Video

Văn phòng Thừa phát lại

Thống kê
Vistited  
Online  

10 Sự kiện Pháp luật tiêu biểu năm 2014

Tuesday, 30/12/2014, 09:57 GMT+7

10 Sự kiện Pháp luật tiêu biểu năm 2014

(TPLTĐ) - Theo thông lệ hàng năm, thời điểm chuẩn bị kết thúc năm cũ, bước sang năm mới, đông đảo bạn đọc đã hào hứng tham gia đề cử các sự kiện pháp luật tiêu biểu của năm 2014 do Báo PLVN tổ chức. Dựa theo tiêu chí, một Hội đồng bình chọn với sự góp mặt của các chuyên gia pháp lý hàng đầu sau một tuần làm việc đã đưa ra 10 Sự kiện Pháp luật tiêu biểu năm 2014. 
Thừa phát lại cố gắng năm sau lọt vào TOP 10 sự kiện Pháp luật tiêu biểu năm 2015 với sự kiện: Quốc Hội thông qua việc triển khai áp dụng chế định Thừa phát lại trên toàn quốc nhé!

 

1. Sự kiện “Đấu tranh pháp lý và ngoại giao buộc Trung Quốc chấm dứt việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981”. Việc đấu tranh pháp lý và ngoại giao buộc Trung Quốc chấm dứt việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là sự kiện pháp lý quan trọng trong năm 2014, thu hút được sự quan tâm của nhân dân Việt Nam cũng như dư luận thế giới. 
Chính phủ Việt Nam đã kiên quyết và khôn khéo sử dụng pháp luật quốc tế và biện pháp đấu tranh ngoại giao cũng như quyết tâm đấu tranh trên thực địa để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên các vùng biển, đảo của Việt Nam theo đúng Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các quy định của pháp luật quốc tế. Đây là sự kiện pháp luật tiêu biểu trong lĩnh vực ngoại giao và pháp luật quốc tế.
Tàu Cảnh sát Biển Việt Nam (trái) đấu tranh trên thực địa 
2. Sự kiện “Việt Nam liên tiếp thắng kiện trong 2 vụ kiện tranh chấp thương mại quốc tế”. Năm 2014, Chính phủ Việt Nam ủy quyền cho Bộ Tư pháp tham gia tố tụng với tư cách là bị đơn trong hai vụ kiện tại Hội đồng Trọng tài quốc tế, đó là vụ South Fork (Hoa Kỳ) và vụ DiAlasie (Pháp). Việc giải quyết thành công hai vụ kiện nêu trên đã phản ánh trung thực, khách quan việc thực thi pháp luật một cách nghiêm minh của Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam; khẳng định chính sách rõ ràng và nhất quán của Việt Nam là luôn chào đón và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tiến hành đầu tư, kinh doanh một cách hợp pháp tại Việt Nam. 
Thành công này cũng phản ánh sự lớn mạnh của đội ngũ chuyên gia của Việt Nam trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, bảo vệ lợi ích quốc gia về mặt pháp lý trong quá trình đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế quốc tế.
Thắng 2 vụ kiện đã chứng minh sự lớn mạnh
của đội ngũ chuyên gia Việt Nam 
3. Sự kiện “Quốc hội khóa 13 thông qua quy định cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam”. Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) với nhiều nội dung sửa đổi quan trọng, có tính đột phá. Trong đó, các luật này cho phép người nước ngoài mua nhà là sự thay đổi quan trọng trong tư duy lập pháp, tạo “cú hích” cho thị trường bất động sản. Đây là sự kiện được nhiều người quan tâm, chờ đợi trong nhiều năm qua.
Nhiều người nước ngoài hào hứng về sự kiện
người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam
 
