Bị coi là dân “đòi nợ mướn”
“Ông tới đây làm gì? Ông là phường đòi nợ mướn chứ gì! Tôi không vi phạm pháp luật, mấy ông tới đây làm phiền nhà tôi quá!”. Lần đầu tiên đến nhà ông HVN, người của Văn phòng thừa phát lại quận Bình Thạnh đã bị ông N. mắng đuổi và dọa ném đá, đòi “sẽ ăn thua đủ”.
Năm 2009, ông N. làm hợp đồng đặt cọc để bán căn nhà trên đường Hoàng Hoa Thám, phường 7, quận Bình Thạnh cho bà P. với giá 4,5 tỉ đồng. Ngôi nhà có một phần diện tích xây không phép, bên bán (là ông N.) sẽ chịu trách nhiệm hợp thức hóa phần xây không phép này trong vòng 20 ngày sau khi ký hợp đồng đặt cọc. Ông N. đã nhận 850 triệu đồng tiền cọc nhưng sau đó việc hợp thức hóa không thành, hai bên xảy ra tranh chấp… Tòa tuyên hủy hợp đồng đặt cọc, ông N. phải trả lại cho bà P. 850 triệu đồng.
Thừa phát lại đang làm biên bản kê biên tài sản và giải thích cho ông N. Ảnh: AT
Cách đây một tháng, bà P. ký hợp đồng nhờ Văn phòng thừa phát lại quận Bình Thạnh tổ chức thi hành án. Nơi đây đã nhiều lần mời ông N. đến văn phòng, thậm chí đến nhà ông N. gặp trực tiếp để thuyết phục ông N. thực hiện theo bản án. Thế nhưng lần nào ông N. cũng bất hợp tác và đuổi thừa phát lại như “đuổi tà”, mắng họ là dân “đòi nợ mướn”.
Ông Lê Mạnh Hùng, Trưởng văn phòng thừa phát lại quận Bình Thạnh, kể: “Chúng tôi phải nhờ cảnh sát khu vực, chính quyền địa phương đi cùng, mỗi lần đi lại cầm theo các văn bản pháp luật quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của thừa phát lại để giải thích cho ông N. hiểu rằng chúng tôi đang tổ chức thi hành bản án của tòa chứ không phải là kẻ đòi nợ mướn. Cứ vừa trích dẫn luật, vừa mềm dẻo phân tích lý và tình…”.
“Tôi hiểu công việc của mấy anh rồi”
Vì ông N. không tự nguyện thi hành án, cách đây một tuần, Văn phòng thừa phát lại quận Bình Thạnh ra quyết định kê biên căn nhà của ông N. Văn phòng giải thích cho ông N. rõ: Ông N. vẫn được sử dụng ngôi nhà bình thường, việc kê biên chỉ nhằm ngăn ông N. chuyển dịch, sang nhượng, cầm cố thế chấp căn nhà cho đến khi thi hành án xong hoặc có quyết định của thừa phát lại cho phép được xử lý tài sản. Nếu trước ngày mở bán đấu giá phát mại thi hành án (dự kiến khoảng hơn hai tháng nữa), ông N. nộp đủ số tiền thi hành án thì được nhận lại tài sản.
Trước ngày kê biên căn nhà, ông N. chủ động gọi điện thoại cho thừa phát lại Lê Mạnh Hùng: “Tôi hiểu công việc của mấy anh rồi. Hồi trước 1975 cũng từng có thừa phát lại như mấy anh bây giờ…”. Buổi kê biên diễn ra thành công, có sự tham gia của đại diện VKSND quận Bình Thạnh, đại diện công an phường và đại diện chính quyền địa phương. Thừa phát lại Lê Mạnh Hùng cho biết: “Nhờ sự phối hợp nhiệt tình của những lực lượng này mà thừa phát lại mới dần dần thuyết phục được ông N. và công việc của chúng tôi mới trôi chảy”.
Có mặt tại buổi cưỡng chế, bà Lâm Tuyết Xuân, cán bộ tư pháp UBND phường 7, quận Bình Thạnh, khen: “Công nhận thừa phát lại xử lý vụ việc nhanh. Phải như thế thì mới bảo vệ được tính tôn nghiêm của pháp luật và đảm bảo quyền lợi của người được thi hành án”.
Ngày 19-10, Văn phòng thừa phát lại quận Tân Bình tổ chức kê biên bốn chiếc xe đầu kéo của Công ty S. Tuy nhiên, buổi cưỡng chế không thành công vì bốn chiếc xe đầu kéo của Công ty S. đang nằm ở quận 9, không thể vào nội đô trong giờ cao điểm. Văn phòng thừa phát lại quận Tân Bình đã lập biên bản và dời ngày cưỡng chế lại. Ông Nguyễn Năng Quang, Trưởng văn phòng thừa phát lại quận Tân Bình, cho biết sắp tới văn phòng sẽ tiến hành kê biên tài sản của Công ty S., có thể không phải là xe đầu kéo mà là tài sản khác.
|