Bàn về chương trình đào tạo thừa phát lại
Thừa phát lại Thủ Đức - Ngày 13/5/2020, Học viện Tư pháp đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về chương trình khung đào tạo nghề thừa phát lại. TS. Nguyễn Xuân Thu – Phó giám đốc Học viện Tư pháp chủ trì Hội nghị.
Dự thảo Chương trình khung đào tạo nghề thừa phát lại với mục tiêu đào tạo nguồn bổ nhiệm chức danh Thừa phát lại có kiến thức, kỹ năng và phẩm chất nghề nghiệp cơ bản, toàn diện, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thừa phát lại để góp phần nâng cao chất lượng nguồn Thừa phát lại trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, phục vụ công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế của đất nước.
|
Hình minh họa |
Về kiến thức, người tốt nghiệp chương trình đào tạo nghề Thừa phát lại sẽ hiểu được lịch sử hình thành, phát triển của nghề Thừa phát lại trên thế giới, quá trình hình thành, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về Thừa phát lại ở Việt Nam; hiểu và vận dụng được quy tắc đạo đức nghề nghiệp, nhiệm vụ, quyền hạn của Thừa phát lại vào hoạt động nghề nghiệp; hiểu được cách thức tổ chức, quản lý Văn phòng Thừa phát lại và vận dụng trong hoạt động nghề nghiệp; nắm vững và vận dụng được các quy định của pháp luật liên quan vào thực tiễn hoạt động nghề nghiệp.
Về kỹ năng, người tốt nghiệp phải có năng lực thực hiện được các công việc theo yêu cầu của chức danh Thừa phát lại, quản trị công việc và biết cách tự phát triển hoạt động nghề nghiệp tương lai của cá nhân; có khả năng tự chịu trách nhiệm, khả năng làm việc độc lập; có khả năng giao tiếp, thuyết phục khi thực hiện các hoạt động nghề nghiệp.
Về đạo đức nghề nghiệp, người tốt nghiệp biết cách ứng xử khi thực hiện các công việc của Thừa phát lại; có tinh thần chủ động thích ứng với sự thay đổi của pháp luật và của thực tiễn; có tinh thần trách nhiệm khi thực hiện các hoạt động nghề nghiệp của Thừa phát lại.
Chương trình khung đào tạo nghề thừa phát được áp dụng theo tín chỉ. Mỗi giờ tín chỉ được tính bằng 50 phút học tập. Một tín chỉ được quy định bằng: 15 giờ học lý thuyết và 30 giờ tự học, chuẩn bị cá nhân có hướng dẫn hoặc 30 giờ thực hành, thảo luận và 15 giờ tự học, chuẩn bị bài học theo hướng dẫn của giảng viên hoặc 45 giờ thực tập, làm tiểu luận, luận văn, luận án.
Tại Hội nghị các đại biểu thảo luận và đóng góp các ý kiến về cấu trúc chương trình, khối lượng nội dung kiến thức trong chương trình. Nhiều đại biểu quan tâm góp ý vào vấn đề sử dụng thuật ngữ pháp lý và kỹ năng lập vi bằng trên môi trường mạng. Bên cạnh đó cũng có một số ý kiến đề nghị gộp hoặc tách, bổ sung nội dung vào chương trình; sắp xếp lại thứ tự của các bài học; một số ý kiến đề xuất tăng thời gian đi thực tế để học kỹ năng thay cho học lý thuyết hoặc tọa đàm…
Thay mặt lãnh đạo Học viện Tư pháp, TS. Nguyễn Xuân Thu cảm ơn các đại biểu đã thẳng thắn, nhiệt tình đóng góp ý kiến và đề nghị Khoa Đào tạo Các chức danh thi hành án dân sự rà soát lại toàn bộ nội dung Dự thảo Chương trình để chỉnh sửa trên cơ sở các ý kiến đóng góp tại Hội nghị, đồng thời chuẩn bị hồ sơ, tài liệu trình Thứ trưởng thành lập Hội đồng thẩm định.
Nguồn: Học viện Tư pháp