Tương tự, TPL cũng "chia lửa" với cơ quan THA dân sự, giúp các cơ quan này giảm áp lực công việc đang quá tải. Song, chính những người trong cuộc cũng cho rằng, trên thực tế công việc này ở mức độ nào đó vẫn chưa được các cấp quản lý quan tâm đúng mức.
"Quen với người già, lạ với người trẻ"
Mặc dù đã trải qua 5 năm thực hiện thí điểm nhưng chế định này hiện còn rất xa lạ đối với đại đa số người dân, nhất là với người dân vùng sâu, vùng xa. Những người biết đến TPL ở miền Bắc đã trên 70 tuổi, ở miền Trung và miền Nam thì cũng 50 - 60 tuổi. Bởi vậy, đưa khái niệm từ văn bản pháp luật vào cuộc sống là khó khăn lớn nhất khi thực hiện chế định này.
Là một trong những văn phòng đầu tiên của Hà Nội đi vào hoạt động, những ngày đầu đối với Văn phòng TPL Hai Bà Trưng cũng "rất đáng nhớ". Theo Trưởng Văn phòng Phạm Anh Dũng, dù treo biển đỏ rực ấn tượng nhưng những người "mở đường" gặp không ít khó khăn. "Chúng tôi đã in hơn 5.000 tờ rơi tuyên truyền về TPL gửi đến 300 UBND xã, phường, thị trấn và tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo, nói chuyện với cán bộ, đảng viên, người dân. Vậy mà không ít lần chúng tôi bị từ chối gặp gỡ, hắt nước vào mặt chỉ vì người dân quyết "không biết ông là ai" và ngại đọc các văn bản của TAND, THA dân sự về tù tội, tiền bạc".
Ở thành phố lớn, việc đưa khái niệm TPL vào cuộc sống đã khó khăn như vậy thì ở những vùng dân trí phát triển chưa đều như Quảng Ninh, công việc tuyên truyền về TPL gian nan hơn nhiều. Ngay khi mới thành lập, các văn phòng TPL Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả đã dốc toàn lực cho công tác tuyên truyền. Bằng rất nhiều hội thảo chuyên sâu cho cán bộ các cấp ủy đảng, công chức tư pháp, hành pháp và hội thảo phổ biến cho người dân ở thôn xóm, tổ dân phố, cán bộ và nhân dân ở Quảng Ninh mới bước đầu tiệm cận chế định TPL. Các văn phòng còn chăm chút từ đồng phục ngành, đến biển hiệu, xây dựng trang web, tăng cường thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng… để người dân thấy TPL quen thuộc hơn.
Vượt qua khó khăn về sự xa lạ, các văn phòng TPL tiếp tục gặp khó khi chưa tạo được niềm tin trong nhân dân. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, vừa rồi Bộ Tư pháp đã có Công văn số 4003/BTP-TCTHADS hướng dẫn một số nội dung trong hoạt động TPL. Tuy nhiên, cần có văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn để việc triển khai hoạt động của TPL được thuận lợi hơn. "Cần có hướng dẫn về việc sau khi kết thúc thí điểm, những vụ việc đã giao cho TPL giải quyết mà chưa thực hiện xong thì hướng xử lý như thế nào để người dân yên tâm, sử dụng dịch vụ" - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định.
"Vấp" với cơ quan nhà nước
Khi bắt đầu thực hiện chế định này, rất nhiều cán bộ, công chức trong ngành tư pháp, hành pháp còn hiểu rất mơ hồ, đa số cán bộ quản lý nhà nước thì "mù tịt" về TPL. Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Sơn thừa nhận: "Nhận thức của một số cán bộ, công chức TAND về thí điểm chế định TPL vẫn chưa đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu. Một số tòa án chưa thực sự tích cực phối hợp, hỗ trợ các văn phòng TPL.
Cục trưởng Cục THA dân sự Hà Nội Lê Quang Tiến cho biết, hiện bình quân một chấp hành viên (CHV) phải giải quyết số lượng việc trong năm rất cao như 391 việc/CHV (Hoài Đức), 247 việc/CHV (Chương Mỹ), 218 việc/CHV (Đống Đa)… Do đó, theo ông đánh giá, "Hoạt động TPL không những không gây xáo trộn các hoạt động của các cơ quan THA dân sự mà bước đầu còn hỗ trợ tích cực cho các hoạt động tư pháp được nhanh hơn, hiệu quả hơn, góp phần giảm tải công việc của các cơ quan THA dân sự. Thực tế hiện nay đã có những vụ việc người dân xin chuyển việc thi hành án do Chi cục THA dân sự đang thi hành sang văn phòng TPL thi hành". Dù vậy, thực thi nhanh, nghiêm túc đến đâu còn tùy vào các cơ quan thừa hành.
Thông tin mới nhất từ Sở Tư pháp thành phố Hà Nội, qua 8 tháng hoạt động, 8 văn phòng TPL đứng chân trên địa bàn Thủ đô đã lập được 720 vi bằng; tống đạt hơn 1.864 văn bản của tòa án, 2.064 văn bản của cơ quan THA dân sự; xác minh điều kiện THA 39/49 vụ; tổ chức THA 7/14 vụ. Kết quả trên chưa đạt được mục tiêu. Thành phố cũng đã tổ chức nhiều buổi họp liên ngành, nhưng bức tranh về cơ chế phối hợp không chỉ là "màu hồng".