4. Sự kiện “Xử lý vi phạm pháp luật về nhà đất, trong đó có việc thu hồi nhà đất của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền”. Việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận ông Trần Văn Truyền có sai phạm trong việc sở hữu tài sản và UBND tỉnh Bến Tre và UBND TP.Hồ Chí Minh ra quyết định thu hồi nhà đất của ông Trần Văn Truyền là sự kiện pháp luật quan trọng trong công tác quản lý cán bộ và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước. Vụ việc đã thu hút sự quan tâm của người dân, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đảng viên; đã tạo niềm tin của nhân dân đối với công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực và sai phạm mà Đảng, Nhà nước đang thực hiện. 
Căn nhà liên quan đến “sự cố” ông Trần Văn Truyền 
5. Sự kiện “Phát hiện nhiều vụ oan sai và sử dụng nhục hình chấn động”. Đình chỉ điều tra đối với 7 bị can trong vụ án giết người xảy ra ở Sóc Trăng là sự kiện pháp lý quan trọng, điển hình cho việc đấu tranh phòng chống oan sai trong tố tụng hình sự. Vụ án này là đại diện cho các vụ việc tương tự khi cơ quan điều tra, viện kiểm sát không thể phát hiện oan sai, chỉ đến khi thủ phạm thật ra đầu thú thì người bị oan mới được minh oan. 
Bên cạnh đó, vụ việc 5 Công an thành phố Tuy Hòa bị truy tố về hành vi dùng nhục hình đánh chết người ở Phú Yên đã bị xử lý nghiêm minh và Chủ tịch nước, các cơ quan của Quốc hội vào cuộc để giám sát việc xử lý đối với hành vi sử dụng nhục hình của các cán bộ trên là một sự kiện đánh dấu những bước tiến quan trọng trong cải cách tư pháp, đặc biệt là việc bảo vệ quyền con người trong hoạt động điều tra, giải quyết vụ án.
Các bị can trong vụ dùng nhục hình ở Phú Yên 
6. Sự kiện “Quốc hội khóa 13 phê chuẩn việc tham gia Công ước chống tra tấn”. Đây là sự kiện pháp lý, chính trị quan trọng, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết của Việt Nam về việc bảo vệ quyền con người theo luật pháp quốc tế.
Việc bị cáo ra tòa được mặc thường phục là sự
tiến bộ trong hoạt động xét xử của Việt Nam 
7. Sự kiện “Quốc hội khóa 13 thông qua quy định cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, không cấm kết hôn đồng giới và đổi mới căn bản công tác hộ tịch”. Quốc hội khóa 13 đã thông qua Luật Hôn nhân và Gia đình số 52/2014/QH13 với quy định cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; không cấm kết hôn đồng giới là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước thay đổi đáng kể trong tư duy lập pháp của Chính phủ, Quốc hội Việt Nam, tạo ra bước thay đổi quan trọng trong nhận thức và thực hiện pháp luật, đặc biệt là đối với các vấn đề pháp luật về quyền con người và các vấn đề pháp lý mới. 
Cùng với đó, việc Quốc hội thông qua Luật Hộ tịch, trong đó quy định giữ nguyên Giấy khai sinh được dư luận đánh giá là “sự thấu hiểu lòng dân” trong công tác hộ tịch, thủ tục hành chính.
Quy định cho phép mang thai hộ đem lại
hạnh phúc cho nhiều gia đình. 
8. Sự kiện “Sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư với tư tưởng mới trong quản lý doanh nghiệp và kinh doanh”. Việc Quốc hội khóa 13 sửa đổi hai đạo luật quan trọng là Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, với nhiều nội dung đổi mới, thông thoáng hơn cho thấy sự đổi mới tư duy trong lĩnh vực quản lý doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh thông thoáng hơn. Việc quản lý doanh nghiệp đã bắt đầu được thực hiện theo nguyên tắc doanh nghiệp được kinh doanh những lĩnh vực mà pháp luật không cấm; doanh nghiệp được tự quyết định về con dấu của mình, làm giảm phiền hà, nhũng nhiễu hoặc khó khăn đối với doanh nghiệp do các thủ tục hành chính gây ra.
Sửa đổi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư tạo điều kiện
thông thoáng cho doanh nghiệp trong kinh doanh
9. Sự kiện “Thay đổi có tính đột phá về công tác thi tuyển cán bộ lãnh đạo của các Bộ, ngành và địa phương”. Với một loạt cán bộ là lãnh đạo cấp Tổng cục, cấp Vụ của các Bộ, ngành và lãnh đạo cấp Sở của các địa phương được lựa chọn theo hình thức thi tuyển trong năm 2014 đã trở thành sự kiện đột phá trong công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ hoàn thiện đề án về thí điểm đổi mới cách thức tuyển lãnh đạo cấp Vụ, cấp Phòng.
Hội đồng thi tuyển Phó Giám đốc Học viện Tư pháp của Bộ Tư pháp 
10. Sự kiện “Kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với một số quốc gia trên thế giới”, trong đó có Liên minh Hải quan Nga - Belarus – Kazakhstan, Hàn Quốc. Đây là sự kiện hết sức quan trọng, không chỉ có ý nghĩa tăng cường hợp tác thương mại song phương với các quốc gia đối tác, tạo ra cơ hội lớn cho sự phát triển kinh tế và tạo dựng uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.n
 
Hội đồng bình chọn Sự kiện Pháp luật năm 2014
TS Đào Văn Hội, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam; Ths Đặng Ngọc Luyến, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo Pháp luật Việt Nam;  TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp; TS Chu Mạnh Hùng, Phó Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội; LS Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam; ông Nguyễn Văn Hùng, Hàm Vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương; TS Dương Thị Thanh Mai, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp; Thẩm phán Nguyễn Văn Du, Chánh Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội; TS Trần Bá Dung, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam; bà Trần Thị Hương Mai, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam.

(Nguồn PLVN)

Written : Ping

Search date :    

Go Top
Đăng ký tư vấn
Công ty luật FUJILAW