ không có việc bảo lãnh bất động sản hình thành trong tương lai, còn tại Việt Nam, người tiêu dùng đang bị lợi dụng vì có những trường hợp “tiền mất tật mang” do năng lực yếu của chủ đầu tư dẫn đến nhiều rủi ro khi nhà đầu tư vỡ nợ, không triển khai, thiệt hại cho người tiêu dùng.

Ông Phan Trường Sơn, Trưởng phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản - Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, pháp luật đã quy định cụ thể năng lực tài chính của chủ đầu tư. Đối với dự án trên 20 ha, chủ đầu tư phải đảm bảo năng lực tài chính không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư và không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha. Nếu các chủ đầu tư không đáp ứng đủ năng lực thì rất dễ dẫn tới trường hợp lừa đảo, huy động vốn.

Nguồn: Báo mới


Written : letramy

Search date :    

Go Top
Đăng ký tư vấn
Công ty luật FUJILAW