Hiện nay, ngoài Văn phòng TPL Hoàn Kiếm đã ký hợp đồng tống đạt với TAND thành phố Hà Nội và đã tống đạt được trên 1.700 văn bản, Văn phòng TPL quận Hà Đông tống đạt hơn 100 văn bản thì các văn phòng TPL khác mới chỉ ký được hợp đồng tống đạt với các tòa án theo địa hạt. Do thiếu văn bản chỉ đạo của Bộ Công an, việc TPL tống đạt văn bản cho các bị cáo đang bị tạm giam còn gặp khó khăn, có trường hợp phải hoãn phiên tòa. Mới đây nhất, TAND thành phố ban hành văn bản tạm dừng thực hiện tống đạt một số văn bản qua TPL, điển hình là giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời, quyết định đưa vụ án ra xét xử và các văn bản tố tụng khác trong giai đoạn trước khi xét xử các vụ án hình sự càng làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện tống đạt của các văn phòng TPL.
Kết quả khảo sát của TAND thành phố với các tòa chuyên trách TAND TP Hà Nội, các thẩm phán có thâm niên lâu năm đang trực tiếp giải quyết những vụ án mà tính chất công việc có liên quan đến chế định TPL càng cho thấy cái nhìn thiếu tin tưởng giữa cán bộ, thư ký tòa án với TPL. Có đến 62,5% ý kiến cho rằng không cần thiết phải giao cho văn phòng TPL việc tống đạt các văn bản với lý do sẽ phát sinh thêm chi phí Nhà nước phải chi trả. Khoảng 25% ý kiến được hỏi cho rằng, việc tống đạt này thuộc cơ quan tòa án, THA có thể tự đảm nhận được. "TPL hoặc Thư ký TPL không trực tiếp xây dựng hồ sơ vụ án, cũng không được đọc hồ sơ vụ án nên việc tống đạt các văn bản tố tụng có thể gặp nhiều trở ngại trong việc tống đạt văn bản hoặc việc tống đạt gặp nhiều khó khăn hơn, có thể dẫn đến việc giải quyết vụ án bị kéo dài. Mặt khác, pháp luật hiện hành cũng chưa quy định thẩm phán xét xử hay TPL sẽ chịu trách nhiệm trong trường hợp bản án bị hủy do TPL không thực hiện việc tống đạt hoặc tống đạt các văn bản tố tụng không đúng quy định của pháp luật tố tụng, hoặc chậm trễ trong việc tống đạt. Chính những băn khoăn này đã dẫn đến sự e ngại từ phía thẩm phán và thư ký Tòa án đối với việc hợp tác cùng TPL"- Phó Chánh án TAND TP Hà Nội Tạ Quốc Hùng cho hay.
Trưởng Văn phòng TPL Ba Đình Nguyễn Văn Lạng vẫn nhớ cảm giác khi Công an phường Tây Tựu, UBND phường Đông Ngạc từ chối, không cung cấp yêu cầu xác minh của TPL. Còn kỷ niệm "nhớ đời" của Trưởng Văn phòng TPL Hải Phòng Bùi Đình Chiến là lần trực tiếp đi tống đạt văn bản đối với một phạm nhân đang thụ án trong trại giam mà gia đình đã chuyển khỏi nơi cư trú. Sau vài ba lần tìm đến công an khu vực để xin xác nhận nhưng không được hợp tác, ông tìm đến nhà tổ trưởng dân phố. Khi ông đến, bà tổ trưởng dân phố tình cờ mở cổng ra ngoài, con chó nhà bà lao thẳng ra cổng và cắn ông. Văn bản tống đạt không thành, vì bà tổ trưởng dân phố cũng không xác nhận, còn ông mất hơn 200 nghìn đồng đi tiêm phòng chó dại và mệt cả tuần...
Không chỉ có rào cản về "tâm lý cán bộ", cơ chế phối hợp chưa nhuyễn, một điều quan trọng khác là cơ chế chính sách về lĩnh vực này còn nhiều vướng mắc. Ông Trần Ngọc Toàn (Trưởng Văn phòng TPL Cẩm Phả, Quảng Ninh) than: "Không được khoác lên mình "chiếc áo" công quyền nhưng trong một số công việc lại có chức năng, nhiệm vụ giống như CHV - là người được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của pháp luật; được nhân danh và sử dụng quyền lực Nhà nước vào hoạt động của mình. Vừa rồi tôi ra tận huyện đảo Cô Tô, đảo Quan Lạn hay huyện miền núi Bình Liêu để tống đạt, có chuyến đi tổng chi phí khoảng 1,3 triệu đồng nhưng chỉ được thu 130.000 đồng/trường hợp". Chưa kể, văn bản hiện hành nêu tống đạt "cùng một địa chỉ" thì mức phí là 30.000 đồng. Khái niệm "cùng một địa chỉ" này rất mù mờ, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau.
Chưa kể, chỉ một giấy tờ mà thiếu đi số chứng minh nhân dân, họ tên bố mẹ… là TPL đã khó tìm. Trong trường hợp này, cơ chế phối hợp giữa TPL với chính quyền, công an, tổ trưởng dân phố lại chưa cụ thể, rõ ràng nên việc tống đạt trở nên mò kim đáy bể. Những bất cập kể trên cho thấy bên cạnh sự chủ động các văn phòng TPL, chính sự tạo điều kiện, phối hợp gỡ khó của các cơ quan liên quan đóng vai trò quan trọng không kém, nếu không nói là hơn… trong hành trình đưa TPL vào cuộc sống.